Vụ truy tố nữ Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Khắt: Cần lắm một cách nhìn tích cực!

12:37 - 30/09/2021

Trong suốt nhiều năm công tác, bà Phạm Thị Lân đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Yên Bái.

Mới đây, ngày 28/9, TAND tỉnh Yên Bái mở phiên toà xét xử các bị cáo Phạm Thị Lân (SN 1970, ở Bản Ngã Ba Kim, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) là Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Khắt; Hà Minh An (SN 1979, bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái); Long Thị Biết (SN 1965, trú Bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Căng Chải, Yên Bái) về tội ““Mua bán trái phép hóa đơn”.

z2804575751823_9fc447b35c8c4205c0a487a74d3f074e

Toàn cảnh xét xử ở TAND tỉnh Yên Bái.

Sau nửa ngày xét xử, dù luật sư bào chữa các bị cáo đưa ra nhiều căn cứ pháp luật chứng minh các bị cáo không mua bán trái phép hoá đơn, bản thân bị cáo Phạm Thị Lân cũng đưa ra nhiều căn cứ, bằng chứng, đồng thời xuất trình nhiều căn cứ về việc bản thân có nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND tỉnh Yên Bái, của huyện Mù Căng Chải vì có nhiều cống hiến sự nghiệp giáo dục trong công tác quản lý, cũng như giảng dạy.

Tuy nhiên, HĐXX toà án nhân dân tỉnh Yên Bái không chấp nhận yêu cầu kháng cáo giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị  cáo Phạm Thị Lân 9 tháng cải tạo không giam giữ, bị cáo Hà Minh An 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Mua bán trái phép hoá đơn”.

Dành cả tuổi thanh xuân cho sự việc giáo dục!

Trong phiên toà, khi trả lời HĐXX, bị cáo Lân luôn khẳng định, tôi không có động cơ, mục đích, tư lợi cá nhân, không làm thất thoát tài sản nhà nước, không gây nguy hại cho xã hội.

Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng ở Mù Căng Chải truy tố xét xử tôi về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” là rất không tương xứng với những gì tôi đã cống hiến cho nền giáo dục ở huyện Mù Căng Chải nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung.

Bị cáo Lân cho biết, trong suốt hơn 20 năm trên cương vị quản lý, tôi đã nhận được rất nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND tỉnh Yên Bái, của huyện Mù Căng Chải về những thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục ở tiểu học Nậm Khắt vì sao VKS nhân dân huyện Mù Căng Chải, VKS nhân dân tỉnh Yên Bái lại không đưa những danh hiệu cao quý đó vào bản cáo trạng để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho tôi.

4ebaa9f543908aced381

Đạt được nhiều thành tích cao của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Trả lời về vấn đề trên, đại diện VKS nhân dân tỉnh Yên Bái cho rằng, trong bản án xét xử ngày 13/7/2021, Toà án nhân dân huyện Mù Căng Chải đã bổ sung vào rồi, còn về những đóng góp của bị cáo cho giáo dục ở trường tiểu học Nậm Khắt thì không được xem là những góp đặc biệt.

Đáp lại, bị cáo Lân cho rằng, xin hỏi VKS ND tỉnh Yên bái như thế nào mới được xe là đóng góp đặc biệt?.

Tôi xin trả lời với vị đại diện VKS nhân dân tỉnh Yên Bái rằng, ngày xưa chiến tranh, ông bà ta ra chiến trận, cầm súng chiến đấu hy sinh đó là những chiến công oanh liệt…còn bây giờ là thời bình, bản thân tôi là giáo viên, cũng là người quản lý giáo viên chúng tôi đã nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục để có những thành tích tốt, đáng tự hào.

“Được nhà nước công nhận bằng những Bằng khen cao quý. Hơn nữa, Trường tiểu học Nậm Khắt luôn là trường điểm của huyện Mù Căng Chải, là trường chuẩn Quốc Gia điều đấy đạt được không hề dễ dàng.

Hơn nữa, trong quyết định của Bộ giáo dục về trao bằng khen cho những cá nhân xuất sắc, trong số 143 cá nhân trên 57 tỉnh thành, thì Yên Bái chỉ có 2 trong đó có tôi Phạm Thị Lân - là Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Khắt, như thế chưa được xem là thành tích đặc biệt hay sao? Để có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự”, bị cáo Lân trình bày.

65a681e96b8ca2d2fb9d

Được UBND tỉnh Yên Bái ghi nhận với nhiều thành tích cao.

Tuy nhiên, những trình bày của bị cáo Lân đều không được chấp nhận.

Trao đổi sau phiên toà với PV, bà Phạm Thị Lân cho biết, bản thân không hề thấy hối hận vì những đóng góp của mình cho sự việc giáo dục tỉnh nhà.

Tuy nhiên, thấy buồn và tủi thân vì dường như HĐXX không thấu hiểu, cảm thông và ghi nhận những đóng góp của bản thân.

Nhớ lại khoảng thời gian trước, bà Lân cho biết, từ khi về làm Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Khắt, ngôi trường còn hoang sơ, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của bản thân, của tập thể đã thực hiện liên tiếp các đề án, và biến ngôi trường từ con số “0” trở thành trường chuẩn Quốc gia, ngôi trường điểm của huyện Mù Căng Chải.

Để thực hiện được điều đó thật không hề dễ dàng một chút nào, vì bản thân huyện Mù Căng Chải là huyện nghèo nhất cả nước, đặc thù kinh tế vùng cao rất khó khăn.

“Không ngờ, trong suốt nhiều năm bản thân tôi đã đóng góp rất nhiều cho trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Khắt, biến điều không thể thành có thể, tôi cũng rất tự hào về chính bản thân mình”, bà Lân nói.

Bà Lân cũng cho biết, mong muốn ở các cấp trên cao, “soi xét” đánh giá đúng bản chất của sự việc để đưa ra phán quyết công minh hơn, vì bản thân tôi không hề có tư lợi gì cho bản thân, không gây nguy hại cho xã hội. Đồng thời, luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình.

Cần có cái nhìn tích cực hơn, không vì tất cả mà đẩy xuống “bùn đen”

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp, Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội là người bảo vệ quyền lợi cho bà Phạm Thị Lân cho biết: “Trong vụ án này có thể khẳng định rằng bà Lân không hề vi phạm pháp luật, dường như các cơ quan ở Yên Bái đang hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự để khiến cho bà Lân phải vướng vào pháp lý”.

Trong phần bào chữa cho các bị cáo, luật sư Nguyễn Trung Tiệp, Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều chứng cứ pháp lý, chứng minh việc các các bị cáo Phạm Thị Lân, Nguyễn Minh An không thực hiện mua bán hoá đơn trái phép.

Cụ thể, luật sư Tiệp phân tích: “Việc mua bán các loại hàng hóa của đơn vị trường PTDTBT tiểu học Nậm Khắt với các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái và cửa hàng bà Long Thị Biết đều có hợp đồng kinh tế, chứng từ hóa đơn, phiếu xuất nhập kho, biên bản thanh lý hợp đồng đầy đủ minh chứng nguồn gốc nơi mua hàng hóa rõ ràng.

luat-su-bao-ve-than-chu-1200

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Hơn nữa, cửa hàng của bà Biết đã đăng ký với Chi cục thuế và có chức năng xuất hóa đơn và có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các hộ kinh doanh khác, nên khi Trường tiểu học Nậm Khắt mua hàng của họ và được giới thiệu đến lấy hóa đơn của bà Biết thì điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Đây là những quan hệ, giao dịch dân sự bình thường trong kinh doanh”, luật sư Tiệp nói

Hơn nữa, theo luật sư Nguyễn Trung Tiệp: “Hóa đơn hộ kinh doanh bà Long Thị Biết bán cho Trường tiểu học Nậm Khắt là hóa đơn thường tức không có giá trị gia tăng (VAT).

Giữa 02 hóa đơn này khác nhau về bản chất pháp lý: hóa đơn thường không có giá trị gia tăng áp dụng đối với các loại hình như hộ kinh doanh cá thể, còn hóa đơn VAT có giá trị gia tăng áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp khác như: Công ty Cổ phần, Công ty TNHH.

Tuy nhiên, Quyết định giám đốc thẩm số 18/2021/HS – GĐT ngày 09/04/2021 của TAND cấp cao tại Hà Nội lại được thể hiện là hóa đơn có giá trị gia tăng. Điều này là không đúng với bản chất, sự thật khách quan của vụ án”.

Cũng theo luật sư Tiệp: “Trong vụ án này, với số tiền 15.527.835 đồng bà Long Thị Biết là người được hưởng lợi từ người bán hàng cho Trường tiểu học Nậm Khắt trích ra chênh lệch hàng hóa do không có chức năng xuất hóa đơn.

Hóa đơn của bà Long Thị Biết là hóa đơn bàn hàng thường, đóng thuế trực tiếp không phải hóa đơn giá trị gia tăng nên bà biết không có thu lợi bất chính từ nguồn ngân sách nhà nước…

Như vậy, xét về các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: khách thể, chủ thể, khách quan, chủ quan rõ ràng về mặt chủ quan không có. Do đó, việc cố tình khởi tố, truy tố, xét xử các bị can là đang hình sự hóa các quan hệ, giao dịch dân sự…”

“Để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật”, luật sư Tiệp nói.

Nói về Quyết định kháng nghị số 06/QĐ-VKS ngày 09/08/2021 của VKSND tỉnh Yên Bái có đề nghị TAND tỉnh Yên Bái: sửa bản án sơ thẩm, áp dụng điểm d khoản 2 Điều 203 BLHS và tăng hình phạt đối với chúng tôi; không cho bị cáo Long Thị Biết được hưởng án treo, khắc phục vi phạm của bản án sơ thẩm đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

“Việc kháng nghị trên là không có căn cứ, bởi, tại trang 3 Quyết định kháng nghị số 06/QĐ-VKS của VKSND tỉnh Yên Bái đều cố tình kết luận không đúng: Trong vụ án này, Phạm Thị Lân đã có hành vi mua bán trái phép 61 hóa đơn giá trị gia tăng đã ghi nội dung; Hà Minh An mua bán trái phép 60 hóa đơn giá trị gia tăng đã ghi nội dung

Thực tế như trên đã phân tích, hóa đơn hộ kinh doanh bà Long Thị Biết bán cho Trường tiểu học Nậm Khắt là hóa đơn thường tức không có giá trị gia tăng (VAT).

Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với kết luận tại trang 3 Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS-P7 ngày 11/03/2020 do chính ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Viện Trưởng VKSND tỉnh Yên Bái ký, đóng dấu ban hành như sau: Trong vụ án này, Phạm Thị Lân đã có hành vi mua bán trái phép 61 hóa đơn đã ghi nội dung; Hà Minh An mua bán trái phép 60 hóa đơn đã ghi nội dung.

Mặt khác, trong các bản án sơ thẩm của TAND huyện Mù Cang Chải và bản án phúc thẩm TAND tỉnh Yên Bái đều không nhận định các hóa đơn mua bán đó là hóa đơn có giá trị gia tăng, mà chỉ đánh giá cho rằng đó là hóa đơn khống không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo.

Như vậy, đây là những nhận định mới mang tính áp đặt của VKSND tỉnh Yên Bái không đúng với bản chất sự việc, không đúng với sự thật khách quan của vụ án, dẫn đến hậu quả là đẩy chúng tôi vào vòng lao lý, khiến cho các cơ quan tố tụng cấp trên hiểu không đúng và ra các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hủy các bản án trước đó để xét xử lại.

Hơn nữa,” Huyện Mù Căng Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, kinh tế xã hội chậm phát triển hầu hết các hộ kinh doanh cá thể nhỏ, lẻ theo hình thức nộp thuế khoán nên không có hóa đơn xuất khi bán hàng, dịch vụ…

Để khắc phục quyết toán các nguồn thu chi từ 2014 đến tháng 10/2018, nhà trường mới đồng ý để các bộ phận làm quyết toán nhờ cửa hàng bà Long Thị Biết xuất hóa đơn giúp.

Vì thế, về ý thức chủ quan và hành vi của bị cáo Lân cùng các cá nhân khác trong nhà trường đều không có động cơ, mục đích vụ lợi, chiếm đoạt tài sản hay ngân sách Nhà nước làm lợi cho bản thân, cần có cái nhìn khách quan hơn, tạo điều kiện để các bị cáo có cơ hội phấn đấu, không vì tất cả mà đẩy người ta xuống vũng bùn” LS Tiệp nói.

Tuy nhiên, những căn cứ trên đều không được HĐXX chấp thuận, sau khi nghị án HĐXX toà án nhân dân tỉnh Yên Bái tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Thị Lân và Hà Minh An.

Báo pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.

Trong kết luận của bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mù Căng chải cho biết, trong thời gian từ tháng 6/2014 đến năm 2018, bị cáo Long Thị Biết bán trái phép tổng số 61 số hoá đơn khống với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng không có dịch vụ, hàng hoá kèm theo cho trường tiểu học Nậm Khắt để hợp lý hoá chứng từ cho việc quyết toán các nguồn kinh phí với đơn vị cấp trên.

Bị can Phạm Thị Lân giữ chức vụ Hiệu trưởng, là người đứng đầu, chủ tài khoản của Trường tiểu học Nậm Khắt đã trực tiếp mua trái phép 38 số hoá đơn khống, quyết định và đồng ý cho Hà Minh An mua trái phép 15 hoá đơn khống, Đoàn Ngọc Anh mua trái phép 5 hoá đơn khống, Nguyễn Thanh Bình mua trái phép 3 hoá đơn, trong số 61 hoá đươn khống này, có 28 số hoá đơn được sử dụng để làm chứng từ thanh quyết toán nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước, 33 hoá đơn khống còn lại được sử dụng để làm chứng từ thanh quyết toán nguồn kinh phí xã hội hoá do cha mẹ học sinh và giáo viên nhà trường đóng góp...

 

 

Duy Khương

 

https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vu-truy-to-nu-hieu-truong-truong-tieu-hoc-nam-khat-can-lam-mot-cach-nhin-tich-cuc-d167525.html