Vu 'dat vang' Ba Trieu: De nghi thu hoi, huy bo cac so do da cap hinh anh 1Bị cáo Lương Thế Hiển trình bày tại phiên tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Sau hơn 1 ngày xét xử, chiều 19/4, phiên tòa xét xử vụ chuyển nhượng hàng trăm m2 “đất vàng” trên phố Bà Triệu (Hà Nội) chuyển sang phần tranh luận.

Đại diện Viện Kiểm sát đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 2 bị cáo trong vụ án này.

Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Tòa tuyên phạt bị cáo Lương Thế Hiển (sinh năm 1960, nguyên Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội) mức án từ 18-20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự.

[Hà Nội: Xét xử sơ thẩm vụ chuyển nhượng "đất vàng" phố Bà Triệu]

Bị cáo Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1960, vợ bị cáo Hiển) bị đề nghị từ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội danh này.

Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá qua sao kê ngân hàng cho thấy bị cáo Liên không hưởng lợi từ hành vi của chồng, tích cực khai báo, góp phần nhanh chóng giải quyết vụ án.

 

Còn bị cáo Hiển phạm tội với vai trò chính, hưởng lợi toàn bộ số tiền, giá trị "đặc biệt lớn," song không nhận tội, cũng chưa khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, với việc khai báo gian dối nhân thân lai lịch, cản trở điều tra nguồn gốc quá trình sử dụng tiền hưởng lợi, bị cáo cần bị xử phạt nghiêm khắc.

Về dân sự, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên buộc bị cáo Hiển trả lại số tiền gần 320 tỷ đồng cho anh Lê Hải An (là người mua mảnh đất tại 296, 298, 300 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); buộc thu hồi, hủy bỏ các sổ đỏ tổng diện tích 670m2 do Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội cấp năm 2018 cho anh An.

Anh Lê Hải An phải có trách nhiệm trả lại các thửa đất trên cho anh Nguyễn Thanh Thủy là bị hại trong vụ án.

Công tố viên cũng đề nghị tiếp tục kê biên các tài sản nhà đất đứng tên ông Hiển và tài sản mua từ tiền phạm tội mà có, gồm 4 mảnh đất tổng diện tích hơn 2.600m2 tại Hà Nội và Phú Thọ, để đảm bảo thi hành án.

Theo Viện Kiểm sát, Lương Thế Hiển giới thiệu có thể đứng tên giúp anh Nguyễn Thanh Thủy làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, chuyển đổi đất sử dụng chung và góp các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho anh Thủy được nhanh chóng.

Để hợp thức việc nhờ Hiển đứng tên làm giúp các thủ tục trên, Hiển và anh Thủy đã thống nhất thực hiện việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Nguyễn Thị Liên (là vợ Hiển, do Hiển nhờ ký), viết các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại phần vốn đã góp, ký các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất tại phố Bà Triệu với Liên và Hiển.

Tuy nhiên, sau khi Hiển đứng tên làm xong các thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, chuyển đổi đất sử dụng chung, gộp các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất tại số 296, 298, 300 Bà Triệu, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội hợp thành 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên 2 vợ chồng Hiển.

Sau đó, Hiển không trả lại nhà đất số 296, 298, 300 phố Bà Triệu cho anh Nguyễn Thanh Thủy như hai bên đã thỏa thuận mà chiếm đoạt, bán toàn bộ nhà đất trên cho anh Lê Hải An được số tiền gần 320 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Tại phiên tòa, bị cáo Liên khai không có việc hợp tác kinh doanh, không có việc giao nhận tiền để góp vốn mua đất tại phố Bà Triệu. Các giấy tờ, hợp đồng bị cáo Liên ký đều do chồng hướng dẫn mà bị cáo không đọc lại nội dung.

Bị cáo Liên khai không trao đổi, không tham gia giao dịch mua bán nhà đất với anh Thủy hoặc bên thứ ba khác, không giúp chồng chiếm đoạt tài sản của anh Thủy.

Về phần mình, bị cáo Hiển cho rằng lời khai của vợ mình là gian dối, không đáng tin cậy. Hiển khai việc hợp tác kinh doanh là có thật, bị cáo và anh Thủy góp mỗi người 100 tỷ đồng để mua lại 3 lô đất trên.

Vu 'dat vang' Ba Trieu: De nghi thu hoi, huy bo cac so do da cap hinh anh 2Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Bị cáo khai do anh Thủy không có tiền nên đã chủ động vay bị cáo 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó nhận thấy mình không thể trả được tiền nên anh Thủy đề nghị rút tên khỏi hợp đồng này. Do vậy, bị cáo Hiển góp thêm 100 tỷ đồng để mua toàn bộ số đất.

Đại diện Viện Kiểm sát đã dẫn chứng kết quả điều tra xác định anh Thủy là người trực tiếp trả tiền mua đất, dựa theo các giấy báo nộp tiền, tiền thuế phí, chứng từ chuyển tiền mặt, sao kê ngân hàng của anh Thủy. Những tài liệu này trái với lời khai của bị cáo Hiển.

Giai đoạn điều tra, bị cáo Hiển khai nhận một mình sử dụng 320 tỷ đồng tiền bán đất, không cho vợ, và từ chối khai báo sử dụng số tiền này ra sao.

Song tại phiên tòa, bị cáo Hiển thay đổi lời khai, nói vợ mình là bị cáo Liên chiếm hưởng 120 tỷ đồng và cáo buộc bị cáo Liên biết rõ việc ký hợp đồng kinh doanh với anh Thủy.

Tuy nhiên, bị cáo Liên cho rằng bị cáo không được hưởng lợi gì, tài khoản ngân hàng là do chồng bị cáo mở cho để nhận tiền của anh An mua đất, sau đó bị cáo phải chuyển lại cho chồng hết.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội, các luật sư bào chữa và bị cáo đã tham gia tranh luận về các chứng cứ buộc tội bị cáo về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”./.


 

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)