Viet Nam la thi truong cung cap cao su lon thu 4 cho Han Quoc hinh anh 1Chế biến cao su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cao su Phú Riềng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 4,69 nghìn tấn, trị giá 7,32 triệu USD, giảm 42,9% về lượng và giảm 52,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Thị phần cao su Việt Nam chiếm 5,51% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, giảm so với mức 9,77% của 2 tháng đầu năm 2022.

Đáng lưu ý, tại thị trường Hàn Quốc, thị phần cao su của Việt Nam bị thu hẹp, trong khi thị phần cao su của Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Singapore… lại có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thị trường Hàn Quốc, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan và Indonesia. Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường của Hàn Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

[Doanh nghiệp cao su Việt Nam tại Lào chú trọng công tác an sinh xã hội]

Những điểm mới trong chính sách thương mại tại thị trường Hàn Quốc khiến phương thức xúc tiến thương mại của Việt Nam cần có sự thay đổi, bắt nhịp cho phù hợp. 

 

Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 5,08 nghìn tấn, trị giá 8,02 triệu USD, giảm 16,5% về lượng và giảm 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.576 USD/tấn, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc chủ yếu là cao su tự nhiên; trong đó, chủng loại SVR CV60 được xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhất, chiếm 39,35% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023.

Đứng thứ 2 là chủng loại SVR 10 chiếm 29,83% và SVR 3L chiếm 22,01% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023.

Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023 phần lớn đều giảm so với cùng kỳ năm 2022; trong đó giảm mạnh nhất là SVR 10 giảm 19,4%; SVR CV60 giảm 19%; SVR 20 giảm 18,6%…

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 2 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu 85,23 nghìn tấn cao su (HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 162,88 triệu USD, tăng 1,3% về lượngnhưng giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; trong đó Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc.

Viet Nam la thi truong cung cap cao su lon thu 4 cho Han Quoc hinh anh 2Công nhân thu hoạch mủ cao su. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trừ Thái Lan và Việt Nam, nhập khẩu cao su của Hàn Quốc từ các thị trường này đều tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Hàn Quốc còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển bởi khoảng cách địa lý gần gũi, thị thiếu người tiêu dùng tương đồng, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu mang tính chất bổ sung cho nhau. 

Đặc biệt là sự tích cực của cả hai bên trong tham gia các hiệp định thương mại tự do và nhất là sự kết nối ngày càng chặt chẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương để triển khai các nhiệm vụ cụ thể như triển khai chương trình hành động thực hiện mục tiêu thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2023.

Mặt khác, hai bên sẽ thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng Việt Nam-Hàn Quốc cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc; tổ chức định kỳ Đối thoại giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam với doanh nghiệp Hàn Quốc.

Về phía Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng, Việt Nam cần có cơ chế mạnh mẽ hơn cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kết nối đầu tư, giao thương đặc biệt trong lĩnh vực ôtô, cơ khí, điện tử, dệt may.

Chuẩn bị nguồn lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, chế biến khoáng sản và phụ tùng trọng yếu của Hàn Quốc như các sản phẩm đất hiếm phục vụ cho ngành công nghiệp chip Hàn Quốc, ure lỏng, đồng, kẽm trong ngành sản xuất pin xe điện….

Đối với các sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc ngoài chất lượng còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết./.

(TTXVN/Vietnam+)