Xet xu doi tuong lua gop von kinh doanh du lich, chiem hang ty dong hinh anh 1Bị cáo Trịnh Thị Thảo tại phiên tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Ngày 10/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt bị cáo Trịnh Thị Thảo (sinh năm 1983, ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) 19 năm tù và Đinh Thị Thu Hiền (sinh năm 1979, ở xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức) 8 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, Thảo là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn VA Travel (Công ty VA Travel); Vũ Thị Tình (sinh năm 1984, em họ Thảo) là kế toán trưởng công ty. Do khó khăn kinh tế, để có tiền trả nợ cũ và đầu tư vào công việc kinh doanh khác, Thảo đã bảo Tình là công ty hiện đang kinh doanh tour khách du lịch từ Tây Ban Nha về Việt Nam rất phát đạt.

Mỗi đoàn khách tour đến Việt Nam, Công ty VA Travel được hưởng lợi nhuận từ 17-18% tổng số tiền dịch vụ du lịch/đoàn (gồm tiền đặt vé máy bay, chỗ nghỉ, du lịch…). Đồng thời, Thảo khoe đã mua được nhà, xe ôtô và các tài sản giá trị từ việc kinh doanh tour du lịch này.

Các nhà đầu tư nếu tham gia cùng sẽ được hưởng lợi nhuận khoảng 3,5%/đoàn. Khách Tây Ban Nha đến Việt Nam sẽ ứng trước số tiền khoảng 30% bằng cách chuyển khoản và thanh toán hết trước khi đến Việt Nam 3 ngày nên không có rủi ro.

Tiếp đó, Thảo còn thông tin là tiền từ Tây Ban Nha về Việt Nam mất 5 ngày, trong khi đó tiền đặt code vé máy bay cho các đoàn khách cần đặt ngay nên cần huy động vốn từ mọi người. Trung bình mỗi ngày, Công ty VA Travel có khoảng 30 đoàn (30 người/đoàn), số tiền đặt mua vé máy bay mỗi ngày rất lớn (khoảng hơn 500 triệu đồng/đoàn).

[Chiếm đoạt hàng tỷ đồng đào tạo của các trường học, lĩnh án 13 năm tù]

Khoảng tháng 11/2017, Thảo cung cấp danh sách khách tour du lịch và sao kê ngân hàng cho Tình xem. Thấy có cơ sở để tin tưởng, Tình quyết định tham gia đầu tư. Tình đã nói chuyện với bạn học là chị Vy Thu Phượng (ở Ninh Bình) và anh Mẫn Bá Quý (ở Bắc Ninh) về tình hình Công ty VA Traver.

Tin lời Tình, chị Phượng và anh Quý đã đồng ý đầu tư. Ngày 25/11/2018 và 26/12/2018, chị Phượng ký hai hợp đồng kinh doanh với Thảo. Ngày 1/2/2019, anh Quý ký hợp đồng với Thảo.

Theo hợp đồng, Thảo sẽ gửi danh sách khách Tây Ban Nha cho anh Quý và chị Phượng từ 2-3 đoàn khách/ngày để đặt vé máy bay tại Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch Vĩnh Xuân do Đinh Thị Thu Hiền làm giám đốc. Chị Phượng và anh Quý gửi danh sách cho Hiền để nhận báo giá. Sau khi đặt vé xong, Hiền gửi lại mã code vé máy cho chị Phượng và anh Quý, tiền lợi nhuận là 3,5% số tiền đặt vé máy bay.

Với thủ đoạn trên, từ ngày 6/12/2018 đến ngày 4/1/2019, Thảo gửi danh sách giả mạo các đoàn khách tour du lịch không có thật để chị Tình gửi cho chị Phượng qua email. Chị Phượng gửi email này cho Hiền để đặt code vé máy bay. Hiền chuyển lại code vé kèm theo số tiền phải thanh toán.

Sau đó, chị Phượng và anh Quý thanh toán tiền code vé máy bay. Đối với code vé này, nếu quá thời hạn 4 giờ kể từ khi đặt mà khách hàng không thanh toán tiền, hệ thống sẽ tự động hủy, code vé không còn giá trị sử dụng.

Hiền và Thảo đã thỏa thuận với nhau, sau khi nhận tiền, Hiền hủy vé, không thanh toán tiền vé mà giữ lại 5% giá trị tiền vé, còn lại chuyển khoản cho Thảo để kinh doanh bất động sản. Từ ngày 5/1/2019, lo sợ bị phát hiện, Hiền không nhận tiền đặt code vé máy bay cho Thảo. Lúc này, Thảo vẫn tiếp tục gửi danh sách tour và giá tiền vé máy bay cho anh Quý, chị Phượng thanh toán.

Từ tháng 12/2018 đến ngày 22/3/2019, Thảo đã nhận hơn 113 tỷ đồng của anh Quý, chị Phượng. Thảo đã chuyển trả lại hai người này hơn 95,3 tỷ đồng, hiện còn chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng. Hiền đã chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng và đã tự khắc phục trả lại chị Phượng, anh Quý hơn 1,4 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt hơn 70 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt tiền, Hiền bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Cơ quan điều tra xác định, do chị Tình tin tưởng Thảo và không biết danh sách Thảo cung cấp là giả mạo nên không có căn cứ để xử lý đối với chị Tình./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)