Xu cuu lanh dao Binh Duong: Vai tro dong pham ro ret cua cac bi cao hinh anh 1Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 24/8, tiếp tục phần đối đáp tại phiên tòa xét xử 28 bị cáo trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa và các luật sư bào chữa, các bị cáo đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ buộc tội và gỡ tội.

Lấy tiền của “con đẻ” cho “con nuôi”

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương) nhiều lần nhắc đến chuyện Tổng Công ty Bình Dương là “con đẻ” của bị cáo, không bao giờ bị cáo có ý định “rút ruột," chiếm đoạt tiền.

Trong phần đối đáp, kiểm sát viên Nguyễn Thanh Lâm (Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội) cho rằng ngay từ đầu, bị cáo Minh đã có ý định cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi tham ô tài sản.

Theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát, Tổng Công ty Bình Dương có 60% vốn góp của Nhà nước. Còn hai công ty “sân sau” là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển đều có quyền lợi của cá nhân bị cáo Minh và người thân trong gia đình bị cáo Minh.

“Vậy đâu mới là con đẻ của bị cáo và dòng tiền 815 tỷ đồng này chuyển dịch từ con đẻ như lời bị cáo để nuôi con nuôi kia à?," kiểm sát viên Nguyễn Thanh Lâm đặt câu hỏi.

Theo cáo trạng, khi tiến hành cổ phần hóa Tổng Công ty Bình Dương, do cần có nguồn tiền để xử lý khoản nợ mà bị cáo Nguyễn Văn Minh cùng các bị cáo Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương), Huỳnh Thanh Hải (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, cựu thành viên Hội đồng thành viên và Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương-trách nhiệm hữu hạn một thành viên) sử dụng trước đó và cần tiền để xử lý các vấn đề tài chính khác liên quan đến lợi ích cá nhân, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã đưa ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện việc chi hơn 964 tỷ đồng để mua 9.120.000 cổ phần với giá 105.737 đồng/cổ phần, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Bình Dương số tiền hơn 815 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh đã dùng số tiền chiếm đoạt được để thanh toán các khoản tạm ứng, sử dụng cá nhân, chia cho các đồng phạm.

Viện Kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Văn Minh phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ số tiền đã tham ô là hơn 815 tỷ đồng, trong đó cá nhân bị cáo Minh trực tiếp chiếm hưởng trên 163 tỷ đồng.

Thừa nhận hành vi song chưa nhận thức vi phạm

Đối đáp với quan điểm của các luật sư cho rằng không có vai trò đồng phạm trong hành vi tham ô tài sản, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định các bị cáo trong nhóm tội danh này đã thừa nhận thực hiện hành vi, nhưng các bị cáo chưa nhận thức được đây là hành vi phạm tội tham ô tài sản.

Cụ thể, bị cáo Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương) khai đã thực hiện một loạt hành vi theo chỉ đạo của bị cáo Minh để được khoản tiền dùng để hoàn ứng là 84 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hai bị cáo Võ Hồng Cường (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Hưng Vượng) và vợ là bị cáo Trần Đình Như Ý (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phát Triển) thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc, tích cực khắc phục hậu quả.

Tại tòa, bị cáo Huỳnh Thanh Hải (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, cựu thành viên Hội đồng thành viên và Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương-trách nhiệm hữu hạn Một thành viên) khai không biết gì về những hành vi chi mua cổ phần này.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, lời khai của bị cáo Hải thể hiện như bị cáo là người ngoài cuộc, không liên quan. Trong khi bị cáo được Tỉnh ủy Bình Dương phân công sang phụ trách phần vốn góp, vai trò của bị cáo thậm chí còn cao hơn các pháp nhân khác tham gia cổ phần.

[Xét xử cựu lãnh đạo Bình Dương: Tranh luận làm rõ động cơ vụ lợi]

Chứng minh những buộc tội là có căn cứ, kiểm sát viên Nguyễn Thanh Lâm đã công bố tài liệu biên bản hỏi cung bị cáo Huỳnh Thanh Hải.

Bị cáo Hải khai bị cáo và bị cáo Vũ chủ động báo cáo bị cáo Minh về số tiền tạm ứng hơn 200 tỷ đồng, đến nay không có chứng từ hoàn ứng và xin ý kiến bị cáo Minh về việc tìm giải pháp phù hợp. Sau đó, bị cáo Minh đã chỉ đạo việc mua bán cổ phần của Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển để có tiền thực hiện việc hoàn ứng.

Đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi: “Lời khai này có phải của bị cáo không hay lúc đó bị cáo là con người khác”?

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thục Anh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phát Triển) khai bố bảo gì thì làm đấy mà không biết mục đích để làm gì. Bị cáo Thục Anh không được tiếp nhận ý chí phạm tội của bố mình là bị cáo Nguyễn Văn Minh.

Song, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định với một chuỗi hành vi như vậy của bị cáo Thục Anh thì không thể nói rằng bị cáo không biết. Chính các luật sư bào chữa còn nói bị cáo Thục Anh là con cưng của bị cáo Minh, là người hiểu việc nhất trong gia đình, đồng thời Thục Anh còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phát Triển - công ty sân sau của bị cáo Minh… Do vậy, bị cáo Thục Anh không thể không biết động cơ mục đích việc mua bán cổ phần nói trên.

Tiếp đó, các luật sư bào chữa nêu vấn đề “hổ dữ không ăn thịt con," không bao giờ người cha lại đẩy "con gái rượu” của mình vào vòng lao lý nên bị cáo Minh không có chủ đích tham ô tài sản và đưa con gái là Thục Anh tham gia vào việc vi phạm pháp luật trong vụ án này.

Tranh luận quan điểm nói trên của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng tâm lý tội phạm khi thực hiện hành vi phạm tội là luôn tìm cách che giấu và tin tưởng hành vi phạm tội của mình sẽ không bị phát hiện, xử lý.

Kiểm sát viên Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: “Vì vậy, không thể nêu lý do bố không thể đưa con gái vào vòng lao lý. Đây không phải là căn cứ chứng minh. Nếu không muốn đưa con vào vòng lao lý thì bị cáo đừng thực hiện hành vi phạm tội, đừng giao cho con làm một loạt việc như thế."

Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Minh là người chỉ đạo toàn bộ quá trình diễn ra vụ án, từ việc Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng 145ha đất cho Công ty Tân Thành, việc định giá cổ phần của Công ty Tân Thành đến việc quyết định Tổng Công ty mua cổ phần với giá cao hơn giá đã biết.

Hành vi của bị cáo Minh chính là nguyên nhân gây ra hậu quả thiệt hại trên cho Tổng Công ty Bình Dương và việc bị cáo Minh chỉ đạo sử dụng số tiền hơn 815 tỷ đồng được rút từ Tổng Công ty Bình Dương cho thấy bị cáo Minh chính là người có quyền định đoạt, sử dụng số tiền này theo ý chí của mình, tức là bị cáo Minh đã chiếm đoạt số tiền này./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)