Vu buon lau gan 200 trieu lit xang: Lam ro hanh vi nhan hoi lo hinh anh 1Các bị cáo trình diện trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Sáng 13/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng tiếp tục với phần xét hỏi, nhằm làm rõ hành vi nhận hối lộ của các bị cáo để tạo điều kiện cho hành vi buôn lậu xăng trên biển được trót lọt, không bị phát hiện, bắt giữ và xử lý.  

Tại phiên tòa, nhóm bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), Nguyễn Văn An (em họ bị cáo Thế Anh) tiếp tục không thừa nhận hành vi nhận hối lộ.

Trả lời câu hỏi của luật sư, Thế Anh tiếp tục cho rằng bị cáo không quen biết Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Phan Lê Hoàng Anh).

Mặc dù tại phiên tòa, nhân chứng Phan Thanh Hữu khai đã trực tiếp gặp Thế Anh 2 lần để thỏa thuận nhờ giúp đỡ trong việc buôn lậu xăng, khai đã nhiều lần đưa tiền cho Thế Anh để được giúp đỡ, “bảo kê” vận chuyển xăng trên biển để không bị phát hiện, bắt giữ… nhưng Thế Anh vẫn cho rằng mình không gặp Hữu, không có số điện thoại và chưa từng gọi cho Hữu cũng như chưa nhận tiền hối lộ của Hữu bao giờ.

[Vụ gần 200 triệu lít xăng: Bị cáo chối tội, Viện Kiểm sát đối chất]

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thế Anh bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép."

Theo cáo trạng, tháng 9/2019, sau khi cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia bán kiếm lời, Hữu đã đặt vấn đề buôn lậu xăng, nhờ Thế Anh giúp đỡ và được Thế Anh đồng ý.

Lúc này, Thế Anh đang là Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu sẽ chi cho Thế Anh 30.000 USD và 100 triệu đồng. Tổng cộng từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, Hữu đã chi cho Thế Anh 150.000 USD và 500 triệu đồng.

Đến đầu năm 2020, Hữu tiếp tục đặt vấn đề về việc vận chuyển xăng nhập lậu để tiêu thụ ở trong nước và nhờ Thế Anh giúp đỡ. Thế Anh nhận lời và yêu cầu Hữu chi tiền cho cấp trên và một số lực lượng khác, với tổng số tiền chi mỗi tháng là 60.000 USD và 950 triệu đồng.

Từ tháng 3-8/2020, mỗi tháng Nguyễn Văn An (em họ của bị cáo Thế Anh) trực tiếp nhận của Phan Thanh Hữu chi cho Thế Anh 60.000 USD và 950 triệu đồng. Tổng cộng là 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, Phan Thanh Hữu khai tháng 8/2020, Hữu biết Thế Anh đã chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, không “dính dáng” đến việc buôn lậu xăng của Hữu, nên Hữu không muốn chi tiền cho Thế Anh nữa.

Thấy vậy, Thế Anh đã gọi điện lại cho Hữu và hỏi: “Ông muốn gì?”.Vì thế, Hữu buộc phải tiếp tục đưa tiền cho Thế Anh thông qua Nguyễn Văn An, mỗi tháng 10.000 USD. Hữu nhận thức số tiền 10.000 USD đưa cho Thế Anh này là tiền hối lộ.

Tổng cộng số tiền bị cáo An đã nhận của Hữu đưa hối lộ cho Thế Anh là 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền từ Hữu, bị cáo An thường thông báo cho Thế Anh biết.

Số tiền nhận được từ Hữu, An mang về cất vào két sắt hoặc gửi tiết kiệm. Khi Thế Anh về Thành phố Hồ Chí Minh, An trực tiếp đưa tiền cho Thế Anh ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hoặc ở ngoài đường.

Toàn bộ số tiền nhận của Phan Thanh Hữu, bị cáo An đã đưa hết cho Thế Anh. Thế Anh chỉ vài lần cho tiền An để mua sữa cho con An.

Trước những lời khai của “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu, bị cáo Nguyễn Thế Anh vẫn một mực cho rằng bị cáo không nhận một đồng tiền hối lộ nào của Hữu.

Đối với cáo buộc Thế Anh đã tổ chức đưa An sang Lào trái phép sau khi Hữu bị bắt, Thế Anh vẫn tiếp tục phủ nhận, cho rằng việc An sang Lào, bị cáo hoàn toàn không biết và không làm gì giúp An. An đi đâu, làm gì, bị cáo không biết.

Tại phiên tòa sáng 13/7, bị cáo Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Văn An vẫn tiếp tục kêu oan, cho rằng bị cáo bị ép cung, mớm cung và các bản tự khai, tâm thư… của bị cáo là do điều tra viên đọc cho bị cáo ghi.

Trước những lời khai này, Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo khai mà không có chứng cứ thì Hội đồng xét xử cũng không có cơ sở để xem xét.

Chiều 13/7, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)