Xây dựng thương hiệu: Giải pháp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

10:04 - 04/06/2024

Với trị giá 498 tỷ USD trong năm 2023, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Brand Finance xếp hạng 33/121 tổng số các quốc gia được xếp hạng và là một trong những thương hiệu mạnh trên trường quốc tế.

Xuất khẩu sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen. (Ảnh: PV/Vietnam+)
 
Xuất khẩu sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của của sản phẩm. Mặc dù vậy, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao, mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu.

Vì vậy, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả thì cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật. Thương hiệu phải gắn với sự khác biệt.

Tạo lợi thế cạnh tranh

Năm 2023, cạnh tranh địa chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; bất ổn địa chính trị, xung đột cục bộ vẫn hiện hữu ở nhiều nơi trên thế giới… khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với đầy rẫy những khó khăn, thách thức. Từ đó, tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực hành động, vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi và phát triển, góp phần đưa Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong tốp 20 trên toàn cầu.

 

Là một trong những doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam, Vinamilk không chỉ giữ vững thương hiệu quốc gia nhiều năm liền, mà còn thiết lập được vị thế cao trên bản đồ ngành sữa thế giới. Vinamilk hiện đứng trong tốp 40 nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới về doanh thu (theo Plimsoll, Anh Quốc), được tổ chức Brand Finance đánh giá là thương hiệu sữa có giá trị thứ 6 toàn cầu và tiềm năng nhất thế giới, với giá trị thương hiệu đạt 2,8 tỷ USD.

Tương tự, tập đoàn BRG có 4 thương hiệu gồm: Đầu tư và Quản lý sân gôn và Đầu tư và Quản lý khách sạn; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro); Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia. Riêng thương hiệu Hapro của Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã 7 lần liên tiếp được vinh danh tại chương trình “Thương hiệu Quốc gia.”

thqg-8070.jpeg.webp
Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Thương hiệu Quốc gia được các tổ chức quốc tế trong đó có Brand Finance đánh giá là một trong những thương hiệu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 5 năm gần đây (từ 2019-2023).

Cụ thể, năm 2019, giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam mới được định giá ở mức 247 tỷ USD thì đến năm 2023, con số này đã tăng gần gấp đôi, với mức 498 tỷ USD và đây là thành quả, kết quả ghi nhận đóng góp của rất nhiều yếu tố.

Có được các kết quả này, trước hết là sự chỉ đạo, vào cuộc hết sức quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và từ chính các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Với trị giá 498 tỷ USD trong năm 2023, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Brand Finance xếp hạng 33/121 tổng số các quốc gia, lãnh thổ được xếp hạng, đây cũng thể hiện Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cũng là 1 trong những thương hiệu mạnh trên trường quốc tế.

Tiến sâu vào chuỗi giá trị

Theo các chuyên gia, việc có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp. Bởi tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp phải xây dựng trên thương hiệu của chính sản phẩm ấy, từ đó định vị ở thị trường nội địa và quốc tế.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện thương mại và kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, với giá trị Thương hiệu Quốc gia đạt gần 500 tỷ USD đã thể hiện năng lực cốt lõi của Việt Nam đang ngày càng được thế giới thừa nhận và doanh nghiệp biết cách để phát huy năng lực đó.

Nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, giá trị cốt lõi thể hiện ở việc “làm phải có thương hiệu, uy tín, chuyên nghiệp, lâu dài,” ông cho rằng vấn đề xây dựng thương hiệu phải làm thường xuyên, chuyên nghiệp, bài bản, do vậy các doanh nghiệp phải có sản phẩm, dịch vụ thể hiện được uy tín, đẳng cấp của mình, đồng thời phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, có sức lan tỏa mạnh và kỹ năng làm thương hiệu chuyên nghiệp.

Còn theo ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á-Thái Bình Dương cho hay việc xây dựng được một câu chuyện hấp dẫn là “chìa khóa” để xây dựng thương hiệu và hình ảnh Quốc gia Việt Nam. Cùng với đó là lời hứa được đưa ra để tạo sự tin tưởng, uy tín và thân thuộc với thương hiệu.

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đầu tư tạo ra hệ sinh thái, trong đó môi trường kinh doanh là vấn đề quan trọng, bao gồm một số yếu tố như: Ngoại giao, nền kinh tế, môi trường kinh doanh thuận lợi… Mặt khác, thế mạnh của Việt Nam đến từ sản xuất chế biến, chế tạo, do vậy cần lấy đây là yếu tố then chốt để xây dựng hình ảnh và Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

20240229t041803619z210969-9027.png.webp
Sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia thu hút sự quan tâm của các đối tác quốc tế. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đối với lĩnh vực này, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực để xây dựng, quản trị và phát triển các thương hiệu sản phẩm nhằm tiệm cận, đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, từ đó hình thành các thương hiệu mạnh mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.

Với việc phát triển và xây dựng các thương hiệu mạnh như vậy và với giá trị của các sản phẩm được nâng cao, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ đóng góp một phần vào việc tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Cùng với đó, đẩy mạnh, tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm đạt tiêu chí của chương trình Thương hiệu Quốc gia, từ đó để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. “Điều này không chỉ mang lại hiệu quả lớn hơn cho công tác phát triển ngoại thương mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia Việt Nam,” ông Hoàng Minh Chiến nói./.

Nguồn: Xây dựng thương hiệu: Giải pháp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp | Vietnam+ (VietnamPlus)