Vụ án giết người, cướp tài sản ở Điện Biên: Vì sao sau khi xử nhiều năm vẫn có đơn kêu oan?

12:24 - 05/12/2022

Gia đình chị Cà Thị Thanh (xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) nhiều năm nay có đơn kêu oan cho Cà Văn Toàn và Cà Văn Toán trong một vụ án “giết người”.

 Người nhà Cà Văn Toàn và Cà Văn Toán.
Người nhà Cà Văn Toàn và Cà Văn Toán.

Theo nội dung đơn, Toàn và Toán là cậu ruột của chị Thanh, đã bị kết tội giết người, cướp tài sản trong vụ án nạn nhân là bà Cà Thị Thiến xảy ra vào ngày 27/3/2013.

Trình bày trong đơn, chị Thanh cho rằng: “Tại các phiên xử, hai cậu tôi luôn kêu oan và đưa ra các chứng cứ ngoại phạm. Những tình tiết này được thể hiện trong các bút lục của hồ sơ vụ án”.

Cụ thể, tại Bản án sơ thẩm ngày 22/8/2013 của TAND tỉnh Điện Biên và Bản án phúc thẩm ngày 3/12/2013 của TAND Tối cao tại Hà Nội đều ghi nhận các bị cáo Toán, Toàn không thừa nhận hành vi như cáo trạng của VKSND tỉnh Điện Biên nêu. Hai bị cáo kêu oan, cho rằng tại CQĐT đã bị ép cung nên phải nhận tội. Riêng bị cáo Toàn có 2 lời khai không nhận tội và cho rằng bản thân ở lán nương từ 23/3 đến tối 27/3 mới về (đây là thời gian xảy ra án mạng - PV).

Trong quá trình xét xử sơ thẩm lần 2, chi tiết này, TAND tỉnh Điện Biên chưa làm sáng tỏ. Đây là chứng cứ quan trọng chứng minh căn cứ ngoại phạm, khả năng thực hiện hành vi của Toàn và Toán. “HĐXX cũng không làm rõ những tình tiết mâu thuẫn, không mời nhân chứng, không cho 2 cậu tôi đối đáp với nhân chứng”, chị Thanh trình bày.

“Trong các bản án đều không ghi rõ lý do bắt 2 cậu tôi trong hoàn cảnh nào, đang đi tiêu thụ tài sản hay ngày giờ bắt. Lẽ ra cần cho hai cậu tôi đối chất với một số nhân chứng để làm rõ”, đơn nêu.

Từ góc độ pháp lý, ông Đỗ Xuân Tựu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (VKSND Tối cao) nhận định: “Với tất cả bản án hình sự đều phải thể hiện thật cụ thể, chính xác những tình tiết liên quan vụ án, người phạm tội. Do đó, kể cả bản án sơ hay phúc thẩm mà không nêu thời gian bắt, nơi bắt, hoàn cảnh bắt, bắt quả tang… như thế nào đối với các bị cáo là thiếu sót”.

“Thông thường bản án sơ thẩm có thiếu sót thì bản án phúc thẩm phải phát hiện ra để sửa. Nếu bản án phúc thẩm không phát hiện ra, còn đáng tiếc hơn. Bản án phải nêu được rất đầy đủ, cụ thể các quá trình, diễn biến phạm tội như thế nào, bắt bị can, bị cáo như thế nào, các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ. Điều này luật đã quy định rất rõ”.