Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm trước khi bước vào giai đoạn dân số già

16:30 - 27/09/2024

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, già hóa dân số với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ ký kết. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ ký kết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuổi thọ tăng và xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp khiến Việt Nam được dự báo là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038. Như vậy, Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm trước khi bước vào giai đoạn dân số già.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra tại buổi Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028, diễn ra chiều 26/9 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, già hóa dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam.

Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2022, tỷ lệ người cao tuổi nước ta chiếm khoảng 12% dân số. Năm 2019, chỉ số già hóa của Việt Nam là 48,8%, ước tính đến năm 2069, chỉ số già hóa sẽ tăng gấp 3 lần. Nghĩa là, nếu năm 2019 cứ 02 trẻ em thì có 01 người cao tuổi, thì đến 50 năm sau, cứ 02 trẻ em sẽ có 03 người cao tuổi.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chính sách, chiến lược, chương trình, đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

ky ket.jpg
Chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật. (Ảnh: PV/Vietnam+)
 

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bộ Y tế đánh giá cao sự phối hợp của Hội Người cao tuổi Việt Nam trong tham mưu ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách, đề án chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi trong những năm qua.

Chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam.

Chương trình hướng đến đảm bảo người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; phát huy vai trò, chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Để Chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 đạt hiệu quả tốt, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cục Dân số, Bộ Y tế và Ban Chăm sóc, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam là đầu mối phối hợp tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp hằng năm và giai đoạn; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp hằng năm và giai đoạn./.

Nguồn: Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm trước khi bước vào giai đoạn dân số già | Vietnam+ (VietnamPlus)