Ngày 27/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp với Đại học London South Bank (LSBU) tổ chức triển lãm ảnh 50 năm quan hệ Việt Nam-Anh và hội thảo “Quan hệ Việt Nam-Anh: Quá khứ, hiện tại và tương lai của quan hệ kinh tế quốc tế,” thu hút sự tham gia của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Anh và Việt Nam, học giả và sinh viên Việt Nam và quốc tế tại LSBU.
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, là sự kiện cuối trong khuôn khổ chương trình Những ngày Việt Nam tại Anh từ 28/3 đến 27/4 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Anh, hội thảo, dưới sự điều phối của Giáo sư Nicola Hayes, Phó giám đốc Trường quản trị kinh doanh LSBU, có sự tham dự của các diễn giả: Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long, cựu Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward, ông Ken Wells, Giám đốc quan hệ đối tác, Hội đồng Kinh doanh Anh-ASEAN (UKABC), và ông Matt Jackson, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tập đoàn KPMG LLP (Anh).
Tại hội thảo, các diễn giả đã phân tích về quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á; vai trò của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Anh trong việc thúc đẩy tài chính, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam; và các cơ hội và lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước trong hiện tại và tương lai.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Giáo sư Patrick Callagan, Phó hiệu trưởng LSBU, cho biết hội thảo là cơ hội để các sinh viên nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm về Việt Nam và mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Anh, đồng thời tìm ra định hướng phát triển sự nghiệp tương lai trong môi trường kinh doanh quốc tế.
[Giới thiệu cơ hội thương mại và đầu tư ở Việt Nam tới doanh nghiệp Anh]
Giáo sư Callagan cho rằng hội thảo là cơ hội để LSBU tăng cường quan hệ với Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một đối tác ưu tiên của LSBU trong các lĩnh vực giáo dục xuyên quốc gia, trao đổi sinh viên, nghiên cứu, chuyển giao tri thức.
Giáo sư lưu ý việc tổ chức hội thảo để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Anh là một phần trong chương trình sáng kiến hợp tác Việt Nam-Anh của LSBU và cũng là một trong nhiều hoạt động hỗ trợ Hội sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng như cộng đồng sinh viên Việt Nam tại LSBU.
Tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hoàng Long đã giới thiệu tổng quan về kinh tế Việt Nam, những thành tựu kinh tế và triển vọng tăng trưởng của đất nước cũng như những tiềm năng của kinh tế Anh; lịch sử mối quan hệ Việt Nam-Anh, những thành tựu và tiềm năng hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh là nền kinh tế trẻ, năng động, phát triển nhanh, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 8% trong năm 2022, một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Việt Nam cũng là nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á và là nền kinh tế mở với 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết. Năm 2022, Việt Nam đạt tổng giá trị thương mại gần 750 tỷ USD, cao gần gấp đôi GDP.
Đại sứ chỉ ra rằng thành công của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ chính sách đổi mới đất nước vào năm 1986, đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nhà xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Cải cách kinh tế cũng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài và giúp đất nước hòa nhập với nền kinh tế thế giới.
Đánh giá về quan hệ Việt Nam-Anh, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho rằng quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973.
Sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2010, thương mại hai chiều tăng hơn 3 lần, đạt hơn 6,84 tỷ USD vào năm 2022 bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những bất ổn kinh tế trên toàn cầu.
Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam trên thế giới, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Anh ở Đông Nam Á.
Về tiềm năng hợp tác song phương, Đại sứ nhận định, ngoài lĩnh vực thương mại, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục-đào tạo là những lĩnh vực có tiềm năng lớn.
Đại sứ cho biết với GDP bình quân đầu người đạt 4.000 USD trong năm 2022 và dự kiến đạt 7.500 USD vào năm 2030, Việt Nam sẽ cần duy trì mức tăng trưởng GDP 6,5%-7%/năm, tạo cơ hội rất lớn cho cho các doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, quốc gia thu nhập trung bình có tầng lớp trung lưu tăng nhanh với nhu cầu cao về y tế, giáo dục, dịch vụ chất lượng cao.
Đại sứ nhận định việc Anh gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dự kiến sẽ trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2050, thương mại Việt Nam-Anh sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng, đặc biệt là thương mại dịch vụ, cho rằng đây sẽ là tương lai quan hệ thương mại giữa hai nước, đặc biệt đối với Anh, một trong những nhà cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hàng đầu thế giới.
Đại sứ cũng chỉ ra các lợi thế đối với các doanh nghiệp Anh đến kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam, quốc gia có phong cách, lối sống và quan hệ xã hội tương đồng nhất với châu Âu so với các quốc gia châu Á khác, và đặc biệt, Anh là một “thương hiệu” ưa chuộng tại Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng hợp tác song phương, ông Matt Jackson, cho rằng quá trình số hóa đang tăng tốc tại Việt Nam, kinh tế xanh và tầng lớp trung lưu mới nổi tại Việt Nam sẽ là 3 động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam, tạo ra vô số cơ hội hợp tác, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Anh hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng cao cấp.
Ông Ken Wells khẳng định Việt Nam hiện là một điểm đến kinh doanh được công nhận trên toàn cầu. Ông đồng tình rằng với cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Theo ông Ken Wells,l Việt Nam và Anh đặc biệt có tiềm năng hợp tác trong chuyển đổi xanh, chỉ ra rằng cơ hội hợp tác không chỉ giới hạn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà còn ở các lĩnh vực khác như sản suất, giáo dục… bởi để đạt mục tiêu trung hòa khí thải sẽ cần sự chuyển đổi của cả nền kinh tế, tạo ra vô số cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, ông Gareth Ward cho rằng y tế, du lịch và giáo dục là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng để khai thác. Ông Gareth Ward dẫn hoạt động của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam hơn 30 năm qua, với hợp tác trong đào tạo các nhà khoa học Việt Nam và trong ứng phó với đại dịch COVID-19, như là minh chứng về tiềm năng hợp tác y tế giữa hai nước. Theo ông Ward, các công ty y tế của Anh, dù lớn hay nhỏ, đều có thể tìm thấy cơ hội hợp tác ở Việt Nam.
Du lịch cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng khi Việt Nam được chọn là điểm đến của du khách châu Á và châu Âu, bao gồm cả Anh, vì vậy nhu cầu nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch tại Việt Nam là rất lớn, mở ra các cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Ông Ward cũng chỉ ra tiềm năng hợp tác giáo dục, một trong những lĩnh vực xương sống trong quá trình phát triển của Việt Nam và là một thế mạnh của Anh, cho rằng hợp tác trong lĩnh vực này không chỉ giới hạn trong việc du học sinh đến hai nước học tập, mà còn là các chương trình hợp tác giáo dục ở bậc đại học, thạc sĩ cũng như đào tạo các kỹ năng chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại hội thảo, các diễn giả đều đồng tình cho rằng chuyển đổi năng lượng, y tế, chuyển đổi số và giáo dục là những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn nhất giữa hai nước.
Việc các nước G7 đưa ra cam kết đầu tư, hỗ trợ Việt Nam hơn 15 tỷ USD theo thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), mở ra cơ hội hợp tác về chuyển đổi năng lượng cũng như cơ hội phát triển các dịch vụ tài chính, liên kết ngân hàng giữa hai nước trong lĩnh vực này.
Về y tế, thành công của các công ty y tế Anh tại Việt Nam như AstraZeneca và GSK cho thấy Việt Nam là điểm đến phù hợp để liên kết đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong bối cảnh y tế tư nhân của Việt Nam đang phát triển, các bệnh viện của Việt Nam rất cần chuyên môn y tế, tư vấn của các chuyên gia y tế Anh. Trong khi đó, Anh cũng có nhu cầu lớn về y tá, điều dưỡng, nhân viên chăm sóc xã hội mà Việt Nam có thể cung cấp.
Chuyển đổi số cũng là một một ví dụ về sự phát triển rất nhanh của Việt Nam, một thị trường thân thiện, độ cởi mở cao và có tính cạnh tranh, đóng vai trò chính trong việc gia công phần mềm cho các công ty công nghệ hàng đầu toàn cầu./.