Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực đường bộ
08:30 - 13/07/2023
Cục trưởng Cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tập trung ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ và đảm bảo an toàn thông tin mạng… là những nhiệm vụ trọng tâm của Cục ĐBVN trong 6 tháng cuối năm 2023.
Bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia để hành động
Thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam (Cục ĐBVN) đã tập trung cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực đường bộ, khẩn trương triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, hiện nay Cục đã thực hiện và duy trì 66 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 41 dịch công toàn trình (mức độ 4) và 25 dịch vụ công một phần. Nâng cấp phần mềm quản lý văn bản để liên thông văn bản điện tử đến tận cấp Chi cục, triển khai văn bản đi ký số điện tử cá nhân (trừ văn bản mật); việc ký số cá nhân được thực hiện trên USB token và trên SIM KPI. 100% văn bản, hồ sơ (trừ văn bản mật) của các đơn vị thuộc Cục được xử lý, gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng điện tử.
Bên cạnh đó, Cục ĐBVN đã thực hiện cập nhật 100% số liệu báo cáo, thống kê lên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; hệ thống theo dõi kết quả nhiệm vụ lãnh đạo Bộ GTVT giao; hệ thống quản lý cán bộ; hệ thống thông tin lưu trữ tài liệu điện tử; phần mềm quản lý thông tin về khoa học và công nghệ ngành GTVT.
Đồng thời, Cục ĐBVN đã xây dựng các hệ thống thông tin quản lý nghiệp vụ chuyên ngành được triển khai từ Trung ương đến địa phương trong các lĩnh vực: Quản lý tài sản KCHT đường bộ, quản lý GSHT phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện. Đặc biệt, trong năm 2023, Cục đã triển khai phần mềm đánh giá, xếp loại công chức, viên chức và lao động hợp đồng (tích hợp với phần mềm quản lý văn bản); Ứng dụng DRVN - Cục Đường bộ Việt Nam trên thiết bị di động để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh kiến nghị trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Website Trung tâm chỉ đạo điều hành (https://ttdh.drvn.gov.vn) để cập nhật, theo dõi các chỉ số, thông tin ngành đường bộ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành lĩnh vực giao thông đường bộ. Ngoài ra, Cục ĐBVN đã công khai số điện thoại đường dây nóng 1900.599.870, kênh Zalo Cục ĐBVN để mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh kiến nghị trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cũng theo ông Cường, Cục ĐBVN thường xuyên đôn đốc các Sở GTVT tăng cường khai thác, kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Hoàn thành kiểm tra tại 31 Sở GTVT trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo kế hoạch của Bộ GTVT. Đã phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an kết nối, tích hợp CSDL giấy phép lái xe với CSDL quốc gia về dân cư theo tiến độ yêu cầu theo đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai nâng cấp hệ thống thông tin DAT của Cục; phối hợp với Cục CSGT, Cục Khám chữa bệnh, Bưu điện Việt Nam, các Sở GTVT triển khai dịch vụ công mức độ 4 đổi GPLX trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia phạm vi toàn quốc, đến nay, đã có hơn 10.000 hồ sơ đăng ký…
Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ trong lĩnh vực đường bộ
Đứng trước yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục ĐBVN sớm hoàn thành xây dựng các CSDL về Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, quản lý giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện.
Cụ thể, Cục ĐBVN triển khai xây dựng hệ thống CSDL quản lý tình trạng mặt đường PMS, đã thu thập dữ liệu tình trạng mặt đường của 55.345km làn/24.598 km đường quốc lộ và đường cao tốc; hoàn thiện mô - đun hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì cầu, tích hợp với hệ thống quản lý tài sản đường bộ RAMS.
Đối với Hệ thống CSDL quản lý Cầu quốc lộ và cao tốc VBMS, đã thu thập dữ liệu tình trạng cầu của 7.700 cầu trên quốc lộ và đường cao tốc; hoàn thiện mô đun hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì cầu, tích hợp với hệ thống quản lý tài sản đường bộ RAMS.
Với Hệ thống CSDL quản lý tài sản đường bộ VRAMP, đã thu thập đủ 32 loại tài sản đường bộ khác trên tổng số 24.598 km đường quốc lộ và cao tốc; tích hợp thông tin với hệ thống quản lý mặt đường PMS, quản lý cầu VBMS; trở thành hệ thống CSDL lớn về tài sản đường bộ, là công cụ quản lý, tổng hợp báo cáo, hỗ trợ công tác lập kế hoạch bảo trì hàng năm và trung hạn. Đối với hệ thống CSDL quản lý cầu trên đường địa phương LBMS, Cục ĐBVN đã thu thập dữ liệu tình trạng cầu của 6.600 cầu trên các đường địa phương.
Cùng với đó, Cục ĐBVN đã thực hiện cập nhật dữ liệu quản lý giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải của 938.092 phương tiện kinh doanh vận tải; cấp phù hiệu, biển hiệu thuộc quyền quản lý và dữ liệu của 88.331 đơn vị kinh doanh vận tải đã cấp giấy phép vào hệ thống
Đối với hệ thống quản lý CSDL GPLX, hiện Cục ĐBVN đang quản lý 8.818.396 GPLX ô tô; 46.781.159 GPLX mô tô, làm nền tảng để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia…
Đối với Hệ thống CSDL kiểm soát tải trọng xe, Cục ĐBVN đã kết nối với 63 trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động và 14 trạm kiểm soát tải trọng xe cố định, đóng vai trò là nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về tình hình kiểm soát tải trọng xe của các cơ quan quản lý nhà nước. Từ 01/6/2023, đã đưa vào hoạt động các bộ cân KTTTX tự động tại QL5 để kiểm soát tự động 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết; giám sát 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân; bảo đảm khách quan, không cần lực lượng chức năng có thẩm quyền làm việc trực tiếp tại hiện trường.
Song song với đó, Cục ĐBVN đã xây dựng hệ thống CSDL quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ: kết nối hệ thống thu phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; giám sát trực tiếp dữ liệu thu phí thông qua đối soát lưu lượng và doanh thu thời gian thực tại từng trạm thu phí; hệ thống hiện nay đã kết nối được 36/trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ do Bộ GTVT quản lý.
Cục trưởng Cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường cho biết, để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh đường bộ, Cục đã triển khai xây dựng đề án "Tăng cương ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030" trình Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 7/2023. Đề án sẽ xây dựng các nhiệm vụ có tính tổng thể, được triển khai theo lộ trình, kế thừa CSDL và hạ tầng CNTT hiện có; nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng khai thác dữ liệu để thực hiện phân tích dự báo, tạo lập số liệu để hỗ trợ cho các quyết định chính sách và phục vụ công tác quản lý, điều hành của Cục ĐBVN, các Sở GTVT.
"Đề án sẽ là cơ sở để Cục ĐBVN ứng dụng toàn diện CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ từ trung ương đến địa phương nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường", Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thường xuyên rà soát, tổng kết đánh giá quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tập trung xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; đồng thời, rà soát, khắc phục những bất cập về hạ tầng, tổ chức giao thông, kịp thời xử lý sự cố, cảnh báo trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác...
https://tapchigiaothong.vn/xay-dung-co-so-du-lieu-quoc-gia-trong-linh-vuc-duong-bo-183230712143304194.htm