WHO canh bao so tre mac benh beo phi tang manh tai chau Au hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo Bản đồ Béo phì Thế giới do Liên đoàn Bệnh béo phì Thế giới (WOF) công bố ngày 10/5 tại Zagreb (Croatia), thừa cân và béo phì gây ra hơn 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm tại khu vực châu Âu theo cách phân chia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bao gồm 53 quốc gia ở châu Âu và khu vực Trung Á. 

Theo Báo cáo khu vực châu Âu của WHO về béo phì năm 2022, khoảng 33% trẻ em ở độ tuổi tiểu học trong khu vực này bị béo phì hoặc thừa cân.

Dựa trên các xu hướng hiện tại và chỉ xem xét tình trạng béo phì ở khu vực trên, Bản đồ Béo phì Thế giới của WOF dự đoán số bé trai bị béo phì sẽ tăng 61% và số bé gái bị béo phì sẽ tăng 75% trong thời gian từ năm 2020 đến 2035.

Cũng theo bản đồ này, đến năm 2035, thừa cân và béo phì ở mọi lứa tuổi dự kiến sẽ tiêu tốn của khu vực liên quan không dưới 800 tỷ USD mỗi năm. 

Để ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh béo phì, văn phòng phụ trách khu vực châu Âu của WHO (WHO/Europe) đã xác định ba hành động cụ thể, bao gồm phòng ngừa với việc bắt đầu sớm các nỗ lực nhằm giảm béo phì ở trẻ em, trong thời kỳ phụ nữ mang thai và sơ sinh; điều chỉnh ngành thực phẩm và đồ uống với việc áp dụng các chính sách hiệu quả nhất để chống béo phì ở trẻ em như đánh thuế đối với đồ uống có đường, yêu cầu ghi nhãn rõ ràng trên bao bì và hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em; khuyến khích hoạt động thể chất bằng cách hướng tới các chính sách giao thông và thiết kế đô thị tốt hơn, tăng cường hoạt động thể chất trong chương trình giảng dạy ở trường học và các hoạt động ngoại khóa.

Theo Tiến sỹ Hans Henri P Kluge, Giám đốc của WHO/Europe, trẻ em hiện nay ngày càng lớn lên trong môi trường khiến các em khó có thể ăn uống đúng cách và hoạt động phù hợp. Đây là một trong những nguyên nhân gốc rễ gây ra đại dịch béo phì bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như di truyền, môi trường và địa vị xã hội.

[Béo phì có thể làm suy giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19]

Do tính phức tạp của căn bệnh này, các chính sách ngăn chặn được đưa ra phải toàn diện và có sự hỗ trợ chính trị rộng rãi.

Ông nêu rõ: “Với tư cách là các xã hội và các quốc gia, cho đến nay chúng ta đã thất bại trong việc đảo ngược tỷ lệ béo phì ở trẻ em vốn đang ngày càng tăng. Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này đang thực sự ngấm ngầm lan rộng và cần phải có biện pháp ứng phó trước khi trở nên khó giải quyết hơn.”

Thừa cân và béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật tại khu vực châu Âu. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm (NCD) như bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và bệnh hô hấp mãn tính.

Chưa kể, béo phì cũng được coi là một yếu tố liên quan đến ít nhất 13 loại ung thư khác nhau và có khả năng là nguyên nhân trực tiếp gây ra 200.000 ca ung thư mới mỗi năm ở khu vực trên. Con số này dự kiến sẽ còn gia tăng ở châu Âu trong những năm tới./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)