“Rẻ, nhanh và ngon miệng”, đó là ba tiêu chí hội tụ đầy đủ trong một chiếc bánh mỳ của Việt Nam. Từ lâu, bánh mỳ đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân và du khách quốc tế.
Chỉ cần vài chục nghìn, chúng ta đã có thể gọi một ổ bánh mỳ đầy nhân, thơm ngon, đủ dinh dưỡng. Món ăn này còn khá nhỏ gọn, rất tiện để cơ động mang đi khắp nơi. Chính nhờ những tiêu chí này, bánh mỳ đã trở nên phổ biến đến mức, bất kể trên con đường nào của Hà Nội chúng ta cũng sẽ dễ dàng tìm thấy một hàng bán bánh mỳ.
Không giống với hamburger hay sandwich, bánh mỳ Việt Nam khác biệt với lớp vỏ ngoài giòn rụm, bên trong xốp mềm. Không cố định công thức nhân bánh, mọi người có thể thỏa sức sáng tạo, cho vào ổ bánh nhiều thành phần khác nhau tùy khẩu vị người thưởng thức. Tuy nhiên, với bánh mỳ truyền thống hay còn được gọi là bánh mỳ kẹp, nhân bánh sẽ chỉ gồm pate, thịt nguội, dăm bông và phết thêm bơ.
[Tôn vinh giá trị của bánh mỳ trong nền ẩm thực Việt Nam]
Bên cạnh ổ bánh mỳ kẹp truyền thống tiện dụng, bánh mỳ còn nhiều phiên bản khác với cách ăn cầu kỳ hơn, có thể kể đến như bánh mỳ sốt vang, bánh mỳ chảo… Với những loại bánh mỳ mang tính hiện đại hơn như như thế này, nhân bánh sẽ có thêm thịt bò, xúc xích, chả, xá xíu… Phần nhân sẽ được để riêng ra đĩa, người ăn gần như phải thưởng thức ngay tại cửa hàng để đảm bảo được hương vị thơm ngon nhất.
Dù mang phóng cách truyền thống hay hiện đại, bánh mỳ Việt Nam đều nhận được sự đón nhận không chỉ của người dân trong nước mà còn của bạn bè quốc tế khi đến với mảnh đất hình chữ S xinh đẹp này.
Với những giá trị ẩm thực độc đáo của bánh mỳ, dự kiến từ ngày 30/3-2/4 tới, tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Lễ hội Bánh mỳ đầu tiên tại Việt Nam, thu hút 120 gian hàng của các nhà hàng, tiệm bánh mỳ, nhà cung cấp trong và ngoài nước. Ban tổ chức cũng đang đề xuất chọn 24/3 là Ngày bánh mỳ Việt Nam, kỷ niệm ngày mà từ “banh my” được đưa vào từ điển Oxford./.