'Việt kiệu thư': Xã hội Việt Nam dưới góc nhìn của trí thức Trung Quốc
08:37 - 04/06/2022
Ngày 3/6, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức tọa đàm “Lịch sử và tư liệu: Việt Nam trong hiểu biết của giới trí thức Trung Hoa thế kỷ XVI” nhằm thảo luận về giá trị tư liệu của tác phẩm “Việt kiệu thư.”
['Đại Nam thực lục': Sử liệu quý về triều Nguyễn và chủ quyền dân tộc]
Đây là tác phẩm duy nhất hiện còn lưu giữ được của Lý Văn Phượng, một trí thức thời nhà Minh, nhận nhiệm vụ quản lý, giám sát các hoạt động quân đội, bao gồm luyện tập tuần phòng, bố trí đồn sở, các việc liên quan đến binh dịch tại Quảng Đông, Vân Nam.
Mới đây, Công ty MaiHaBooks phối hợp với và Nhà xuất bản Khoa học xã hội tổ chức dịch và phát hành cuốn sách này. Bộ sách gồm 3 cuốn, là bản dịch đầy đủ, trọn vẹn, có in kèm chữ Hán của bản gốc “Việt kiệu thư” (20 quyển). Nhóm dịch và thẩm định gồm có các chuyên gia sử học và Hán Nôm của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn: Phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Hồng Sơn, tiến sỹ Vũ Đường Luân và thạc sỹ Nguyễn Ngọc Phúc.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá đây là cuốn sách có giá trị cao, vừa là một biên khảo địa phương chí, địa lý chí, vừa là một sử thư (ghi chép lịch sử)… cung cấp thông tin cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và lịch sử Việt Nam trong giai đoạn thế kỷ XV-XVI.
“Đây là một trong những ghi chép nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết hình thế núi sông, hành chính, nhân vật lịch sử, phong tục tập quán nước ta của quan lại, triều đình người Hán,” ông nói.
Ông Ngọc cho rằng đây là tài liệu quý, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu lịch sử. Khi còn là một sinh viên khoa Sử của Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), ông đã thấy cuốn “Việt kiệu thư” trong thư viện ở dạng chép tay. Mỗi khi cần thông tin trong sách, các sinh viên vẫn phải tự chép lại vào sổ tay của mình.
Đánh giá về giá trị sử liệu của Việt kiệu thư, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cũng cho rằng đây là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về lịch sử quan hệ bang giao bổ sung cho các pho chính sử của cả hai phía.
“Do tính chất là một tập sử liệu nhằm phục vụ việc quân sự, ‘Việt kiệu thư’ chứa trong mình nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt. Trước hết, đó là nguồn sử liệu về mối quan hệ giữa triều Hồ, Lê sơ, và Mạc với nhà Minh. Ở những phần sử chí về lịch triều, các sử liệu không có nhiều điểm khác biệt so với các bộ sử lớn hơn. Nhưng, những phần sưu tầm về giai đoạn thế kỷ XV-XVI của cuốn sách này có thể đem đến nhiều sử kiện và văn kiện mới,” ông nhận định./.