Vietjet muốn huy động 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu để trả lương, xăng dầu…

08:15 - 27/07/2023

HĐQT Công ty CP Hàng không Vietjet mới đây đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng trái phiếu.

HĐQT Công ty CP Hàng không Vietjet mới đây đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng trái phiếu.



vja330-1685604407424
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietjetair.comt)

Hội đồng Quản trị Công ty CP Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) vừa thông qua phương án phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng trái phiếu, với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.

Mục đích Vietjet phát hành trái phiếu là để thực hiện chương trình chi trả các chi phí về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, lương, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc máy bay (PDP) và các chi phí khác.

Đây là trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm, với kỳ hạn 60 tháng. Lãi suất cố định tối đa 12%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên. Kỳ thanh toán lãi là 6 tháng một lần.

Hồi tháng 5, Vietjet cũng thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty.

Theo số liệu tổng hợp của CTCP Chứng khoán VNDirect, trong quý 2/2023 có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý I, và giảm 83,1% so với cùng kỳ. 

Trong đó có 28 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị là 17.281 tỷ đồng (chiếm 89,6% tổng giá trị phát hành).

Lũy kế 6 tháng đầu năm tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ. Trong đó tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 75,6%, tổng giá trị phát hành công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 15,9%.

Bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu lớn nhất trong quý II khi chiếm hơn 34,9% tổng giá trị phát hành.

Theo sau là nhóm Ngân hàng chiếm 29%, nhóm Tập đoàn đa ngành và nhóm Logistics chiếm lần lượt là 10,4% và 8,5%, các nhóm ngành nghề khác chiếm 17,2% tổng giá trị phạt hành.

VNDirect cho rằng hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong quý 3/2023.

Áp lực trái phiếu doanh đáo hạn vẫn đang gia tăng trong 2 quý cuối năm nay, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn kinh doanh và khó khăn về dòng tiền. Việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà những doanh nghiệp này có thể lựa chọn ở thời điểm này để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình.

Trong năm 2023, VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu vào khoảng 223.400 tỷ đồng, tăng 45,6% so với 2022.

Trong quý 3/2023, sẽ có khoảng hơn 75.900 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tăng 14,9% so với quý trước đó).

Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III, đứng thứ 2 là nhóm Tài chính – Ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn.