Viet Nam-Bi: Tan dung co hoi de phat huy tiem nang hop tac hinh anh 1Đại sứ Nguyễn Văn Thảo trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tán xã Việt Nam. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ, phóng viên TTXVN tại Brussels đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm Đại Công quốc Luxembourg, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), Nguyễn Văn Thảo về thành tựu quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ, cũng như tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

- Đại sứ đánh giá thế nào về thành tựu quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ trong 50 năm qua? Đâu là những thế mạnh cần phát huy?

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Bỉ tuy là một quốc gia nhỏ, dân số chỉ hơn 10 triệu người, nhưng tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ rất lớn. Trong 50 năm qua, chúng ta đã tận dụng quan hệ hữu nghị Việt Nam và Bỉ để đẩy mạnh hợp tác trên một số thế mạnh, chẳng hạn như vấn đề về nông nghiệp, công nghệ cao và chúng ta đã thu được những kết quả hết sức tích cực. Bỉ - với vai trò là trung tâm châu Âu, cũng đã hỗ trợ tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu như một cửa ngõ vào EU.

Về quan hệ giữa hai nước, có thể nói trong 50 năm qua đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp, từ chính trị, ngoại giao cho đến quan hệ về kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân. Nhìn lại 50 năm qua, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ.

Tuy nhiên, tiềm năng để có thể thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ còn rất lớn trên rất nhiều lĩnh vực, cụ thể sau đây: Thứ nhất là về quan hệ chính trị và đối ngoại, Việt Nam và Bỉ có quan hệ lâu đời.

Việt Nam và Bỉ cùng là thành viên của Francophonie - tổ chức các nước nói tiếng Pháp và chúng ta có những điểm tương đồng về văn hóa. Do vậy, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước có nhiều thuận lợi. Chúng ta cũng thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao giữa Việt Nam và Bỉ.

Gần đây nhất là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có chuyến thăm hết sức thành công tại Bỉ và EU. Trong năm nay, có nhiều đoàn của Bỉ, từ cấp cao cho đến các vùng có kế hoạch sẽ sang thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên. Giữa Việt Nam và Bỉ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về nông nghiệp từ năm 2018.

Hợp tác trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Bỉ cũng đạt được nhiều thành tựu. Do vướng đại dịch COVID-19 nên kết quả chưa thực sự được như hai bên mong muốn.

Về mặt kinh tế, xuất nhập khẩu giữa Bỉ và Việt Nam đã có mức tăng trưởng đột biến. Sau khi chúng ta có Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Bỉ đã đạt trên 6 tỷ euro, đạt mức tăng trưởng 60 % so với mức 3,9 tỷ euro năm 2021. Đây là sự khẳng định tiềm năng, thế mạnh của chúng ta với Bỉ.

Trong hợp tác về thương mại và đầu tư, Việt Nam cũng thấy Bỉ có tiềm năng rất mạnh về đầu tư. Ví dụ về nông nghiệp. Hợp tác về nông nghiệp không chỉ dừng lại ở chuyện Bỉ nhập những mặt hàng nông nghiệp của chúng ta hay chúng ta nhập những mặt hàng nông nghiệp của Bỉ. Bỉ là 1 trong 2 nước ở châu Âu rất có thế mạnh về nông nghiệp.

Nhưng quan trọng hơn để hướng tới hợp tác nông nghiệp với Bỉ là hợp tác theo cả một chuỗi giá trị, từ cây trồng, con giống, thức ăn chăn nuôi cho đến phát triển, đóng gói. Chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác chặt chẽ với Bỉ để thúc đẩy quan hệ đúng như chủ trương của Việt Nam là xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải chỉ là một lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai là với vị trí là trung tâm châu Âu, Bỉ có thế mạnh về thu hút được tất cả những công nghệ cao của châu Âu, trong đó có vấn đề về sản xuất chip bán dẫn. Hiện nay với tình hình cung ứng về chip trên toàn cầu khan hiếm, có thể nói đây là kinh nghiệm, chính sách lựa chọn hết sức đúng đắn của Bỉ. Họ đã đầu tư từ cách đây hàng chục năm để thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển chip bán dẫn. Rất mừng là họ cũng đánh giá Việt Nam là đối tác tiềm năng của khu vực. Chính vì vậy, trong chuyến thăm của Thủ tướng vừa qua, Bỉ cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam để nghiên cứu và phát triển sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. Điều này sẽ là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ trong thời gian tới.

[Bỉ sẵn sàng hỗ trợ nâng tầm cacao Việt Nam trên thị trường quốc tế]

Bên cạnh đó, những vấn đề như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, Bỉ cũng là một quốc gia có thế mạnh về kinh tế tuần hoàn dựa trên thế mạnh từ phát triển nông nghiệp. Hiện nay, chúng ta và Bỉ đang hợp tác để phát triển điện sinh khối, cụ thể chúng ta có thể sản xuất than hoạt tính. Chúng ta phát triển than hoạt tính từ gáo dừa và các phế phẩm, phụ phẩm của nông nghiệp, điều này vừa giúp giữ được môi trường, tăng thêm giá trị gia tăng và thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.

Về mặt văn hóa, cả hai nước đều có nền văn hóa đậm đà, bản sắc của lịch sử lâu đời và có những điểm tương đồng, nhất là chúng ta và Bỉ đều thừa hưởng nền văn hóa Pháp. Vì thế nên khi thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Bỉ, chúng tôi thấy đã đạt được sự quan tâm thu hút của cả phía Bỉ lẫn phía Việt Nam và đây cũng là lý giải tại sao đã có một số địa phương của Bỉ kết nghĩa với Việt Nam. Ví dụ như thành phố Namur đã kết nghĩa với thành phố Huế và hằng năm đều có trao đổi, giao lưu các đoàn về văn hóa nghệ thuật, về bảo tồn di sản.

Viet Nam-Bi: Tan dung co hoi de phat huy tiem nang hop tac hinh anh 2Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Vương quốc Bỉ Alexander De Croo hội đàm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tháng 4 tới đây, Thị trưởng Namur sẽ dẫn một đoàn bao gồm cả đoàn nghệ thuật cà khoeo tham dự Festival Huế và trong kế hoạch, chúng ta năm nay cũng sẽ tổ chức Ngày Việt Nam tại Bỉ để giới thiệu đến các bạn của Bỉ những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Chúng tôi tin rằng thúc đẩy giao lưu văn hóa sẽ giúp nhân dân hai nước hiểu biết về nhau hơn và đó sẽ là nền tảng để thúc đẩy tất cả những hợp tác khác.

Vấn đề về đào tạo, Bỉ cũng là nước đã thâm nhập vào thị trường của Việt Nam từ rất sớm thông qua chương trình cao học Việt-Bỉ. Tuy nhiên, từ đó đến nay do thiếu thông tin, chưa có những hoạt động xúc tiến về phát triển thị trường nên mức độ hợp tác về giáo dục giữa ta và Bỉ còn hạn chế. Chúng tôi thấy rằng hệ thống đào tạo giáo dục của Bỉ có chất lượng tương đối tốt, học phí và chi phí sinh hoạt của Bỉ thấp hơn rất nhiều so với một số nước mà hiện nay chúng ta đang gửi rất nhiều con em đi học.

Do vậy, nếu hợp tác Việt-Bỉ trong vấn đề giáo dục đào tạo, chúng ta sẽ tạo được nhiều cơ hội cho các cháu học sinh có nhiều lựa chọn, với mức chi phí phù hợp và chất lượng tốt. Hợp tác về đào tạo không chỉ thúc đẩy để tăng số lượng sinh viên sang Bỉ học mà chúng tôi nghĩ rằng là một mảng hết sức quan trọng.

Các trường đại học hàng đầu của Bỉ là những trung tâm nghiên cứu và những nghiên cứu đó sẽ được ứng dụng vào trong đời sống thực tế để phát triển, phục vụ phát triển kinh tế. Điểm này chúng tôi thấy rằng các trường đại học của Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa và hợp tác với những thị trường của Bỉ không chỉ để tăng số lượng sinh viên mà vấn đề về hợp tác nghiên cứu sẽ là thế mạnh để chúng ta có thể thúc đẩy.

- Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế, tại các diễn đàn đa phương?

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Chúng ta phải khẳng định với đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế, thời gian vừa qua chúng ta đã hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế và chúng ta cũng đạt tới những tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế trên nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực. Chính bởi vậy nên hiện nay, vị trí của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế nói chung cũng như trong Bỉ nói riêng đã có vị thế nhất định.

Phía Bỉ cũng rất tôn trọng và thường xuyên tham vấn. Bỉ là trung tâm của EU và Việt Nam cũng là một trong những cửa ngõ của ASEAN, mỗi khi chúng ta chia sẻ quan điểm luôn được phía bạn đánh giá rất cao. Điều này cho thấy đã đạt được độ tiếp cận về mặt nhận định, đánh giá cũng như quan điểm phát triển giữa hai nước.

Thứ hai, giữa Bỉ và Việt Nam có thuận lợi khá tương đồng về văn hóa. Vì thế, việc chia sẻ, đánh giá, nhìn nhận nhiều vấn đề khá phù hợp.

Một điểm cũng rất quan trọng trong hợp tác giữa chúng ta và Bỉ, đó là hợp tác trong các tổ chức đa phương. Việt Nam và Bỉ luôn ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế, và có điểm rất trùng hợp là cả Việt Nam và Bỉ đều trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024. Điều này khẳng định đất nước chúng ta cũng đạt được tiêu chuẩn về phát triển nhân quyền giống như một đất nước trung tâm của châu Âu. Tôi tin rằng phối hợp giữa hai nước Việt Nam và Bỉ trong hoạt động của Hội đồng Nhân quyền sẽ có đóng góp vào phát triển cho công tác nhân quyền trên toàn thế giới, cũng như cho quan hệ giữa hai nước.

- Trong năm nay, hai bên đã phối hợp với nhau như thế nào để tổ chức kỷ niệm sự kiện này tại hai nước?

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Có thể nói 50 năm quan hệ là dấu mốc quan trọng và để kỷ niệm 50 năm quan hệ, chúng ta tổng kết lại những thành tựu trong quá khứ. Nhưng quan trọng hơn, đó là chúng ta cần phải nhìn về tương lai và phải vạch ra được những chương trình hợp tác để đúng nghĩa là chúng ta sẽ đưa quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới. Phía Bỉ cũng như cơ quan trong nước cũng đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ để cùng trao đổi, làm thế nào để tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả và có ý nghĩa.

Theo đề án đã được phê duyệt, có khá nhiều các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Bỉ bằng nhiều hình thức. Điều này khẳng định không phải chỉ có hợp tác về mặt chính trị, ngoại giao mà quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ đã đi đến cấp cơ sở, đã đến từng người dân.

Chúng tôi cũng rất tự hào khi có sự hưởng ứng mạnh mẽ của phía các cơ quan, bộ, ngành, các địa phương ở trong nước. Chúng tôi được biết là có khoảng 50 các hoạt động sẽ được triển khai ở Việt Nam để kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam và Bỉ.

Hoạt động đầu tiên kỷ niệm 50 năm chính là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi tháng 12/2022 và được phía Bỉ đón tiếp rất trọng thị.

Viet Nam-Bi: Tan dung co hoi de phat huy tiem nang hop tac hinh anh 3(Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Về phía Bỉ, không chỉ cấp chính quyền liên bang mà dự kiến sẽ có một số cấp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, mà còn cấp vùng sẽ tới thăm Việt Nam trong năm nay. Thủ hiến của các vùng cũng đã trao đổi với chúng tôi để lên kế hoạch cụ thể với chương trình tổng thể cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đi cũng với họ là những đoàn doanh nghiệp. Chúng tôi thấy rằng đây là những cơ hội rất tốt, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt tổ chức Ngày Việt Nam tại Bỉ.

Trong dự kiến chương trình, bên cạnh các hoạt động về thúc đẩy văn hóa, thương mại, đầu tư, du lịch, chúng ta sẽ có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Bỉ. Ví dụ như chúng ta có những nét văn hóa hết sức đặc trưng như nhã nhạc cung đình, một số văn hóa truyền thống về âm nhạc, về về thời trang… phía Bỉ cũng có những đặc sắc văn hóa, ví dụ như nghệ thuật cà kheo, truyện tranh. Chúng tôi cũng dự định sẽ tổ chức lễ hội về ẩm thực Việt Nam và Bỉ.

Khi chúng tôi chia sẻ với các bạn Bỉ về phối hợp tổ chức lễ hội ẩm thực, phía bạn hết sức hào hứng. Để thúc đẩy mảng giáo dục, chúng tôi cũng dự kiến trao đổi với phía bạn để có thể trong năm nay hoặc năm tới sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn hợp tác về giáo dục giữa hai nước.

- Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới?

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Có thể nó hai Chính phủ đã tạo được khuôn khổ hợp tác rất tốt. Chúng ta có EVFTA, chúng ta đang chuẩn bị để phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Chúng ta có 8 cơ chế hợp tác với EU, trong đó Bỉ là thành viên của EU nên chúng ta được thừa hưởng tất cả những nền tảng về môi trường, khuôn khổ pháp lý trong hợp tác. Đối với Bỉ, chúng ta cũng có những chương trình đã trao đổi.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chúng ta đã trao đổi với bạn 8 nội dung hợp tác rất rộng và đầy đủ. Vấn đề còn lại là chúng ta cần phải biết tận dụng để thúc đẩy quan hệ, tránh mất cơ hội. Chúng tôi thấy rằng về phía Việt Nam, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Để hợp tác, thúc đẩy về nông nghiệp, chúng ta cũng cần hết sức rành mạch về  nhu cầu trong các lĩnh vực gì từ phía Bỉ, ví dụ về cây trồng, con giống, hay là về kinh nghiệm phát triển nông nghiệp. Ngược lại, chúng ta có thể chia sẻ, trao đổi với phía bạn những vấn đề về chế biến, công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ bảo quản, lưu giữ, bảo quản sau thu hoạch. Vấn đề về xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường...

Chuẩn bị kế hoạch rất kỹ lưỡng và có đầu tư phù hợp, chúng ta mới có thể tận dụng được cơ hội này, chứ không phải là cứ nói là có tiềm năng là chúng ta có thể biến thành cơ hội. Hoặc nói về vấn đề công nghệ cao hiện đại, phía Bỉ đã rất sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong phát triển công nghệ cao. Chúng ta cần chuẩn bị về môi trường, chính sách, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…Sự chuẩn bị của chúng ta phải đảm bảo thế cạnh tranh ưu đãi để đảm bảo là các bên cùng có lợi.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)