Vu UAV: Người dân xem tin tức trên TV về một máy bay không người lái của Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc tại Ga Seoul ở trung tâm Seoul ngày 27/12/2022. (Nguồn: Yonhap)

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 26/1, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) do Mỹ đứng đầu tuyên bố cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã vi phạm hiệp định đình chiến thông qua việc đưa máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ của nhau hồi tháng trước.

UNC đã công bố kết quả điều tra của nhóm điều tra đặc biệt (SIT) về vụ xâm nhập bằng UAV của Triều Tiên hôm 26/12, khiến Hàn Quốc phải triển khai UAV của nước này đến phía Bắc biên giới liên Triều trong động thái đáp trả "tương ứng."

Thông cáo báo chí của SIT nêu rõ: "SIT có thể xác định rằng phía Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã vi phạm hiệp định đình chiến khi để nhiều hệ thống máy bay không người lái (UAS) của phía Triều Tiên xâm nhập không phận do Hàn Quốc kiểm soát."

[Hàn Quốc: Sẽ xem xét về khiển trách quân đội sau vụ UAV Triều Tiên]

Bộ trên cũng cho biết việc quân đội Hàn Quốc điều khiển UAS của bay qua Khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên và đi vào không phận do Triều Tiên kiểm soát đã cấu thành hành động vi phạm hiệp định đình chiến.

UNC nhấn mạnh việc tuân thủ các điều khoản của hiệp định đình chiến là "điều cần thiết" để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các sự cố vô tình và chủ ý, cũng như nhằm duy trì việc chấm dứt hành động thù địch trên Bán đảo Triều Tiên. UNC tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Hàn Quốc để đạt được những mục tiêu đó.

 

Trong khi đó cùng ngày 26/1, giới chức Seoul cho hay lực lượng tiền tuyến của Hàn Quốc ban đầu xem các cuộc xâm nhập bằng UAV của Triều Tiên nêu trên là tình huống không khẩn cấp, dẫn đến sự chậm trễ trong phản ứng tổng thể của quân đội Hàn Quốc.

Cụ thể, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay thành viên Quân đoàn 1 của quân đội Hàn Quốc lần đầu tiên phát hiện một trong những UAV của Bình Nhưỡng xâm nhập qua biên giới liên Triều, nhưng họ không coi đó là "trường hợp khẩn cấp" để kích hoạt cơ chế chính chủ chốt nhanh chóng chia sẻ và phổ biến thông tin giữa các đơn vị quân sự hữu quan.

Thay vào đó, họ phân loại tình huống này là tình huống đòi hỏi phải cập nhật "thường xuyên," theo JCS, đây là lý do tại sao các hệ thống hợp tác liên đơn vị vẫn "bất động" vào thời điểm đó./.

(Vietnam+)