Trong khi lãi suất huy động khó giảm thêm trong thời gian tới, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng lộ trình tăng lãi suất USD, các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm thêm trong năm 2024.
Lãi suất xuống thấp nhất trong 20 năm
Với 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt mạnh trong nửa cuối năm, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024 vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ghi nhận mặt bằng lãi suất huy động hiện đã ở vùng thấp lịch sử, thậm chí là thấp hơn cả thời điểm COVID-19 đối với một số ngân hàng.
Mới đây lãi suất huy động cho kỳ hạn 1-2 tháng tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh. Hiện mức lãi suất huy động dưới 3 tháng được ghi nhận giảm sâu nhất từ trước đến nay, khi nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn nhất dao động từ 1,9%-2,5%.
Tuy nhiên, ngân hàng vẫn sẽ là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp khi thị trường trái phiếu chưa phục hồi, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 cao kỷ lục, lên tới gần 300.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo hướng nới lỏng khi áp lực lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt. Trong kịch bản cơ sở, KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% và tỷ giá sẽ giảm khoảng 0,5% trong năm 2024.
"Do vậy, việc lãi suất huy động hạ thêm trong năm 2024 là khó xảy ra trong bối cảnh lạm phát vẫn là yếu tố khó lường," phía KBSV nhận định.
Chuyên gia công ty chứng khoán này cho rằng trong năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong khoảng 4,85%-5,35%.
Lãi suất cho vay có thể giảm tiếp
Các chuyên gia cho rằng dù lãi suất huy động đã giảm rất sâu về mức thấp nhất 20 năm, song lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động.
Lý giải, ông Phạm Chí Quang Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh chóng, hiện tại bình quân lãi suất huy động tại các giao dịch mới phát sinh chỉ ở mức 3,9%/năm. Có đến 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng do trung và dài hạn.
“Dù lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong thời gian dài qua nhưng 50% dơ nợ tín dụng lại nằm ở cho vay trung và dài hạn - đồng nghĩa với kỳ điều chỉnh lãi suất dài (thường là 12-20 tháng) nên giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động,” ông Quang nói.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chia sẻ thêm hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao. Nhưng chắc chắn rằng đến năm 2024 sẽ không còn duy trì được mức này nữa.
"Về mặt điều hành, nếu giảm được lãi suất thì phải giảm. Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Do đó, một trong những giải pháp là Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn," Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.
Theo các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1%-1,5% trong năm 2024. Tính tới cuối quý 3/2023, lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên báo cáo tài chính các ngân hàng niêm yết giảm khoảng 0,6% từ mức đỉnh quý 1/2023, tuy nhiên vẫn cao hơn 1,6% so với mức đáy quý 4/2021.
Chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam cũng nhận định lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75%-1,0%.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay năm 2024, xu hướng lãi suất của các nước có thể còn nhiều biến động. Theo đó, lãi suất của các ngân hàng Trung ương lớn, đặc biệt là Fed, có thể giảm từ giữa năm sau, nhưng mức giảm sẽ nhỏ giọt, bởi phải cân đối với khả năng ứng phó với lạm phát.
Còn tại Việt Nam, ông Hiếu dự đoán lãi suất huy động của các ngân hàng có thể khó giảm thêm và sẽ tăng từ quý 2/2024, chủ yếu do nền kinh tế được dự báo sẽ khởi sắc, từ đó thúc đẩy nhu cầu về vốn, khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn. Dẫu vậy, lãi suất cho vay có khả năng giảm tiếp trong những tháng đầu năm tới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định lãi suất cho vay trong năm sau có thể giảm thêm để tương xứng với mức lãi suất huy động khá thấp hiện tại.
Các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, việc biên lãi thuần (NIM) đang trong đà giảm và nợ xấu có xu hướng tăng sẽ khiến các nhà băng có xu hướng thận trọng hơn trong việc cho vay. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, sẽ có sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay lý tưởng nhất ở thời điểm hiện tại, cho kỳ trung hạn từ 3-5 năm khoảng 6,5% là hợp lý./.
Nguồn: Vẫn còn nhiều dư địa giảm lãi suất cho vay trong năm 2024 | Vietnam+ (VietnamPlus)