Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ vào ngày 11/9/1973.
Nửa thế kỷ qua, hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và năng động trong nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường xuất khẩu thứ 9 của Việt Nam.
Chuyến thăm Vương quốc Anh của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là một sự kiện đặc biệt quan trọng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, góp phần tạo xung lực mới phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và vững chắc trong những thập kỷ tới.
Duy trì đà tăng trưởng
Năm 2010, Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược và năm 2020 thông qua Tuyên bố chung sau 10 năm đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện về phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với thách thức toàn cầu.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tiếp tục duy trì tăng trưởng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2022 đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 4,6 tỷ USD, tăng 8,1%.
[Quan hệ Việt Nam-Anh đã có những bước phát triển mạnh mẽ]
Nhận định từ các chuyên gia, trong hơn 10 năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Vương quốc Anh tăng trưởng hơn 3 lần, từ 2,19 tỷ USD năm 2010 khi hai nước tuyên bố Quan hệ Đối tác Chiến lược lên 6,84 tỷ USD năm 2022 dù kinh tế, thương mại toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch COVID-19 và bất ổn chính trị-kinh tế-xã hội tại một số khu vực trên thế giới.
Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Anh đạt hơn 6,06 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021, giúp Việt Nam thặng dư thương mại gần 5,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2021.
Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn gồm điện thoại các loại và linh kiện chiếm 18,75%; nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 14%; hàng dệt may (13,25%); giày dép các loại (12,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (6,8%)...
Riêng trong quý 1 năm 2023, tổng giá trị thương mại hai chiều Việt Nam-Vương quốc Anh đạt 1,58 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng lưu ý, Việt Nam thặng dư thương mại 1,23 tỷ USD, tăng 88,6 nghìn USD so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải nguyên nhân trong năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh có xu hướng chậm lại, đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết kinh tế Anh khó phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chi phí sản xuất-vận tải, nhất là chi phí năng lượng tăng cao.
Hơn nữa, lạm phát cao và niềm tin tiêu dùng thấp khiến người dân Anh thắt chặt chi tiêu; nhu cầu thị trường giảm nhất là đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ ngoài trời hay đồ gia dụng lâu bền.
Bên cạnh đó, một số nhà nhập khẩu và phân phối đồ gỗ tại Anh phá sản; tỷ giá giữa đồng bảng Anh so với USD và VND biến động mạnh khiến rủi ro thanh toán đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.
Ngoài ra, việc xuất khẩu giảm còn do yêu cầu chất lượng cao; thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh; khoảng cách địa lý xa khiến chi phí vận tải cao hơn và thời gian giao hàng chậm hơn các nguồn hàng đến từ châu Âu và châu Phi.
Thế nhưng, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng thị trường Anh có sức mua lớn, hệ thống luật pháp chặt chẽ; hệ thống ngân hàng và hệ thống thanh toán tin cậy.
Cùng đó, cộng đồng người Việt Nam tại Anh đang ngày càng phát triển và có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics, phân phối hàng tiêu dùng.
Không những thế, quan hệ thương mại Việt Nam-Anh được hậu thuẫn bởi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ đầu năm 2021 trên nền tảng Quan hệ Đối tác Chiến lược được thiết lập từ năm 2010 và Cơ chế hợp tác liên Chính phủ (JETCO) được thiết lập từ năm 2007.
Đặc biệt, UKVFTA đã xác lập một lộ trình miễn thuế cho hầu hết sản phẩm Việt Nam nhập khẩu vào Anh và ngược lại.
Nhờ đó, nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nước Nam Mỹ.
Định vị thị trường
Đầu tháng 2 vừa qua, những trái bưởi Diễn Yên Thủy (Hòa Bình) xuất khẩu chính ngạch và lần đầu tiên được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan (Anh) và nhận được sự chào đón của cộng đồng người Việt cũng như người tiêu dùng sở tại.
Đây là sản phẩm của Công ty cổ phần RYB (Hòa Bình), lần đầu tiên được nhập khẩu chính ngạch số lượng lớn (11 tấn) sang Anh bởi Tập đoàn Longdan, nhà nhập khẩu hàng Việt lớn nhất tại nước này.
Trước đó, đầu tháng này, hơn 5 tấn bưởi đỏ Tân Lạc của Công ty cổ phần Fusa (Hòa Bình) cũng lần đầu tiên đến Anh qua đường nhập khẩu chính ngạch của Tập đoàn Longdan.
Ông Khôi Huỳnh, Giám đốc Tập đoàn Longdan cho biết, với hình thức đẹp, vị ngọt thanh mát, tép bưởi ráo, mọng nước, bưởi Diễn và bưởi đỏ Tân Lạc có chất lượng vượt trội so với các loại bưởi nhập khẩu đang bán tại thị trường Anh.
Mặc dù có giá cao hơn, song Longdan vẫn quyết định nhập khẩu hai loại bưởi đặc sản Việt Nam với mong muốn giới thiệu các loại hoa quả đặc sản vùng miền đến người tiêu dùng Anh, đồng thời đáp ứng nhu cầu của kiều bào tại quốc gia này.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường-Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh nhấn mạnh, hiện nay có rất nhiều loại trái cây được nhập khẩu vào Anh từ châu Âu cũng như nguồn cung khác.
Thế nhưng, Việt Nam lại có những lợi thế về nhiều trái cây nhiệt đới mà các nước khác không có. Hơn nữa, nhờ Hiệp định UKVFTA, các loại trái cây Việt Nam xuất khẩu sang nước này được miễn thuế, là một lợi thế lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng triệt để.
Đánh giá từ giới phân tích, những cam kết từ Hiệp định UKVFTA, các nhà xuất khẩu của Vương quốc Anh hay Việt Nam đều được hưởng lợi.
Hiện nay, 85,6% số dòng thuế được xóa bỏ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh. Đến năm 2027, con số này sẽ nâng lên mức 99,2%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh.
Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản và khai khoáng. Ngoài ra, hai nước còn có nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đang được triển khai và đạt hiệu quả tốt.
Trước mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận giải pháp công nghệ nhằm xây dựng nền tảng năng lượng tái tạo. Cùng đó, Vương quốc Anh là quốc gia có nền công nghiệp công nghệ cao phát triển, nhất là công nghệ về năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng.
Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh. Đồng thời, tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh, nhờ lợi thế sẵn có của Hiệp định UKVFTA.
Theo các chuyên gia, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đang lên cao tại Anh nhờ thành quả đổi mới của Việt Nam và quan hệ ngoại giao.
Mặt khác, một số doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm và đồ nội thất Việt Nam đã tích cực tham gia các hội chợ tại London, Birmingham và Belfast nhờ sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Anh từ năm 2021 đến nay rất kỳ vọng sẽ có thêm bạn hàng mới và từng bước mở rộng thị phần tại thị trường này.
Trong năm 2024, sau khi Anh chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một số sản phẩm có tiềm năng lớn của Việt Nam như: gạo thơm, cá ngừ và mật ong sẽ gia tăng thị phần tại Anh nhờ được cấp thêm nhiều hạn ngạch miễn thuế.
Việt Nam cũng có khả năng được các doanh nghiệp lớn của Anh lựa chọn là một trong những mắt xích quan trọng khi tái bố trí cơ sở sản xuất và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu trước những biến động của quan hệ quốc tế nhất là quan hệ giữa các nước lớn.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần định vị đây là một trong những thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển.
Bởi vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu tiêu chuẩn và luật pháp Anh liên quan đến phát triển sản phẩm; nắm bắt những xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại và tiêu dùng tại Anh.
Đơn cử như phi carbon hóa, phát triển năng lượng sạch; tài chính xanh, phát triển công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, sản xuất ô tô điện, thương mại điện tử kết hợp với thanh toán điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Anh để được tư vấn tiếp cận thị trường và hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên trang web https://vietnamtradeoffice.co.uk.
Mặt khác, doanh nghiệp tăng cường tham gia Chương trình thương hiệu quốc gia và Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn Anh và duy trì sự ổn định chất lượng đã đạt chuẩn.
Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng sử dụng các phương tiện, công cụ marketing hiện đại để tăng cường quảng bá dịch vụ sản phẩm cũng như tham gia hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành tại Anh nhằm thúc đẩy thương mại song phương phát triển./.