Ngày 6/9, Cục Đầu tư ước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến ngày 31/8/2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số đó, vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án, với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tương ứng tăng 8,5% và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 8,53 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Kế đến, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,40 tỷ USD, chiếm 20% và các ngành còn lại đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 8,9%.
Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam từ đầu năm đến nay, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,66 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến, Trung Quốc đứng thứ hai với gần 1,7 tỷ USD, chiếm 14,2%; theo sau là Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 1,41 tỷ USD, chiếm 11,7%; Nhật Bản 1,24 tỷ USD, chiếm 10,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 731,3 triệu USD, chiếm 6,1%; Đài Loan 660,3 triệu USD, chiếm 5,5%. Ngoài ra, vốn đăng ký điều chỉnh có 926 lượt dự án với giá trị 5,71 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tám tháng ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất (của tám tháng) trong 5 năm qua.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) trong tám tháng đạt 147,3 triệu USD, giảm 64,6% so với cùng kỳ năm trước, tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, Hà Lan dẫn đầu với 54,6 triệu USD, chiếm 37,1% tổng vốn đầu tư; Lào 37,8 triệu USD, chiếm 25,7%; Vương quốc Anh 19,8 triệu USD, chiếm 13,4%; Hoa Kỳ 18,6 triệu USD, chiếm 12,7%…/.