Việt Nam chung tay xây dựng lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu
06:15 - 18/09/2023
Chuyến tham dự và công tác tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới.
Từ ngày 17 đến 26/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Phiên Thảo luận chung Cấp cao Khóa 78 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Chuyến tham dự và công tác tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc vào ngày 20/9/1977. Việc chính thức gia nhập tổ chức toàn cầu lớn nhất này đã mở ra chương mới trong quan hệ của Việt Nam với thế giới.
Trong chặng đường 46 năm hợp tác với Liên hợp quốc, Việt Nam từ một nước cần sự hỗ trợ để tái thiết, đến nay đã trở thành đối tác ngày càng tích cực, chủ động, đóng góp thực chất vào các hoạt động của Liên hợp quốc.
Quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc trong 46 năm qua cũng đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong các nhiệm kỳ Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, như sáng kiến Ngày Quốc tế Phòng, Chống Dịch bệnh 27/12; thành lập Nhóm Bạn bè Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột; thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN.
Việt Nam cũng tích cực tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc; đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên hợp quốc về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và là quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu.
Được cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng, Việt Nam cũng đang giữ trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương lớn của Liên hợp quốc.
Việt Nam giữ vai trò Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đảm nhiệm trọng trách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như thành viên Hội đồng Khai thác Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027, một số cơ chế của Liên hợp quốc như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của Cơ quan Quyền lực Đáy Đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027...
Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu
Từ ngày 5/9/2023, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức khai mạc Khóa họp lần thứ 78 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York để thảo luận về hàng loạt vấn đề quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt.
Khóa họp thứ 78 kéo dài từ ngày 5/9/2023 tới tháng 9/2024, trong đó trọng tâm là Tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc từ ngày 19 đến 26/9/2023 với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 193 nước thành viên Liên hợp quốc.
Với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người," Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc năm nay được kỳ vọng là dịp để các nước cùng tái khẳng định sự đoàn kết quốc tế, cam kết đối với chủ nghĩa đa phương trong đó Liên hợp quốc có vị trí trung tâm, đồng thời chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm, định hình các tầm nhìn, chiến lược dài hạn và tìm kiếm các giải pháp hợp tác ứng phó với những thách thức chung như ngăn ngừa và chấm dứt chiến tranh, xung đột, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo giới chức Liên hợp quốc, Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ là bước ngoặt trên con đường hướng tới việc hoàn thành Chương trình Nghị sự 2030 và nhu cầu cấp cấp thiết đưa 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trở lại đúng quỹ đạo.
Về Hội nghị Thượng đỉnh SDG, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ dự kiến nhóm họp trong hai ngày 18 và 19/9/2023 để đánh giá việc thực thi Chương trình Nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đồng thời đưa ra những chỉ đạo chính trị cấp cao liên quan tới các hành động chuyển đổi và tăng tốc hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2030.
Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ của Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu (CAS) với lời kêu gọi tất cả lãnh đạo các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, khu vực và thể chế tài chính đẩy nhanh hành động để ứng phó với tính cấp bách củacuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Liên quan tới Hội nghị cấp cao về ngăn ngừa đại dịch, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập hội nghị để thông qua một tuyên bố chính trị nhằm huy động ý chí chính trị ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế để phòng, chống và ứng phó với đại dịch.
Việt Nam luôn đồng hành cùng Liên hợp quốc
Những đóng góp của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 10/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định Việt Nam là sứ giả của hòa bình và là quốc gia luôn phấn đấu vì tình đoàn kết, đồng thời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vai trò tích cực, cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm không chỉ trong đấu tranh vì độc lập và các nguyên tắc luật pháp quốc tế, trong tái thiết, phát triển bao trùm, mà còn trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung toàn cầu.
Nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, từ ngày 17 đến 26/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ.
Qua tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại Hội đồng Liên hợp quốc và các hoạt động liên quan khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của Liên hợp quốc trong xử lý các thách thức toàn cầu.
Ngoài ra, chuyến công tác tại Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là dịp để đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tận dụng hiệu quả các hoạt động trong Tuần lễ cấp cao để làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có Hoa Kỳ.
Diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden (ngày 10 và 11/9/2023), chuyến công tác tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận, cam kết đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước./.