Tròn 20 năm mở đường bay thẳng đến từ Việt Nam đến Pháp, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã định vị được bản đồ điểm đến thương hiệu của riêng mình cũng như của đất nước ta trên trường quốc tế, mở ra sự phát triển thương mại, văn hóa, du lịch và hình ảnh con người giữa hai nước.

Hai thập kỷ Bông Sen Vàng hiện diện ở đất Pháp

Ngay sau khi đất nước mở cửa nền kinh tế, từ năm 1994, Vietnam Airlines bắt đầu khai thác đường bay Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh-Paris có một điểm dừng tại Dubai bằng máy bay Boeing 767. Đến năm 1997, Air France đã hợp tác hỗ trợ Vietnam Airlines đào tạo phi công, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ khai thác thành công 10 tàu bay Airbus A320 mới và hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Nhớ lại quãng thời gian này, phía Vietnam Airlines cung cấp thông tin, thời điểm đó chưa có dòng máy bay hiện đại có đủ khả năng thực hiện bay thẳng tới Pháp nên tổng thời gian bay đến đất nước “hình lục lăng” này mất hơn 1 ngày do máy bay phải dừng tại một điểm sân bay để tiếp nhiên liệu cũng như có thể đón thêm hành khách để tiết giảm chi phí và tăng doanh thu.

Với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ hàng không, ngày 24/6/2003, Vietnam Airlines chính thức mở đường bay thẳng trực tiếp không điểm dừng từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến Paris bằng máy bay thân rộng Boeing 777-200ER, rút ngắn thời gian bay chỉ còn 12 giờ đồng hồ. Lượng hành khách bay giữa Việt Nam và Pháp đã tăng trưởng hết sức nhanh chóng sau khi Vietnam Airlines mở đường bay thẳng.

Năm 2015, Vietnam Airlines chính thức khai thác máy bay thế hệ mới Airbus A350-900 trên đường bay Hà Nội-Paris là điểm đến đầu tiên. Điều này cho thấy, hãng đã chú trọng đến đường bay Pháp khi đây là thị trường chiến lược và trọng điểm về dung lượng khách đi lại giữa 2 nước.

[Vietnam Airlines góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị Việt Nam-Pháp]

Trên đường bay này, hành khách có thêm nhiều lựa chọn nhờ việc tăng tần suất chuyến bay và các điểm đến trung chuyển của khu vực và thế giới khi khi mạng bay liên danh giữa Vietnam Airlines và Air France được ký kết vào đầu tháng 10/2017.

“Ngoài việc tăng tần suất chuyến bay thẳng, tạo ra sản phẩm nối chuyến tốt nhất, Vietnam Airlines và Air France cũng trao đổi kinh nghiệm để cùng nâng cao chất lượng dịch vụ đồng bộ, giảm giá thành sản phẩm, phát động thị trường mới và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Hiện tại, Vietnam Airlines đang khai thác 10-11 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và Pháp. Trong đó, đường bay Hà Nội-Paris khai thác 7 chuyến bay mỗi tuần, Thành phố Hồ Chí Minh-Paris khai thác 3-4 chuyến bay mỗi tuần. Các chuyến bay đều khai thác bằng tàu bay thân rộng Airbus A350.

“Hãng đang nghiên cứu, hoàn thiện tần suất các đường bay đến Pháp, nâng dần tần suất khai thác giữa Việt Nam-Pháp lên tối đa 14 chuyến/tuần theo kế hoạch phát triển dài hạn, trên cơ sở nhu cầu thị trường và khả năng cấp phép bay của nhà chức trách Pháp,” ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines chia sẻ.

Chờ thêm những tín hiệu khởi sắc tích cực

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Vietnam Airlines đã xác định đường bay đến Pháp có vai trò chiến lược trọng yếu, do vị trí của Pháp là cửa ngõ của châu Âu với khả năng kết nối vào Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, Pháp còn là quốc gia có truyền thống hợp tác lâu dài và bền chặt với Việt Nam. 

Theo thống kê của Vietnam Airlines, trước dịch COVID-19, tổng dung lượng thị trường Việt Nam-Pháp năm 2019 đạt hơn 570.000 khách, tăng trưởng ổn định trung bình khoảng 3%/năm trong giai đoạn 2012-2019.

Đặc biệt, trong năm 2019, đường bay Pháp đóng góp 3% tải và 8,1% doanh thu vận tải hành khách trong tổng mạng đường bay quốc tế thường lệ của Vietnam Airlines; góp phần không nhỏ trong mạng bay quốc tế của Vietnam Airlines.

“Hiệu suất sử dụng ghế các chuyến bay của cả hai hãng Vietnam Airlines và Air France trên các đường bay Việt Nam-Pháp luôn đạt mức cao từ 80-90% trong nhiều năm đã cho thấy nhu cầu đi lại giữa hai quốc gia rất lớn,” ông Hòa đánh giá.

Trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là năm 2020-2022, Vietnam Airlines đã phát huy mạnh mẽ vai trò của Hãng hàng không Quốc gia, tham gia vận chuyển hàng hóa, chuyên gia và công dân giữa hai nước để đảm bảo giao thương, sản xuất và phòng chống dịch bệnh.

Vietnam Airlines dinh vi thuong hieu 20 nam duong bay thang den Phap hinh anh 1Vietnam Airlines và các đối tác hàng không, du lịch thực hiện các nghi lễ phát động, thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch Việt Nam-Pháp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 26/1/2022, Vietnam Airlines nối lại đường bay thẳng thương mại tới Pháp sau hơn gần 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh. Sau khi đại dịch được kiểm soát, đường bay Việt Nam-Pháp đã đón nhận những tín hiệu khởi sắc tích cực. Trong năm tháng đầu năm 2023, lượng hành khách vận chuyển của Vietnam Airlines đạt 108.700 lượt khách, hàng hóa vận chuyển đạt 5.500 tấn, phục hồi gần như tương đương cùng kỳ năm 2019.

[50 quan hệ Việt-Pháp: Đà phát triển cho quan hệ đối tác trên mọi mặt]

Trong 20 năm từ khi mở đường bay thẳng đến nay (2003-2023), tổng hành khách Vietnam Airlines vận chuyển kể đạt gần 3,8 triệu lượt; tổng hàng hóa vận chuyển đạt hơn 174.500 tấn. Mức tăng trưởng hành khách, hàng hóa trung bình hàng năm giai đoạn trước đại dịch COVID-19 lần lượt là 5%/năm và 10%/năm.

Không chỉ vận chuyển hành khách, hàng hóa, Vietnam Airlines tự hào đã góp phần kết nối kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam và Pháp, với nhiều hoạt động hợp tác hàng không, hỗ trợ ngoại giao, du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, con người của hai quốc gia.

“Cho đến nay, với tần suất bay nhiều nhất, cùng việc đưa vào khai thác tàu bay hiện đại Airbus A350-900, chất lượng dịch vụ quốc tế 4 sao, hướng đến 5 sao và mức phí hợp lý, Vietnam Airlines hiện giữ vị trí số 1 về thị phần vận chuyển hành khách giữa Việt Nam-Pháp và duy trì lượng khách vận chuyển cao,” ông Hòa khẳng định.

Đánh giá cao những nỗ lực của Vietnam Airlines trong việc kết nối hai đất nước, theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong suốt 20 năm, Vietnam Airlines là trụ cột trong hợp tác hàng không Việt Nam-Pháp, phát huy tốt vai trò là cầu nối hàng không, qua đó góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa 2 quốc gia, 2 châu lục./.

Việt Hùng (Vietnam+)