Xử lý thế nào đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn còn “đòi kiện CSGT”?

15:16 - 25/12/2022

Theo luật sư: "Nếu trường hợp tài xế có hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra...của lực lượng CSGT thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật".

Mới đây, Cục CSGT – Bộ Công an cho biết, trong đêm 18/12, tổ Cảnh sát Y1/141 - Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) lập chốt xử lý vi phạm tại nút giao Quán Sứ - Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Một làn đường Tràng Thi được lực lượng chức năng ngăn lại để kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện]

Trong quá trình làm việc và đến gần 22h, tổ Cảnh sát Y1/141, phát hiện chiếc xe ô tô Mercedes GLC 200 mang biển số 30K- 072.XX có dấu hiệu nghi vấn, nên tổ công tác tiến hành dừng xe để kiểm tra hành chính và nồng độ cồn.

Khi tổ công tác tiến hành kiểm tra, tổ công tác Y1/141, phát hiện tài xế N.Đ.H. vi phạm nồng độ cồn vi phạm ở mức 0,068 mg/L khí thở. Lúc này, tài xế H. trình bày nhiều lý do, tuy nhiên, tổ công tác vẫn cương quyết yêu cầu người này chấp hành đo nồng độ cồn.

CSGT tiến hành kiểm soát nồng độ cồn đối với các lái xe.

CSGT tiến hành kiểm soát nồng độ cồn đối với các lái xe.

Tuy nhiên, tài xế H. không ký vào biên bản vi phạm của mình. Người này yêu cầu lực lượng CSGT cho kiểm tra tem của máy đo, giấy tờ về chuyên đề, kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn.

Sau gần 1 tiếng đồng hồ, bất chấp lực lượng CSGT giải thích và thuyết phục, tài xế H. vẫn không chấp hành. Thậm chí, người này còn xô đẩy, ngăn cản tổ công tác làm nhiệm vụ và dọa kiện lực lượng CSGT. 

Tổ Cảnh sát 141 đã lập biên bản xử phạt nam tài xế 7 triệu đồng, tước bằng lái 11 tháng và tạm giữ xe 7 ngày vì lỗi vi phạm nồng độ cồn. Chiếc Mercedes GLC 200 được CSGT niêm phong và cẩu kéo về bãi tạm giữ.

Liên quan đến sự việc trên, luật sư Phạm Thu Hà – VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Trong điều Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ thì mức xử phạt là phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.

Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. Ngoài ra, đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì biện pháp khắc phục hậu quả mà người vi phạm phải thực hiện đó là buộc xin lỗi công khai. 

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Luật sư Thu Hà phân tích: “Nếu trường hợp tài xế H. có hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng CSGT thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, việc chống cản trở ở hay chống lại lực lượng CSGT phải đến mức độ nào. Nếu đối tượng không chấp hành, bỏ đi và có hành vi chống đối như dùng hung khí tấn công CSGT nhằm mục đích tẩu thoát, làm sai lệnh sự thật... thì người đó, chắc chắn sẽ bị khởi tố hình sự. 

Còn trường hợp chỉ nói bằng miệng bình thường, không thể hiện hành vi thì tài xế H. có thể bị xử lý hành chính về lỗi vi phạm giao thông. Trong việc này, lái xe H. đã chấp hành thổi nồng độ cồn nhưng không ký vào biên bản thì cơ quan chức năng vẫn xử lý tài xế này về lỗi nói trên”.

Ngoài ra, luật sư Thu Hà cũng khuyến cáo: “Người dân khi tham gia giao thông đường bộ cần có thái độ bình tĩnh, hợp tác với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để giải quyết nhanh chóng, tránh trường hợp gây mất trật tự công cộng, cản trở giao thông trên đường. 

Trong trường hợp CSGT xử phạt không đúng thì người bị xử phạt có thể thực hiện thủ tục khiếu nại hoặc tố cáo về hành vi hành chính hay quyết định hành chính đó để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Tuyệt đối không nên có các hành vi cản trở, chống đối lực lượng chức năng, tránh trường hợp chỉ vì nguyên nhân vi phạm hành chính mà dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác, có thể dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”.