Xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long bắt đầu tăng dần

11:07 - 03/12/2024

Cục Thủy lợi dự báo tháng 12 năm nay, xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long bắt đầu tăng dần, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 15-20km, nhưng thấp hơn từ 7-10km so với trung bình nhiều năm.

Một dòng sông cạn nước ở xã Vĩnh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
 
Một dòng sông cạn nước ở xã Vĩnh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo tháng 12 này, xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long bắt đầu tăng dần, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 15-20km, nhưng thấp hơn từ 7-10km so với trung bình nhiều năm.

Theo Cục Thủy lợi, nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 vẫn có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023-2024, năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Để phòng chống triều cường dâng cao từ nay đến cuối mùa lũ năm 2024 và nguy cơ hạn hán xâm nhập mặn vào đầu mùa khô năm sau, Cục Thủy lợi kiến nghị các tỉnh vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cần đề phòng triều cường dâng cao vào các tháng cuối năm, chủ động gia cố hệ thống đê bao bờ bao xung yếu bảo vệ sản xuất.

Các tỉnh xây dựng kế hoạch xuống giống sớm ở những khu vực lũ đã rút, nhằm tránh lấy nước tập trung vào thời kỳ nắng nóng hạn hán gay gắt. Các hệ thống thủy lợi khép kín như hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, Nam mang Thít, Gò Công, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Quản Lộ-Phụng Hiệp, Bến Tre, Cần Đước-Cần Giuộc... theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa và nguồn nước trên sông Mekong để vận hành các công trình nhằm tăng cường trữ nước trên hệ thống.

 

Địa phương rà soát các vị trí đắp đập tạm, tu bổ các công trình thủy lợi nhằm tăng cường lấy và trữ nước ở các khu vực có nguy cơ bị mặn xâm nhập trong mùa kiệt.

Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các tổ chức như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Dự báo nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam... để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Cục Thủy lợi cho biết dòng chảy trên thượng nguồn sông Mekong tại trạm Kratie (Campuchia) và dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 11 vừa qua đều có xu thế giảm. Mực nước lũ nội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 11 vừa qua ở mức thấp trên vùng Thượng, ở mức cao trên vùng giữa và ven biển do triều cường cao.

Do triều cường cao trong kỳ triều cường giữa tháng 11 vừa qua (ngày 15-9/11 vừa qua) làm mực nước các trạm khu vực vùng giữa nhiều trạm vượt mức báo động III gây ra ngập úng một số khu vực có địa hình thấp trũng trên vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long, mức ngập không nghiêm trọng bằng kỳ triều cường giữa tháng 10; riêng vùng ven biển ít bị ngập do triều cường, mưa lớn cục bộ xảy ra vào ngày 2/11 vừa qua trên thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã gây ngập diện rộng trên khu vực này.

Trong tháng 11 vừa qua, xâm nhập mặn chỉ xuất hiện ở phía ngoài các cửa sông với ranh mặn 4g/l từ 10-15km./.

Nguồn: Xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long bắt đầu tăng dần | Vietnam+ (VietnamPlus)