Tình trạng vi phạm trật tự giao thông, an ninh trật tự xã hội, nhất là ở đô thị lớn trên địa bàn Vĩnh Phúc đã giảm đáng kể. Người dân đã ý thức được rằng bất cứ hành động, việc làm vi phạm pháp luật tại các nút giao thông quan trọng, những tuyến phố, các công viên, quảng trường trên địa bàn tỉnh giờ đây đều được phát hiện, lưu giữ hình ảnh, dữ liệu bởi hệ thống camera thông minh giám sát...
Giảm vi phạm
Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vĩnh Yên, rộng hơn 26ha nằm trong tổng thể kết nối nhiều công trình Nhà hát tỉnh, Nhà thi đấu tỉnh. Ở đây được thiết kế các đường dạo chạy vòng quanh và hệ thống thảm cỏ, cây xanh, tạo nên vẻ đẹp khá ấn tượng cho khu vực công viên quảng trường.
Vì sự thông thoáng, sạch đẹp, rộng rãi, quảng trường luôn có đông đảo người tới vui chơi, dạo bộ, đạp xe... Từ năm 2022 trở về trước, tình trạng vi phạm trật tự giao thông, an ninh trật tự xã hội tại khu vực khá phức tạp.
Không ít đối tượng thường xuyên tụ tập, điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, bấm còi inh ỏi, bốc đầu..., khi gặp lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng ga bỏ chạy, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tình trạng dừng, đỗ xe sai quy định có thể bắt gặp ở nhiều nơi. Đặc biệt, ở khu công cộng này, nhiều nhóm thanh niên, thiếu niên mang đồ ăn, uống đến các vỉa hè, sân, thảm cỏ dùng nhưng không thu dọn giấy, chất thải đựng, bọc đồ ăn, uống sau khi ra về.
Những vấn đề phức tạp trên khiến cho nhiều người dân bức xúc. Công nhân vệ sinh môi trường mất rất nhiều công sức thu dọn các chất thải mỗi ngày.
Bước sang năm 2023, những vấn đề phức tạp trên tại quảng trường đã giảm rất rõ rệt. Hầu hết người dân đến vui chơi, tập luyện thể thao... tại đây đều tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội quy.
Theo các hộ buôn bán, kinh doanh nhỏ ở quảng trường, nhờ có hệ thống camera giám sát các hành vi vi phạm pháp luật ở quảng trường và vùng lân cận, người dân thường xuyên nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm các quy định, nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử lý.
Hầu hết người tham gia giao thông tại các nút giao thông quan trọng trên trục đường Mê Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành (thành phố Vĩnh Yên); những tuyến đường lớn đi đến Khu Công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc đã chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.
Tình trạng điều khiển phương tiện lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, dừng đỗ xe ôtô không đúng nơi quy định đang giảm rõ rệt.
Ai cũng hiểu rằng bên cạnh "tai mắt" của lực lượng Cảnh sát, cán bộ ngành chức năng theo dõi, nhiều tuyến đường, phố, khu dân cư giờ đây đã có hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông kết hợp với các hệ thống phần mềm có thể nhận diện khuôn mặt, biển số xe ở khoảng cách xa nhờ vào ống kính quang học tối tân cho phép phóng lớn lên nhiều lần… để xử lý người vi phạm, tội phạm.
[Nhiều tuyến cao tốc đã lắp đặt camera giám sát vi phạm xe ôtô]
Theo ông Hoàng Việt Lào, Trưởng Công an huyện Tam Đảo, các nhóm đối tượng đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên... tập trung đi xe môtô phân khối lớn đua tốc độ, lạng lách, đánh võng, bốc đầu trên các trục đường lớn rồi dồn về các khu du lịch thuộc huyện Tam Đảo đang giảm dần.
Kết quả này là nhờ lực lượng chức năng luôn thể hiện sự quyết tâm và có hệ thống giám sát hỗ trợ hiệu quả giúp cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện, xử lý kịp thời.
Những chiếc camera trên các nút giao thông quan trọng được mệnh danh là "mắt thần" có thể quan sát phương tiện vi phạm giao thông, các vụ tai nạn, cháy nổ… ở khoảng cách xa, có vai trò lớn trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp.
Nhờ hệ thống camera giám sát, lực lượng Công an đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm, các trường hợp vi phạm an ninh trật tự cùng các vi phạm khác.
"Cánh tay nối dài" của lực lượng Công an
Dự án lắp đặt camera bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị, phòng, chống vi phạm pháp luật tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu và nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới, do Công an tỉnh chủ động nghiên cứu, xây dựng.
Trước mắt, hệ thống camera thông minh giám sát an ninh trật tự được lắp đặt tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác. Riêng tại thành phố Vĩnh Yên, hệ thống camera giám sát trên địa bàn đã hoàn thành các hạng mục xây dựng, lắp đặt từ tháng 6/2023.
Hệ thống gồm có một Trung tâm Điều hành chỉ huy, ba Trung tâm Giám sát, 209 camera giám sát, máy chủ chuyên dụng, hiệu năng cao, các loại máy thu thập xử lý thông tin bằng trí tuệ nhân tạo (AI), máy phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao thông.
Với những tính năng vượt trội, hệ thống camera thông minh giám sát an ninh trật tự được coi là "tai mắt," là "cánh tay nối dài" của lực lượng Công an trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hoạt động của các loại tội phạm.
Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống camera giám sát thông minh trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Đồng thời, ngành tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống camera giám sát tại các huyện, thành phố còn lại, tiến tới bao phủ toàn tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản trị xã hội của lực lượng công an, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc sẽ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin của hệ thống camera; phân công nhân sự quản trị hệ thống và thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống phục vụ các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, xử lý các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan này có trách nhiệm đánh giá hiệu quả công tác vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai xây dựng hệ thống camera giám sát tại các huyện, thành phố còn lại.
Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Lợi, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Vĩnh Phúc, trong sáu tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 19.321 trường hợp; nộp ngân sách nhà nước hơn 29,5 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của 2.135 trường hợp.
Đối với việc ghi hình, xử lý vi phạm qua hình ảnh (phạt nguội), lực lượng Cảnh sát Giao thông đã xử lý 1.292 trường hợp, tương ứng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng; ra quyết định xử phạt 342 trường hợp, thực hiện thủ tục phạt nguội đối với 950 trường hợp theo quy định.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ quy định, vượt đèn đỏ, dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, không chấp hành hiệu lệnh.../.