Ngày 19/12, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã điện đàm, thảo luận những diễn biến mới nhất ở Dải Gaza, theo đó hai bên nhất trí tiếp tục bác bỏ và ngăn chặn việc di dời người Palestine khỏi vùng đất của họ.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết trong cuộc điện đàm, ông Blinken đã điểm lại những nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn di dời người Palestine khỏi Gaza.
Về phần mình, ông Shoukry nhấn mạnh Ai Cập đã nhiều lần bác bỏ việc trục xuất người Palestine khỏi Gaza, coi đây là "ranh giới đỏ" không được vượt qua. Ông cũng kêu gọi phối hợp để đảm bảo tăng cường khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo ở Gaza.
Ngoại trưởng Ai Cập bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ dự thảo nghị quyết do các nhóm Arab và Hồi giáo đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và duy trì viện trợ vào Dải Gaza.
Cũng trong cuộc điện đàm, hai bên đã đề cập những thách thức an ninh ở khu vực phía Nam Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab, các cuộc tấn công gần đây của lực lượng Houthi ở Yemen vào các tàu thuyền di chuyển trên Biển Đỏ.
Ông Shoukry nhấn mạnh cần duy trì hoạt động hàng hải an toàn ở Biển Đỏ để đảm bảo dòng chảy thương mại toàn cầu được thông suốt.
Cùng ngày, một nguồn tin thân cận với Hamas cho biết thủ lĩnh của phong trào này, ông Ismail Haniyeh, sẽ đến Ai Cập trong ngày 20/12 để đàm phán thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và trao đổi tù nhân với Israel.
Nguồn tin trên xác nhận ông Haniyeh, hiện đang sống lưu vong tại Qatar, sẽ dẫn đầu một phái đoàn Hamas “cấp cao” tới Cairo để hội đàm với Giám đốc Cơ quan tình báo Ai Cập Abbas Kamel và các quan chức khác.
Đây sẽ là lần thứ hai thủ lĩnh Hamas Haniyeh tới Ai Cập kể từ khi bắt đầu giao tranh với Israel ngày 7/10. Chuyến đi trước đó vào đầu tháng 11.
Dự kiến cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc ngăn chặn hành vi gây hấn để chuẩn bị một thỏa thuận trao trả tù nhân và chấm dứt lệnh phong tỏa tại Dải Gaza, cũng như việc cung cấp viện trợ nhân đạo, rút quân đội Israel khỏi Dải Gaza và đưa những người di tản trở về thị trấn, làng mạc của họ ở phía Bắc vùng đất này.
Trong đợt ngừng bắn kéo dài một tuần hồi tháng trước, do Qatar làm trung gian có sự hậu thuẫn của Ai Cập và Mỹ, 110 con tin người Israel và người nước ngoài cùng 240 tù nhân Palestine được trả tự do.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Axios của Mỹ cho biết người đứng đầu Cơ quan tình báo Israel (Mossad), ông David Barnea, đã gặp Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns tại châu Âu, để thảo luận một thỏa thuận mới nhằm giải thoát các con tin đang bị bắt giữ.
Cũng trong ngày 19/12, Văn phòng Điều phối Các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết mạng viễn thông, bao gồm cả dịch vụ Internet, đã được khôi phục một phần ở phía Nam Gaza.
Thông báo của OCHA nêu rõ: “Sự gián đoạn thường xuyên và thiếu điện trong thời gian qua đã cản trở việc tiếp cận thông tin quan trọng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực cứu trợ nhân đạo.”
Theo OCHA, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết kể từ đầu tháng 12 này đã phân phát bánh quy năng lượng cao cho khoảng 600.000 người di tản tại các cơ sở tạm trú.
Ngoài ra, WFP cũng phân phát các gói thực phẩm hoặc bột mỳ cho khoảng 110.000 người di tản trong hai tuần qua.
OCHA nêu rõ: “Từ ngày 12-17/12, chỉ có hai đối tác nhân đạo của chúng tôi có thể hoạt động ở khu vực phía Bắc Gaza vì lý do an ninh. Ở phía Nam Gaza, 11 đối tác đã cung cấp thực phẩm cho khoảng 2,5 triệu người trong tuần qua.”
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) thông báo đã cung cấp các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho hơn 60.000 trẻ em tại các cơ sở tạm trú và cũng như cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Tuy nhiên, OCHA cho biết vẫn đang thiếu đáng kể các trang thiết bị giúp người dân ở Gaza vượt qua mùa Đông, trong đó có lều và tấm nhựa, đồng thời nhấn mạnh viện trợ vào Gaza không đáp ứng được một phần nhu cầu.
Tuyên bố của OCHA nhấn mạnh: “Chúng tôi cần dòng hàng hóa cơ bản vào Gaza không bị gián đoạn và không kèm theo bất kỳ điều kiện nào”./.