Trong Tờ trình gửi Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã phân tích, lý giải những lợi ích cũng như tác động của việc thu phí này.

Đưa ra tính toán việc lưu thông trên 3 tuyến đường cao tốc đang vận hành là Cầu Giẽ-Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương và Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây với việc lưu thông trên các tuyến quốc lộ song hành, phía Bộ Giao thông Vận tải so sánh, mỗi phương tiện lưu thông trên cao tốc sẽ tiết kiệm khoảng 5.265 đồng/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.

Đối với người sử dụng sẽ tiết kiệm được thời gian và tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện , theo ước tính việc di chuyển trên đường cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển lên tới 60% (tốc độ lưu thông trên đường cao tốc đạt khoảng 80km/giờ, trong khi trên tuyến quốc lộ tốc độ lưu thông trung bình chỉ đạt khoảng 50km/giờ) và giảm chi phí khai thác so với lưu thông trên quốc lộ.

Để thực hiện mục tiêu 5.000km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, theo ước tính ban đầu nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.043km và khởi công 925km.

“Như vậy, yêu cầu ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc là rất lớn, do đó xây dựng chính sách để ngân sách nhà nước có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định.

Vi sao phai thu phi su dung duong bo cao toc do Nha nuoc dau tu? hinh anh 1Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc là rất lớn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mặt khác, theo số liệu thống kê, những năm qua đối với các tuyến đường bộ do Nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm, cơ bản mới đáp ứng được một phần yêu cầu về chi phí để thực hiện các công việc quản lý, vận hành, khai thác và một phần chi phí bảo trì công trình (kinh phí kiểm toán an toàn và sửa chữa định kỳ còn gặp nhiều khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tốc độ khai thác).

 

[Trình phương án thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư]

Trong khi đó, dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, nếu cân đối như hiện nay ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021-2025 khoảng 9.067 tỷ đồng (bình quân 1.813 tỷ đồng/năm).

Thứ trưởng Thọ cũng phân tích tác động trong trường hợp không thu phí sử dụng đường cao tốc thì chủ xe sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc, dẫn đến lưu lượng phương tiện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông và giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc.

“Thu phí sử dụng đường cao tốc ngoài việc cân bằng lưu lượng xe lưu thông trên đường cao tốc và trên đường quốc lộ song hành, khi thu phí sẽ có nguồn lực, điều kiện để thực thi các giải pháp khác như kiểm soát tải trọng xe,” ông Thọ cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng dẫn giải kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng thực hiện tổ chức thu phí qua trạm để vận hành, bảo trì, hoàn vốn và đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới đường cao tốc như Trung Quốc, Nhật Bản.

Vi sao phai thu phi su dung duong bo cao toc do Nha nuoc dau tu? hinh anh 2Phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Như vậy, trước nhu cầu kinh phí lớn cần dành cho hệ thống cao tốc, trên cơ sở lợi ích của đường cao tốc mang lại cho người sử dụng, trong khuôn khổ quy định pháp luật hiện hành, phía Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ đường cao tốc trên các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư để trình Quốc hội xem xét thông qua là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ góp phần huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm thu hồi vốn Nhà nước đã đầu tư, tạo nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới các tuyến đường cao tốc, tạo nguồn kinh phí cho công tác bảo trì, duy tu tuyến đường thu phí.

Khẳng định sẽ xây dựng mức thu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, phù hợp với khả năng chi trả của người sử dụng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cam kết quá trình thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí thu được, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí./.

Việt Hùng (Vietnam+)