Trong hai năm gần đây, mỗi năm các bác sỹ tại Việt Nam ghép hơn 1.000 ca ghép tạng trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm. Thành tựu này thể hiện rõ những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu và kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại buổi Lễ phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô tạng do Bệnh viện Nông nghiệp tổ chức chiều 12/11 tại Hà Nội.
Theo Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, ngành y nước ta đã có hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tuỵ, giác mạc… và đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật cao, sánh ngang với các nước trong khu vực. Hiện nay, cả nước đã có 26 trung tâm ghép tạng với đầy đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất, nhân lực và kỹ thuật tiên tiến. Đáng lưu ý khi nguồn mô tạng hiến tặng tại Việt Nam chủ yếu từ người cho sống, chiếm 96%. Nguồn hiến từ người chết não còn rất hạn chế, chỉ chiếm 4%, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô tạng ngày càng tăng.
Theo số liệu thống kê của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, đã có khoảng 100.000 người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời, trong khi danh sách chờ ghép tạng luôn ở mức hàng chục nghìn người. Mỗi ngày có hàng chục người tử vong vì không có tạng ghép. Trong khi đó, hàng ngày ở trong nước có tới 300 người chết não và hơn 6000 mô, tạng bị lãng phí.
Tại buổi lễ, Bệnh viện Nông nghiệp tổ chức ra mắt Chi hội vận động hiến mô bộ phận cơ thể người của bệnh viện.
Tiến sỹ Tổng Lê Văn - Chi hội trưởng Chi hội vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Bệnh viện Nông nghiệp chia sẻ bệnh viện là nơi có nhiều nguồn hiến mô tạng, đó là những bệnh nhân chết não mà gia đình có nguyện vọng hiến cho ngành y tế. Lực lượng cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Nông nghiệp có 700 người và đã có 200 y bác sỹ đã đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời.
Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Nông nghiệp có 92 người, trong đó Ban Chấp hành gồm 25 người. Ngay sau lễ ra mắt, Chi hội đã phát động Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng, nhằm lan tỏa ý nghĩa cao cả và thúc đẩy việc đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người.
Sau khi thành lập được Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người của Bệnh viện sẽ tập trung đào tạo chuyên môn, chuẩn bị về cơ sở vật chất để tiến tới thực hiện được kỹ thuật ghép tạng trong 1 vài năm tới, đầu tiên sẽ là ghép thận...
Từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động “Đăng ký hiến tặng mô tạng cứu người - Cho đi là còn mãi,” đến nay, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với các tỉnh thành phố và các bệnh viện đã thành lập được 11 chi hội cơ sở. Số người đăng ký hiến tạng trong nhanh trong những tháng gần đây. nhờ có thêm nhiều chi hội hiến mô tạng được thành lập tại các bệnh viện./.