Vụ án bạo hành bé 17 tháng tuổi: "Đó là sự suy thoái về đạo đức"

16:07 - 18/03/2023

Theo chuyên gia tội phạm học, hành vi bạo hành của hai nữ giáo viên nguyên nhân sâu xa thúc đẩy hành vi phạm tội là sự suy thoái về đạo đức của họ.

Mới đây, Cơ quan công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 bảo mẫu Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi), cả hai cùng ở thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội để điều tra, làm rõ vụ bạo hành bé trai 17 tháng tuổi tử vong.

Hai bị can này vì những bực tức, đã đánh, đấm, đạp, thậm chí ném cháu bé 17 tháng tuổi xuống đất. Hậu quả, khiến cháu Đ. chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não và tử vong. Sự việc, khiến nhiều người phẫn nộ, bất bình về sự “tàn nhẫn” vì hành vi của giáo viên người được ví như mẹ hiền.

Hai bảo mẫu trên.

Hai bảo mẫu có hành vi vô nhân tính đối với cháu nhỏ 17 tháng tuổi.

Theo dõi vụ việc, Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu (Nhà văn, Nhà báo, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) bày tỏ sự phẫn nộ và đánh giá hành vi của các đối tượng có "ác tính cao".

Hành vi bạo hành đã diễn ra trong nhiều ngày chứ không phải là việc nhất thời bột phát của 2 đối tượng, cho thấy nguyên nhân sâu xa thúc đẩy hành vi phạm tội chính là sự suy thoái về đạo đức của họ”, ông Hiếu nói.

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu (Nhà văn, Nhà báo, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an).

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu (Nhà văn, Nhà báo, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an).

Cũng theo Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu: “Mặc dù việc bạo hành nạn nhân của các nghi phạm là do không kiềm chế được cơn giận dữ, bực bội tại thời điểm đó, nhưng đó cũng chỉ là kết quả của những lệch lạc về nhân cách”.

Nghĩa là trong tâm lý nội tâm của họ có thể đã chứa đựng những đặc điểm tiêu cực như sự ích kỷ, vô cảm, độc ác”, ông Hiếu nhấn mạnh.

 

 

Khi đã ích kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích của mình thì con người ta thường phản ứng cực đoan trước những điều bất như ý, ở đây là việc trẻ quấy khóc. Những bức xúc tâm lý hình thành rất nhanh và họ đã làm mọi cách để giải tỏa nó. Khi đã vô cảm, đương sự không cảm thông, thương yêu thật lòng với những đứa trẻ mình có trách nhiệm trông giữ. Khi trẻ quấy khóc, họ chỉ thấy một sự khó chịu, bực bội, chứ không tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ lại thế.

"Khi mầm ác đã có ở trong tâm, người ta thường hướng đến việc sử dụng vũ lực, thay vì lựa chọn các cách giải quyết khác phù hợp với đòi hỏi của pháp luật và xã hội. Chi phối tất cả tiến trình tâm lý này, là sự ngu dốt, hạn chế trong nhận thức.

Chính sự thiếu hụt trong nhận thức, khiến đối tượng không ý thức được hậu quả của việc mình làm, không quản lý được cảm xúc”, chuyên gia tội phạm học phân tích.

Cũng theo Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu: “Lẽ ra, làm nghề bảo mẫu, họ đều phải biết trẻ em là đối tượng được bảo vệ đặc biệt của pháp luật, mọi hành vi bạo hành với trẻ đều không thể tha thứ và biện minh, hậu quả pháp lý đối với người có hành vi bạo hành trẻ em là rất nghiêm khắc.

Nếu hiểu được những điều này, họ sẽ ý thức được giới hạn hành vi mình có thể làm với trẻ em, biết cách quản lý cảm xúc, họ sẽ không để cơn giận dẫn dắt và hành động theo bản năng”.

Sau cùng, Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu nói và nhận định mọi hành vi bạo hành đối với trẻ em đều không thể tha thứ và cần phải có một hình phạt nghiêm khắc.