Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng
20:26 - 19/01/2023
Ngoài việc tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) theo hướng lưỡng dụng và hiện đại, Việt Nam còn chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế và chủ động hội nhập quốc tế để đưa CNQP trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Năng lực của các cơ sở CNQP nòng cốt của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực.
Phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng và hiện đại
Ra đời ngay sau khi nước Việt Nam giành được độc lập năm 1945, trải qua gần 78 năm xây dựng và trưởng thành, công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam đang lớn mạnh không ngừng. Ban đầu chỉ có các xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật. Đến nay, đã hình thành được một hệ thống thống nhất các cơ sở nghiên cứu, sản xuất trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Hầu hết các cơ sở CNQP tại Việt Nam thuộc sở hữu Nhà nước, giao Bộ Quốc phòng quản lý.
Trong đó, Tổng cục CNQP là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý về CNQP trên phạm vi cả nước; đồng thời, quản lý, chỉ đạo các công ty sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị trực thuộc. Những năm qua, các cơ sở CNQP được Chính phủ, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư nhằm nâng cao năng lực về cơ sở hạ tầng.
Các nhà máy được đầu tư nhiều máy móc trang bị đồng bộ,hiện đại, hoạt động theo quy trình khép kín an toàn trong sản xuất và bảo vệ môi trường với các dây chuyền mang tính tự động hóa cao. Tất cả cơ sở CNQP đã chủ động áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO vào hoạt động sản xuất. Đẩy mạnh tự động hóa các dây chuyền sản xuất, giảm lao động trực tiếp tại các khâu, các bước nguy hiểm, độc hại.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng đang tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, điện toán lượng tử, cảm biến; đầu tư các trung tâm lưu trữ dữ liệu và xử lý dữ liệu quân sự, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm các vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
Đại tá Dương Văn Yên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP cho biết, ngoài việc tập trung phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng và hiện đại, Việt Nam còn chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế và chủ động hội nhập quốc tế để đưa CNQP trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Theo đó, Việt Nam chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các kênh hợp tác, mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài về sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệTổ quốc.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang xem một mẫu sản phẩm của nước ngoài tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.
Đề cập tới chính sách phát triển theo hướng lưỡng dụng của CNQP Việt Nam, Đại tá Dương VănYên cho biết, chính sách này được triển khai đồng bộ theo hai chiều: Một là, đẩy mạnh các lĩnh vực có thế mạnh của CNQP để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Hai là,huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế công nghiệp dân sinh cho các hoạt động CNQP.
Qua đó, kết hợp chặt chẽ các cơ sở CNQP với các cơ sở công nghiệp dân sinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phải tuân thủ yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế -xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, sẵn sàng huy động, động viên để sản xuất bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng khi cần thiết.
Về chính sách phát triển CNQP Việt Nam hiện đại, Việt Nam chủ trương xây dựng, phát triển CNQP đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực sản xuất được các loại vũ khí trang bị hiện đại, vũ khí chiến lược, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, nâng cao sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng.
Một hệ thống phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân.
Những năm qua, CNQP Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai chính sách chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm ra thị trường thế giới. Từ trước năm 2000 chỉ có vài đối tác, đến nay CNQP Việt Nam đã hợp tác với hơn 40 nước trên thế giới.
Một trụ cột trong đối ngoại quốc phòng
Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Chính ủy Tổng cục CNQP cho biết, hợp tác quốc tế về CNQP là một trụ cột trong đối ngoại quốc phòng. Chủ trương của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về CNQP là đa phương hóa, đa dạng hóa các kênh hợp tác, mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài về sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang.
Nhiều sản phẩm được sản xuất thành công từ kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ hay hợp tác nghiên cứu,sản xuất với các nước như súng, tàu quân sự, ngòi đạn, thuốc phóng, thuốc nổ… Đồng thời, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng do Việt Nam sản xuất.
Chính sách chủ động hội nhập quốc tế, phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, hiện đại của Việt Nam đã được đại diện các doanh nghiệp quốc phòng nước ngoài tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 vào đầu tháng 12/2022 đánh giá cao.
Máy bay không người lái UAV hạng nhẹ tầm gần VUA-SC-3G do Tập đoàn Viettel sản xuất có khối lượng cất cánh tối đa 26kg, bay liên tục 3 tiếng, với vận tốc lên tới 120km/h, bán kính hoạt động 50km.
Theo đại diện các doanh nghiệp quốc phòng nước ngoài, Việt Nam gây ấn tượng mạnh là một đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm. Do đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài coi trọng việc củng cố và tăng cường hợp tác về CNQP với Việt Nam như Damen (Hà Lan) - tập đoàn dày dạn kinh nghiệm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu. “Chúng tôi đã có nhiều năm làm việc với Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam để sản xuất thêm các sản phẩm CNQP”, ông Michiel Hendrikx, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Damen khẳng định.
CNQP cũng là một lĩnh vực hợp tác thương mại giữa Ba Lan và Việt Nam. Những thành tựu cụ thể của Ba Lan trong lĩnh vực công nghệ phòng thủ mới được chứng minh trong điều kiện chiến trường thực tế và ngày càng được những người tiếp nhận trên toàn cầu công nhận. Trong số đó có thể kể đến pháo tự hành, hệ thống không người lái, thiết bị tiêu diệt hệ thống không người lái và hệ thống phòng không di động, quang điện tử, hình ảnh nhiệt và súng cầm tay.
Xe tăng của Binh chủng Tăng - Thiết giáp.
Một lợi thế quan trọng của các sản phẩm quốc phòng của Ba Lan mà Việt Nam có thể đánh giá cao là tỷ lệ hiệu quả - chi phí, với độ tin cậy cao trong điều kiện giá cả phải chăng và chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp. Đặc biệt quan trọng, nhiều sản phẩm trong số này là các giải pháp đã được thử nghiệm trong điều kiện chiến trường thực tế và liên tục được phát triển trên cơ sở kinh nghiệm thu được trong lĩnh vực này.
Việt Nam có thể mua và sử dụng các sản phẩm quốc phòng và công nghệ hàng không vũ trụ của Ba Lan. Đây là một nhân tố rất hứa hẹn để duy trì quan hệ kinh tế - thương mại chặt chẽ và xây dựng mối quan hệ bền vững lâu dài trong lĩnh vực quan trọng là công nghệ mới.
Về định hướng phát triển CNQP trong thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng cho biết, Việt Nam tiếp tục thực hiện phương thức hợp tác đa dạng, linh hoạt, đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu: Chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nghiên cứu phát triển mẫu vũ khí mới, hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm quân sự, lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế cũng như tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong phân công chuyên môn hóa sản xuất trước hết là các sản phẩm kinh tế và lưỡng dụng.