Viet Nam-Duc ho tro va ung ho nhau chat che tren cac dien dan quoc te hinh anh 1Đại sứ Vũ Quang Minh (thứ hai, phải sang) trao đổi với đoàn thực tập sinh Bộ Ngoại giao Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Ngày 11/4, Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn thực tập sinh Bộ Ngoại giao Đức đến tìm hiểu và trao đổi về chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên, các thực tập sinh đến từ nhiều trường đại học của Đức tham gia buổi nói chuyện thực tế tại Đại sứ quán Việt Nam về quan hệ song phương Việt Nam-Đức cũng như một số vấn đề thời sự quốc tế liên quan đến các ngành học của các thực tập sinh.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại buổi trao đổi, các thực tập sinh đã được xem clip giới thiệu về thành tựu đối ngoại cũng như một số dấu mốc ngoại giao của Việt Nam trong năm 2022, quan hệ Việt Nam và Đức, cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và phức tạp hơn so với dự báo.

Chia sẻ với đoàn thực tập sinh, Đại sứ Vũ Quang Minh đã giới thiệu về đường lối đối ngoại của Việt Nam, quan điểm của Việt Nam đối với một số vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao trong quá trình phát triển đất nước, đặc biệt góp phần đắc lực cho quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

[Đức sẵn sàng là đối tác tin cậy hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng]

Điểm lại thành tựu nổi bật của ngoại giao kinh tế năm 2022, Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết bắt kịp xu hướng thế giới mở cửa trở lại, ngoại giao Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại trực tiếp cả song phương và đa phương, đưa quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất, thể hiện chủ trương cần bằng, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.

Không chỉ thể hiện sự chủ động, nhạy bén, ngành ngoại giao Việt Nam còn nhanh chóng chuyển trọng tâm từ "ngoại giao vaccine" sang "ngoại giao kinh tế" phục vụ phục hồi và phát triển.

Trên tinh thần chỉ thị 15 của Ban Bí thư, bám sát trọng tâm điều hành của chính phủ, ngành ngoại giao đã tham mưu thời điểm mở cửa trở lại, giúp kịp thời đón dòng đầu tư đang dịch chuyển, hồi sinh về du lịch, khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dẫn đầu khu vực.

Trả lời những câu hỏi và thắc mắc của các thực tập sinh liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022, Đại sứ Vũ Quang Minh nêu rõ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy triển khai các thỏa thuận thương mại tự do; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vưc (RCEP); Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP), vận động Liên minh châu Âu (EU) gỡ thẻ vàng; triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), khẳng định hướng đi, thị trường mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đã giúp hàng hóa Việt Nam có mặt ở nhiều nơi hơn, đưa xuất nhập khẩu cao kỷ lục, trên 730 tỷ USD.

Viet Nam-Duc ho tro va ung ho nhau chat che tren cac dien dan quoc te hinh anh 2Trong ảnh: Đại sứ Vũ Quang Minh (thứ tư, phải sang) cùng các cán bộ Đại sứ quán trao đổi với đoàn thực tập sinh Bộ Ngoại giao Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, trong khi Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á.

Sau hơn 10 năm triển khai Đối tác chiến lược, thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp đôi.

Tính đến hết tháng 11/2022, tổng kim ngạch thương mại hai nước đã đạt trên 10,6 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ 2021 (theo thống kê của Đức thì con số này còn cao hơn, đạt 12,16 tỷ USD).

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam và Đức cũng hỗ trợ và ủng hộ nhau chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế.

Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, là những thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trên cơ sở đối tác tin cậy, hai nước chia sẻ nhiều giá trị chung cốt lõi, những mối quan tâm và lợi ích chiến lược song trùng ở khu vực và thế giới, vì hợp tác, ổn định, hòa bình và phát triển trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Ngoài việc giới thiệu về đường lối đối ngoại của Việt Nam, quan điểm của Việt Nam đối với một số vấn đề quốc tế và khu vực, Đại sứ Vũ Quang Minh cũng chia sẻ chân tình những trải nghiệm, kinh nghiệm làm việc trong ngành ngoại giao trong suốt 30 năm qua.

Trước đó, nhằm triển khai kế hoạch hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đức, ngày 3/4 tại Berlin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cùng Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam-Đức lần thứ bảy nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác hai nước và các vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Tại cuộc họp, hai bên vui mừng nhận thấy sau hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam-Đức đang phát triển hiệu quả và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và lợi ích của hai quốc gia.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, quốc gia có vai trò chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU), đồng thời bày tỏ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Đức đã hỗ trợ trên 10 triệu liều vaccine và nhiều thiết bị y tế quan trọng, góp phần vào thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Quốc Vụ khanh Michaelis đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam thời gian qua và nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác song phương; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai nước có thế mạnh và nhu cầu gồm thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân./.

Mạnh Hùng-Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)