Xac dinh ro muc tieu, lo trinh phat trien nganh Duoc Viet Nam hinh anh 1(Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN)

Chiều 29/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về dự thảo Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 (dự thảo Chiến lược).

Cần có đường hướng, lộ trình rõ ràng

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Y tế đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để đưa ra dự thảo và tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học...

Dự thảo Chiến lược không chỉ đề ra mục tiêu thực hiện của Chính phủ, mà của cả hệ thống chính trị, nhằm nâng tầm y tế và chất lượng chăm lo sức khỏe cho người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh “cần đặt mình vào vị trí của người dân để nêu ra vấn đề cụ thể,” từ đó xem xét lại mục tiêu đưa ra cho ngành Dược. Điển hình, trong quá trình phát triển hiện nay, cần làm rõ tỷ lệ “tự túc” nguồn dược liệu trong sản xuất, chế tạo; việc nghiên cứu, sản xuất và chất lượng sản phẩm dược so với thế giới; cân bằng giữa phát triển ngành Dược hiện đại với ngành Y học dân tộc, y học cổ truyền, dược liệu y học thân thiện để phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có; việc tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu dùng mặt hàng dược trong kỷ nguyên kết nối; thu hút các nhà đầu tư, chủ động nguồn dược liệu và chuyển giao công nghệ.

[Dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp dược giảm tốc trong 2023]

 

“Đây là các mục tiêu phải hoàn thiện. Chiến lược đã đưa ra là phải thực hiện được và có đường hướng, lộ trình rõ ràng,” Phó Thủ tướng nói; đồng thời yêu cầu Bộ Y tế tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tại cuộc họp, trong đó cần xác định rõ quan điểm, định hướng, ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển ngành Dược phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, cũng như yêu cầu phát triển của ngành Y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Chiến lược phải xác định những dự án ưu tiên đầu tư về con người, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phải có tính khả thi, cạnh tranh, hiệu quả, tận dụng tiềm năng, thế mạnh; tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; từ đó, tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng thuốc của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, nâng cao thứ hạng của ngành Dược Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò công tác thể chế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tích hợp các bộ chỉ số, chuẩn mực quốc tế trong đánh giá chất lượng, chuẩn hóa quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối, cung ứng thuốc, “dù khó cũng phải quyết tâm làm.”

Bên cạnh đó, Nhà nước phải đóng vai trò dẫn dắt, đồng thời tạo điều kiện, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp dược trong và ngoài nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới, hiện đại. “Đây là chìa khóa quan trọng nên cần những giải pháp căn cơ, cụ thể,” Phó Thủ tướng nói.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu, nền y học cổ truyền, Phó Thủ tướng gợi mở định hướng phát triển các vùng dược liệu trên cơ sở liên kết, tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, có công nghệ bào chế hiện đại; thúc đẩy thị trường thực phẩm chức năng.

“Cơ quan quản lý, các doanh nghiệp dược trong nước và nước ngoài cùng nhau chia sẻ công nghệ, hài hòa lợi ích trong sản xuất, cung ứng, phân phối những loại thuốc chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân,” Phó Thủ tướng nói.

Tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2011 đến nay, ngành Dược đã bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Sản xuất thuốc mở rộng về quy mô với 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó có 18 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP.

Tổng giá trị thị trường dược phẩm năm 2022 ước khoảng 6,2 tỷ USD. Tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng duy trì ở mức dưới 2%.

Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 11/12 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hoạt động quản lý phân phối, cung ứng thuốc ngày càng được chuẩn hóa, chuyên nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân.

Tuy nhiên, nhiều nhà máy thuốc trong nước chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế, tập trung vào những loại thuốc thông thường, thuốc đánh giá tương đương sinh học với thuốc phát minh (thuốc generic); chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật bào chế mới, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc phát minh (biệt dược gốc).

Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu. Tiềm năng, thế mạnh về nguồn dược liệu và nền y học cổ truyền chưa được phát huy.

Thiếu nhân lực trong lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển thuốc mới; sử dụng thuốc trong điều trị chưa hợp lý...

Vì vậy, dự thảo Chiến lược cần hướng đến sản xuất thuốc phát minh, có dạng bào chế mới, hiện đại; tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm.

Một số mục tiêu cụ thể trong dự thảo Chiến lược bao gồm: thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; đáp ứng 100% nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng, 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ; chuyển giao công nghệ, sản xuất ít nhất 100 loại thuốc phát minh, vaccine, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được./.

Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)