WHO sa thai mot nha khoa hoc vi co hanh vi sai trai ve tinh duc hinh anh 1Peter Ben Embarek. (Nguồn: AFP)

Theo Reuters, ngày 3/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã sa thải một nhà khoa học cấp cao, người được biết đến với vai trò là Trưởng phái đoàn tới Trung Quốc điều tra nguồn gốc của dịch COVID-19, vì đã có hành vi sai trái về tình dục.

Người phát ngôn của WHO Marcia Poole cho biết: "Peter Ben Embarek đã bị sa thải năm ngoái sau khi các cáo buộc lạm dụng tình dục được điều tra và xác minh."

Bà Marcia Poole cho biết thêm các vụ việc liên quan đến cáo buộc xảy ra năm 2015, 2017, nhưng WHO được thông báo lần đầu tiên vào năm 2018. WHO không cung cấp thêm chi tiết về các cáo buộc sai trái.

Phản hồi với hãng tin Reuters, ông Ben Embarek cho biết ông bác bỏ cáo buộc quấy rối và đang phản đối án phạt.

Ông Ben Embarek nói rằng một "sự cố duy nhất vào năm 2017 "đã được giải quyết ngay lập tức theo cách thân thiện." Cả ông và WHO đều bị ràng buộc bởi các thỏa thuận bảo mật cho đến khi một giải pháp được đưa ra.

Ben Embarek là nhân viên có vị trí cao nhất của WHO bị sa thải từ khi tổ chức này triển khai loạt cải cách để nâng cao khả năng phản ứng trước các trường hợp lạm dụng tình dục. Ông có thể kháng cáo thông qua hệ thống tư pháp nội bộ của Liên hợp quốc.

 

[Nhiều nhân viên WHO bị tố cáo lạm dụng tình dục tại CHDC Congo]

Ngày 31/1/2023, hơn 50 quốc gia thành viên của WHO đã kêu gọi cần nhanh chóng truy cứu trách nhiệm đối với những đối tượng làm việc trong tổ chức này mà có hành vi lạm dụng tình dục.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong phiên họp thứ 152 của Ban điều hành WHO.

Các quốc gia đồng thời kêu gọi cơ quan y tế này của Liên hợp quốc nhanh chóng hành động ngăn chặn nạn lạm dụng tình dục, cũng như có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho những nạn nhân của vấn nạn bóc lột, lạm dụng và quấy rối tình dục.

Thay mặt 57 quốc gia thành viên, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Simon Manley đã đưa ra tuyên bố chung trong đó bày tỏ "đặc biệt quan ngại" về các cáo buộc của các nạn nhân sống sót sau khi bị bóc lột, lạm dụng và quấy rối tình dục cũng như các cáo buộc lạm dụng quyền lực của nhân viên và nhà thầu của WHO.

Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh rằng những nạn nhân này cũng cần phải được hỗ trợ thỏa đáng.

Tuyên bố chung cũng công nhận những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây và ca ngợi sự dũng cảm của những nạn nhân bị lạm dụng tình dục đã lên tiếng tố giác.

Các nước nhấn mạnh: "Xây dựng một nền văn hóa dựa trên sự liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình có vai trò vô cùng quan trọng. Chúng tôi khuyến khích ban điều hành WHO thể hiện quan điểm rõ ràng và đi đầu trong các vấn đề này, đặc biệt trong việc làm rõ trách nhiệm và trách nhiệm giải trình."

Các nước cũng bày tỏ sự ủng hộ đầu tư của WHO vào xây dựng năng lực và đào tạo cho nhân viên nhằm nâng cao nhận thức về sự khác biệt quyền lực và bất bình đẳng giữa nạn nhân và thủ phạm trong các vụ lạm dụng tình dục.

Tuyên bố kêu gọi các trường hợp tố giác phải được giải quyết kịp thời và thủ phạm phải chịu trách nhiệm, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nỗ lực tăng cường năng lực điều tra của WHO.

WHO đang chịu áp lực rất lớn để tiến hành thay đổi sâu rộng sau khi những tiết lộ vào năm 2020 cho thấy tình trạng lạm dụng tình dục của những người làm công tác nhân đạo thuộc WHO ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

WHO tuyên bố sẽ không khoan nhượng đối với hành vi tình dục sai trái dưới mọi hình thức của bất kỳ lực lượng lao động nào thuộc WHO và sẽ hành động nhanh chóng bất cứ khi nào tiếp nhận cáo buộc.

Trong số 57 quốc gia đưa ra khuyến nghị trên có 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nam Phi, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Chile, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, Mexico, Argentina, Brazil, Hàn Quốc và Ukraine./.

(Vietnam+)