Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023, ngày 4/2, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN (M-ATM) lần thứ 26 đã khai mạc tại Đặc khu hành chính Yogyakarta của Indonesia với sự tham dự của các Bộ trưởng Du lịch, lãnh đạo cơ quan du lịch quốc gia của các nước thành viên ASEAN (AMS), đại diện các đối tác và tổ chức quốc tế.
Hội nghị đã nghe báo cáo và cho ý kiến về kết quả Hội nghị các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN; xem xét chương trình nghị sự của M-ATM+3 (ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); M-ATM-Ấn Độ và M-ATM-Nga; các cuộc tham vấn với các tổ chức quốc tế.
Hội nghị cũng xem xét và thông qua Tuyên bố Chủ tịch và Biên bản cuộc họp M-ATM 26.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết năm 2022 đã chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch khu vực. Các nước lần lượt mở cửa và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại liên quan đến dịch COVID-19.
Kết quả là trong những tháng cuối năm 2022, lượng khách quốc tế đến khu vực đã tăng nhanh, thúc đẩy sự khôi phục các dịch vụ bổ trợ, góp phần tạo việc làm và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nói chung.
Trong giai đoạn bản lề vừa qua của ngành du lịch, cơ chế hợp tác du lịch ASEAN đã khẳng định được tầm quan trọng trong việc duy trì kết nối và sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN.
[Diễn đàn Du lịch ASEAN 2023 "tiếp lửa" cho du lịch khu vực]
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao vai trò điều phối tích cực của Ban Thư ký ASEAN, nước Chủ tịch Indonesia cũng như các cơ quan du lịch quốc gia đã nỗ lực triển khai các dự án, kế hoạch công tác và chương trình mục tiêu, góp phần đưa ngành du lịch vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt kết quả tốt, đáng ghi nhận.
Nhiều dự án đã được khởi động và hoàn thành, bao quát trên tất cả các lĩnh vực như xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, đảm bảo an ninh-an toàn, phát triển bền vững…
Năm vừa qua, bên cạnh các sáng kiến mới được triển khai hiệu quả nhằm chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành du lịch, các nước trong khu vực cũng đã bước đầu tổ chức các hoạt động trực tiếp thay vì chỉ trực tuyến như 2 năm trước, đồng thời tích cực mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài để thu hút nguồn lực hỗ trợ cho khu vực.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt kỳ vọng rằng trong năm 2023, các AMS sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án du lịch cũng như tạo điều kiện hơn nữa cho mục tiêu kết nối điểm đến chung ASEAN, đồng thời đề xuất các nước tiếp tục xem xét gỡ bỏ các yêu cầu liên quan đến dịch COVID-19 cho khách quốc tế nhập cảnh và tăng cường các hoạt động xúc tiến chung, không chỉ tại các thị trường trọng điểm mà cả nội khối.
Đánh giá cao dự án Chiến dịch Phục hồi Du lịch nội khối ASEAN, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết nhiều chuyên gia và tổ chức đã nhận định các thị trường gần sẽ dễ dàng khôi phục hơn và có thể trở thành đòn bẩy để tiếp tục thu hút khách từ các thị trường xa trở lại.
Là một trong những quốc gia đầu tiên gỡ bỏ tất cả các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến dịch COVID-19 từ tháng 5/2022, Việt Nam đã tích cực xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt hướng tới thị trường ASEAN.
Năm 2022, Việt Nam đã đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó có 920.000 lượt khách từ ASEAN, bằng khoảng 45% so với trước đại dịch.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt hy vọng Việt Nam sẽ sớm được đón tiếp các đoàn ASEAN tham dự các sự kiện du lịch lớn tại Việt Nam trong năm nay, như Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM tại Hà Nội, ITE-HCMC tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như chuỗi sự kiện của Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại tỉnh Bình Thuận với chủ đề “Hội tụ xanh,” Festival Huế 2023./.