Xanh hóa xe buýt: Doanh nghiệp mong sớm có đơn giá, định mức và cơ chế vay

22:17 - 14/01/2025

Thành phố Hà Nội đã yêu cầu Quỹ đầu tư phát triển thành phố để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xe buýt điện.

Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi thêm các tuyến xe buýt điện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi thêm các tuyến xe buýt điện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với việc thành phố Hà Nội vạch rõ lộ trình và mục tiêu chuyển đổi phương tiện buýt sử dụng năng lượng xanh, các doanh nghiệp vận tải buýt cũng đang ráo riết và nỗ lực tính toán để triển khai, thực hiện.

Tuy nhiên, ngoài quy hoạch nguồn cung điện cho các trạm sạc phải đủ và đồng bộ, các doanh nghiệp buýt cũng mong muốn có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xanh, cũng như khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay.

Sẽ chuyển đổi hơn 100 xe điện trước tiên

Theo Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến năm 2035, 100% xe buýt trên địa bàn phải sử dụng các năng lượng này.

Theo đó, giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe.

Trong đó, năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).

Như vậy, mục tiêu “xanh hóa” xe buýt của thành phố Hà Nội sẽ về đích trước 15 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng Xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải (đạt 100% vào năm 2050).

Về phương án chuyển đổi, ngay đầu năm 2025, có 4 đơn vị vận tải gồm: Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) sẽ vận hành thí điểm 5 tuyến buýt điện với 76 xe (11 xe loại nhỏ, 65 xe loại trung bình) để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.

Ngoài ra, với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến sẽ chuyển đổi đối với các phương tiện buýt cỡ lớn chạy bằng dầu diesel sang xe buýt điện cỡ lớn (đã có định mức, đơn giá).

lan-duong-xe-buyt-ha-noi-17112023-5860.jpg
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, để “xanh hoá” xe buýt theo như lộ trình nêu trên, Hà Nội cần khoảng 48.625 tỷ đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, để “xanh hoá” xe buýt theo như lộ trình nêu trên, Hà Nội cần khoảng 48.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố cần 35.996 tỷ đồng. Còn lại 12.629 tỷ đồng doanh nghiệp phải tự bố trí để mua phương tiện; chi trả một phần chi phí lãi vay; đầu tư hạ tầng trạm sạc…

 

Thực hiện nhiệm vụ của thành phố về thí điểm xe buýt điện, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) được giao 3 tuyến (05, 39, 47) vận hành thí điểm xe buýt điện.

Trong khi chờ thành phố điều chỉnh cơ chế, với tinh thần chủ động, Transerco đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xe buýt điện và hạ tầng trạm sạc thí điểm cho 3 tuyến xe buýt theo chỉ đạo của thành phố, bằng nguồn lực tự có của đơn vị.

Trong những tháng vừa qua, các xí nghiệp đã tích cực phối hợp với các ban chuyên môn nghiệp vụ, trung tâm thuộc Transerco, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội triển khai những nội dung công việc để chuẩn bị triển khai vận hành thí điểm các tuyến xe buýt điện này vào ngày 17/1 tới đây.

Hỗ trợ tối đa nguồn vốn

Để triển khai thí điểm vận hành các tuyến xe buýt điện đạt hiệu quả như mong muốn, Transerco đề nghị liên ngành có hướng dẫn về mặt cơ chế, chính sách, đồng thời sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho loại hình xe buýt điện trung bình và nhỏ sau khi triển khai thí điểm.

Với số lượng đầu tư lớn (phương tiện, hạ tầng), Tổng công ty Vận tải Hà Nội đề xuất hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp khi triển khai nhân rộng theo đề án mà Transerco đã báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

“Tổng công ty sẽ cân đối nguồn lực, nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo hướng chuyển đổi Xanh, chuyển đổi Số đảm bảo hiệu quả và bền vững; tiếp tục tối ưu hóa tổ chức, tinh gọn bộ máy, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng để nâng cao hiệu năng, hiệu quả và hiệu suất hoạt động,” đại diện Transerco cam kết.

 

Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội) cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, cơ quan chức năng sẽ có từng bộ định mức riêng biệt với xe buýt sử dụng năng lượng xanh và có bộ tiêu chuẩn chung trong quản lý cung ứng dịch vụ, bảo đảm sự đồng bộ.

xe-buyt-ha-noi-423.jpg
Các doanh nghiệp chuyển đổi xe buýt điện rất mong thành phố Hà Nội có các cơ chế về vốn vay, và ban hành khung đơn giá, định mức vận hành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặt mục tiêu cơ bản đến 2030 làm xong chuyển đổi buýt sử dụng năng lượng sạch, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố đã yêu cầu Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện buýt điện.

“Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội phải xây dựng bộ hồ sơ, đẩy nhanh thủ tục để có thể giải ngân sớm cho các đơn vị đồng thời giao sở giao thông vận tải và tài chính hoàn thiện các bước để trình Hội đồng Nhân dân trong kỳ họp gần nhất trong năm nay. Tinh thần chuyển đổi xanh là chuyển sang xe buýt điện chứ không dùng khí thiên nhiên,” ông Quyền tiết lộ.

Dựa vào kinh nghiệm các nước trên thế giới, thành phố Hà Nội đề nghị các bộ, ban, ngành ưu tiên xem xét, rà soát cập nhật điều chỉnh lại một số chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt sử dụng điện, năng lượng Xanh; có cơ chế giá điện ưu tiên cho doanh nghiệp triển khai hệ thống trạm sạc phương tiện giao thông điện; sớm ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc với phương tiện giao thông điện; có chính sách ưu đãi về thuế với xe điện và nhập khẩu phụ tùng, linh kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng; ưu đãi tiền thuê đất để xây dựng trạm sạc xe điện, trạm cung cấp năng lượng xanh…/.

Nguồn: Hà Nội chuyển đổi xe buýt điện: Nỗ lực và cơ chế hỗ trợ | Vietnam+ (VietnamPlus)