Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, vừa có văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc nhiều ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng cây.
Đáng chú ý, đây là khu vực đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất giữa các nhóm đối tượng, phá nhổ cây rừng mới trồng sau giải tỏa từ nhiều năm qua.
Ngày 17/9 vừa qua, phóng viên TTXVN nhận được tin báo tại khu vực giáp ranh giữa phường 5 và phường 7 trên địa bàn thành phố Đà Lạt xảy ra tình trạng lấn chiếm nhiều ha đất rừng, đã xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp đất rừng, nhổ cây thông mới trồng sau khi Nhà nước tổ chức giải tỏa đất lấn chiếm để trồng rừng lại…
Để đảm bảo tính khách quan, nhóm phóng viên đã báo lực lượng chức năng gồm Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung, Ủy ban Nhân dân phường 7, Hạt Kiểm lâm thành phố… cùng tham gia kiểm tra.
Tại khu vực tiểu khu 148B, nhóm phóng viên phát hiện nằm giữa cánh rừng thông bao bọc, 2 bên bờ suối xuất hiện một khoảnh rất rộng đất trống được phát dọn sạch sẽ. Trên triền thung lũng này trồng nhiều loại cây kinh tế đa mục đích như mít, mắcca, đôla, mai anh đào...
Trên mảnh đất này, có 1 căn chòi gỗ dựng tạm bên suối đã bị đốt cháy dở, 1 căn nhà khung sắt lợp tôn chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn. Ngày 18/9, Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt đã có báo cáo số 122/BC-HKL gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt và Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Báo cáo nêu rõ: qua phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung là đơn vị chủ rừng kiểm tra cho thấy, tại tiểu khu 148B có 2 vị trí đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Tại khoảnh 6 thuộc địa bàn phường 7, diện tích lấn chiếm khoảng 1ha ở trạng thái tái lấn chiếm, mới trồng cây tùng và cây đôla vào mùa mưa năm nay.
Tại khoảnh 6 nhưng thuộc địa bàn Phường 5 có diện tích khoảng 4,13ha mới được phát dọn thực bì và mới trồng các loại cây mít, càphê, mắcca, đôla, mai anh đào… vào mùa mưa năm nay. Trên diện tích này còn có 1 nhà tôn tiền chế rộng 15m2. Căn cứ theo
Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng năm 2021, ban hành theo Quyết định số 503/QĐ-UBND thì hiện trạng diện tích này thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Tại báo cáo số 204/BC-BQL ngày 9/9/2024, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung giải trình: “Qua xác minh, vị trí này người dân đã canh tác, sản xuất, trồng cây nông nghiệp từ lâu, sau đó ít chăm sóc bỏ hoang, để cây cỏ lấn, đến mùa khô bị cháy dẫn đến cây trồng bị chết cháy toàn bộ. Trong những năm gần đây, các hộ dân tiến hành trồng lại cây mắcca, mai anh đào nên vị trí này không có lấn chiếm mới.”
Tuy nhiên, theo báo cáo số 122 của Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt: Tại buổi phối hợp kiểm tra giữa 2 đơn vị ngày 13/9/2024, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung chưa ký vào biên bản kiểm tra do chưa thống nhất số liệu kiểm tra thực tế. Liền kề diện tích tác động 4,13ha tại khoảnh 6, tiểu khu 148B thuộc phường 5 còn một vị trí đất trống trảng cỏ cây bụi với diện tích 1,5ha nhưng đơn vị chủ rừng chưa thực hiện trồng rừng trước đây.
Cung cấp thông tin cho phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn cho biết đã nhận được báo cáo từ Hạt Kiểm lâm và chỉ đạo xử lý vụ việc.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm khu vực này từ nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp với diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, khu vực này nằm giữa rừng nên lực lượng chức năng không xác định được đối tượng để xử lý.
Sau khi tiếp nhận các thông tin trên, ngày 26/9 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt đã có văn bản số 6853/UBND-LN chỉ đạo xử lý tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực này. Cụ thể Ủy ban Nhân dân thành phố giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung nâng cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ đơn vị cùng các hộ nhận khoán; tổ chức xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm và Ủy ban Nhân dân 2 phường 5 và 7 tổ chức xử lý, giải tỏa đối với cây mới lấn chiếm, các vị trí san gạt trái phép; rà soát các vị trí đất trống, đất sau giải tỏa để trồng rừng trong mùa mưa; rà soát, tổng hợp diện tích biến động đất rừng so với kết quả kiểm kê năm nay…
Ủy ban Nhân dân phường 5 và phường 7 tổ chức lập hồ sơ xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm, san gạt, hủy hoại đất lâm nghiệp; phối hợp với đơn vị chủ rừng tổ chức giải tỏa, hoàn nguyên diện tích vi phạm.
Hạt Kiểm lâm phối hợp với đơn vị chủ rừng và chính quyền cơ sở thường xuyên tuần tra, quản lý chặt chẽ không để đối tượng tiếp tục vi phạm. Phòng Kinh tế tổ chức đoàn kiểm tra, phúc tra kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố kết quả thực hiện trước ngày 5/10/2024…/.
Nguồn: Xử lý vụ nhiều ha đất rừng tại Đà Lạt bị lấn chiếm theo nguồn tin báo chí | Vietnam+ (VietnamPlus)