Viet Nam thuc day tuong lai hoa binh o khu vuc An Do Duong hinh anh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 6. (Nguồn: Hà Nội Mới)

Từ ngày 12-13/5 tại Dhaka, Bangladesh đã diễn ra Hội nghị Ấn Độ Dương (IOC) lần thứ 6.

Hội nghị quy tụ nhiều lãnh đạo, quan chức cấp cao cũng như nhiều nhà nghiên cứu và học giả đến từ hơn 30 quốc gia trong và ngoài khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã tham dự các phiên họp và phát biểu tại phiên toàn thể của hội nghị.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ đánh giá về tình hình khu vực Ấn Độ Dương, châu Á-Thái Bình Dương, nhất là những thách thức lớn khu vực đang phải đối mặt do tác động của xung đột, tranh chấp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Thứ trưởng truyền tải thông điệp 3 điểm cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng và vững chắc của khu vực.

Theo đó, thứ nhất, các quốc gia cần xây dựng một cấu trúc khu vực mở, bao trùm, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Thứ hai, cần tăng cường hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và xây dựng lòng tin, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn.

[Australia mong muốn Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển đất nước]

Thứ ba, cần thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác, đặc biệt hợp tác biển cần phải được tăng cường thông qua các cơ chế song phương, đa phương và cách tiếp cận toàn diện.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, sự cần thiết của việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích biển chính đáng của mỗi nước phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời chia sẻ nỗ lực của ASEAN trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), thực chất, hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề xuất tăng cường hợp tác và kết nối giữa các nước Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đặc biệt là với các nước ASEAN, trong các lĩnh vực như thúc đẩy phát triển bền vững, cùng phối hợp để đưa kinh tế biển xanh trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, giải quyết các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ và cứu nạn…

Trong khuôn khổ tham dự hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã có các cuộc gặp song phương với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Sri Lanka Tharaka Balasuriya, Hạ nghị sỹ, đồng Bộ trưởng Ngoại giao Australia Tim Watts và Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Saurabh Kumar.

Tại cuộc gặp với Quốc vụ khanh Sri Lanka, hai bên đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, nhấn mạnh quan hệ hai nước có nền tảng vững chắc, tin cậy chính trị được vun đắp qua nhiều thế hệ.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chúc mừng Sri Lanka đang từng bước ổn định tình hình, là nền tảng quan trọng để Việt Nam và Sri Lanka tăng cường hơn nữa việc trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác, nhất là trong thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân trong thời gian tới.

Quốc vụ khanh Sri Lanka đánh giá cao thành tựu phát triển của Việt Nam, mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Sri Lanka, nhất là trong các lĩnh vực may mặc, điện tử; khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Hai bên nhất trí sớm tổ chức các cuộc họp tiếp theo của các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, tăng cường hợp tác về Phật giáo và du lịch tâm linh, nghiên cứu mở đường bay kết nối giữa hai nước cũng như nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư hai chiều trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt và Hạ nghị sĩ, đồng Bộ trưởng Ngoại giao Australia Tim Watts bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ song phương Việt Nam-Australia với việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao trong năm 2023 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đánh giá cao việc hai bên đang tích cực trao đổi, hướng tới nâng cấp quan hệ vào thời điểm phù hợp.

Đồng Bộ trưởng Ngoại giao Australia Tim Watts khẳng định hợp tác với Việt Nam luôn là ưu tiên của Australia trong cả khuôn khổ song phương và đa phương.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng đề nghị Australia phối hợp với Việt Nam chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm cấp cao sắp tới, tận dụng hiệu quả đà tăng trưởng của thương mại song phương, tạo thuận lợi cho hợp tác về nông nghiệp, lao động, du lịch… và mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực mới mà hai bên cùng có lợi ích như ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng...

Tại cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Saurabh Kumar, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chúc mừng Ấn Độ đã phối hợp với Bangladesh tổ chức thành công Hội nghị Ấn Độ Dương; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị hai bên thúc đẩy việc trao đổi đoàn cấp cao, mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân, an ninh-quốc phòng… và tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết.

Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cho biết Ấn Độ luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao đà phát triển quan hệ song phương thời gian vừa qua; cho biết Ấn Độ sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, dầu khí, quốc phòng và trên các diễn đàn quốc tế.

IOC là hội nghị thường niên được Quỹ Ấn Độ tổ chức từ năm 2016, là diễn đàn quy tụ các quan chức cấp cao, chuyên gia, học giả, nhà quản lý để trao đổi về các vấn đề an ninh và phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương.

Năm 2023, với chủ đề “Hòa bình, Thịnh vượng và Đối tác vì một tương lai tự cường” (Peace, Prosperity & Partnership for a Resilient Future), hội nghị đã thu hút hơn 300 đại biểu đại diện cho hơn 30 quốc gia trong và ngoài khu vực, bao gồm nhiều đối tác lớn như  Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia,… trong đó thành phần tham dự gồm nhiều nguyên thủ quốc gia và các quan chức cấp cao khác.

Qua 8 phiên họp (gồm 4 phiên họp chuyên đề và 4 phiên họp toàn thể), Hội nghị IOC lần 6 đã đem đến nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về các vấn đề chính trị, kinh tế, an ninh, môi trường, biến đổi khí hậu,… tạo tiền đề để các quốc gia trong và ngoài khu vực cùng trao đổi, thúc đẩy hợp tác, hướng tới xây dựng một môi trường hòa bình, phát triển và thịnh vượng.

Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại Australia vào năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)