Viet Nam-Malaysia: Hai nen kinh te tuong dong va bo sung cho nhau hinh anh 1Ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur. (Ảnh: An Nguyễn/TTXVN)

Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn trong xúc tiến thương mại giữa Malaysia và Việt Nam, Tham tán Thương mại Lê Phú Cường cho rằng nền kinh tế có quy mô tương đồng và mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kualar Lumpur nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Malaysia, Tham tán Lê Phú Cường cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế về lao động và tiềm năng phát triển, trong khi Malaysa có lợi thế về vốn và mức độ hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Theo Tham tán Thương mại Lê Phú Cường, Malaysia là nước có diện tích lãnh thổ tương đương với Việt Nam, nền kinh tế cũng có quy mô tương đồng với Việt Nam, nhất là xét về giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm. Tuy nhiên, do dân số chỉ bằng 1/3 của Việt Nam nên GDP tính theo đầu người nước bạn gấp khoảng 3 lần Việt Nam.

Về cơ cấu nền kinh tế, Malaysia đã đi trước Việt Nam một thời gian trong thu hút đầu tư nước ngoài phát triển nhiều ngành công nghiệp, trong đó phải kể đến những ngành công nghiệp quan trong hiện đóng góp lớn cho phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu của nước bạn, như công nghiệp điện tử, khai thác dầu khí và chế biến các sản phẩm hóa dầu. Ngoài ra, Malaysia cũng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp như cọ, cao su... Tuy nhiên, những lĩnh vực này không thu hút được nhân công trong nước khiến Malaysia phải phụ thuộc vào lực lượng lao động nước ngoài.

Việt Nam dù đi muộn hơn trong phát triển ngành công nghiệp điện tử nhưng lại đang có lợi thế về khả năng tiếp cận các công nghệ mới. Mặt khác, trong việc phát triển các cây công nghiệp, Việt Nam có nhiều sản phẩm đa dạng hơn do có lợi thế về nguồn lao động dồi dào. Có thể nói, tiềm năng phát triển các ngành kinh tế của Việt Nam còn chưa được khai thác hết.

Malaysia là nước có nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương và được hưởng lợi lớn từ các hiệp định này. Có thể thấy rõ điều này qua việc Malaysia xuất siêu liên tục trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa, nền kinh tế Malaysia đa dạng, có nhiều phân khúc thị trường khác biệt về văn hóa, tôn giáo nhưng cùng tồn tại và bổ sung cho nhau. Các đại siêu thị tại đây luôn có một khu vực riêng biệt dành cho các sản phẩm hàng hóa không dành cho người Hồi giáo (non-Halal).

Theo ông Lê Phú Cường, quy mô thị trường Malaysia không quá lớn nhưng đa dạng. Đặc tính của người tiêu dùng nhìn chung là tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên yêu cầu về Halal là sự khác biệt lớn nhất cần lưu ý.

Từ những đặc điểm trên, có thể thấy giao thương giữa hai nước có một số thuận lợi sau. Thứ nhất, thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt Nam. Thứ hai, có độ mở thị trường lớn và mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thứ ba, có xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa về nhiều loại thực phẩm thiết yếu như gạo, hhủy hải sản nhưng chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong nước mạnh.

Về mặt khó khăn, thách thức, trước hết là sự cạnh tranh khốc liệt với các nước xuất khẩu khác, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Thứ hai, các mặt hàng thực phẩm đều yêu cầu có chứng chỉ Halal, và việc đạt tiêu chuẩn này sẽ làm doanh nghiệp sản xuất tăng thêm chi phí. Sự đa dạng về văn hóa cũng như tôn giáo khiến doanh nghiệp xuất khẩu cần phải quan tâm đến nhiều phân khúc thị trường khác nhau và đảm bảo sản phẩm đáp ứng những yêu cầu về văn hóa, tôn giáo của các phân khúc này.

[Việt Nam là một trong những đối tác gần gũi nhất của Malaysia]

Đề cập đến kế hoạch thúc đẩy quan hệ kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước, Tham tán Lê Phú Cường cho rằng, quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước đã có thời gian phát triển khá dài kể từ khi Việt Nam hội nhập ASEAN và trở thành địa điểm sản xuất cho nhiều nhà sản xuất, trong đó bao gồm cả các nhà đầu tư từ Malaysia.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, đầu tư từ Malaysia vào Việt Nam có dấu hiệu chững lại, cụ thể chỉ tăng thêm 300 triệu USD từ mức 12,6 tỷ USD trong năm 2019 lên mức 12,9 tỷ USD năm 2022 và đã tụt xuống thứ 10 trong các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam từ vị trí thứ 8 trong năm 2019.

Trong khi đó, Malaysia luôn duy trì mức xuất siêu lớn sang Việt Nam trong nhiều năm qua, gây khó khăn cho việc cân bằng cán cân vãng lai giữa Việt Nam và Malaysia. Dù mức độ nhập siêu từ Malaysia lớn nhưng nếu nhìn chi tiết vào các mặt hàng nhập khẩu từ Malaysia về Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn là những mặt hàng nhiên liệu (xăng dầu), nguyên liệu hay máy móc thiết bị cho các ngành sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, như vật tư, bán thành phẩm trong các ngành điện tử...

Tham tán Lê Phú Cường cho rằng, đầu tiên, hai nước cần tăng cường các chuyến thăm cấp cao và thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư, đây cũng là nhu cầu của các doanh nghiệp của hai nước.

Về thương mại, thị trường hai nước nhìn chung đã mở cho các doanh nghiệp hai bên, ngoại trừ một số rào cản nhỏ như các biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp kỹ thuật của Malaysia.

Theo ông Lê Phú Cường, lĩnh vực cần tập trung hiện nay là xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, cần thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại tại Malaysia để tìm kiến cơ hội và các đối tác phân phối, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm...

Viet Nam-Malaysia: Hai nen kinh te tuong dong va bo sung cho nhau hinh anh 2(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3/2022, cựu Thủ tướng Ismail Sabri Yakoob đã đề cập đến triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực Halal. Tham tán Lê Phú Cường cho rằng nên hiểu đây là việc thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng đạt chuẩn Halal, tức là các sản phẩm thực phẩm phù hợp với người Hồi giáo, không sử dụng các thành phần và quy trình sản xuất có sử dụng các yếu tố bị cấm kỵ với người Hồi giáo.

Malaysia hiện mong muốn thúc đẩy việc phổ cập tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia và hợp tác để xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo khác.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam vẫn coi đây là một rào cản vì làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp sẽ chú trọng vào các thị trường không đặt ra các yêu cầu này.

Theo ông Lê Phú Cường, tại Việt Nam đã có một số cơ sở xác minh và cấp chứng chỉ Halal cho các doanh nghiệp và sản phẩm. Theo số liệu của một trong số các cơ sở này, Việt Nam hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ với 3.000 sản phẩm. Bộ Công Thương cũng đã hợp tác và tạo điều kiện cho các trung tâm tham gia nhiều buổi hội thảo phổ biến thông tin về yêu cầu Halal đối với các sản phẩm xuất khẩu sang các nước Hồi giáo.

Tham tán Lê Phú Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẽ phối hợp với các cơ quan trong nước tổ chức thêm nhiều hoạt động để thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước đến thị trường Malaysia, thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm tuân thủ tiêu chuẩn Halal để tăng khách hàng tại địa bàn này và tạo thuận lợi khi thâm nhập các thị trường lớn hơn như Indonesia, các nước vùng khu vực Trung Đông, Bắc Phi...

Trả lời câu hỏi về vai trò của cộng đồng người Việt trong việc thúc đẩy kinh tế giữa hai nước, Tham tán Lê Phú Cường đánh giá cộng đồng người Việt ở Malaysia khá đông, tham gia nhiệt tình vào hoạt động kinh tế của Malaysia cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế Malaysia, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ ngoại giao nhân dân và giao thương kinh tế-thương mai-đầu tư giữa hai nước.

Tuy nhiên, hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng doanh nghiệp, đóng góp vào GDP, đóng góp về thuế của các doanh nghiệp người Việt Nam tại đây vào nên kinh tế nước sở tại.

Ngoài một số ít các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư sang Malaysia (khoảng 20 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư 1,1 tỷ USD), phần đông người Việt Nam hoạt động kinh doanh tại Malaysia là các tiểu thương. Các doanh nghiệp của người Việt Nam ở đây là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động mang tính độc lập, ít có sự liên kết hỗ trợ.

Đáng chú ý là có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và nhà hàng phục vụ các món ăn Việt Nam, qua đó góp phần tích cực vào quảng bá văn hóa ẩm thực của Việt Nam tại đây.

Tham tán Lê Phú Cường khẳng định các doanh nghiệp và doanh nhân người Việt tại Malaysia chính là những cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường sở tại. Cộng đồng đông đảo người Việt ở Malaysia đã tạo ra một thị trường đáng kể cho hàng hóa của Việt Nam và góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tại đây.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp hướng tới thị trường 30 triệu dân của Malaysia với hơn 60% dân số theo đạo Hồi, trong đó có cộng đồng người Hoa và người Ấn Độ chiếm tới gần 1/3 dân số, ông Lê Phú Cường cho rằng các doanh nghiệp nên trực tiếp thâm nhập thị trường, tổ chức hệ thống phân phối, bán hàng hoặc hợp tác với các doanh nghiệp sở tại./.

Hằng Linh (TTXVN/Vietnam+)