Vì sao hàng loạt công ty chứng khoán nâng lãi suất cho vay margin?
18:58 - 08/11/2022
Vừa qua, hàng loạt công ty chứng khoán nâng lãi suất cho vay ký quỹ (margin) trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao.
Việc thanh khoản thị trường giảm mạnh thì việc tăng lãi cho vay margin có lẽ tạo thêm khó khăn cho thị trường chung, nhưng giới phân tích cho rằng đây là xu hướng tất yếu.
Từ ngày 7/11, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT điều chỉnh lãi suất cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán lên 13,8% một năm.
Những khách hàng giao dịch cổ phiếu trong danh mục 50 mã có nền tảng cơ bản và thanh khoản tốt nhất thị trường do VNDIRECT lựa chọn được ưu đãi lãi suất 10,9% một năm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) từ ngày 7/11 cũng áp dụng biểu phí lãi suất trong hạn một năm là 14%, với mức lãi suất quá hạn là 20%/năm.
Công ty cổ phần Chứng khoán ACB (ACBS) cũng vừa thông báo báo điều chỉnh lãi suất đối với sản phẩm giao dịch ký quỹ T14 (Margin T14).
Kể từ ngày 7/11, mức lãi suất áp dụng đối với sản phẩm Margin T14 của ACBS sẽ được điều chỉnh tăng đối với khoản vay trong 14 ngày đầu tiên, từ mức 4,5%/năm lên mức 6%/năm.
Kể từ ngày 15 trở đi, mức lãi suất được giữ nguyên ở mức 14%/năm. Đối với các khoản vay cũ phát sinh trước ngày 7/11/2022, ACBS vẫn áp dụng chính sách lãi suất hiện tại.
Từ ngày 10/11, Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta cũng sẽ thay đổi lãi suất cho vay margin mức 12%/năm lên 13,5%/năm, tương ứng từ 0,0329%/ngày lên 0,37%/ngày và miễn lãi giao dịch T0 và T1. Với ứng trước tiền bán, thay đổi từ 12%/năm lên 13,5%/năm.
Từ ngày 1/11, Công ty cổ phần Chứng khoán (SSI) cũng điều chỉnh mức lãi suất mới áp dụng cho Dịch vụ giao dịch ký quỹ là 0,0375%/ngày, tương đương 13,5%/năm (biểu 360 ngày).
Trước đó, sau lần điều chỉnh tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9, nhiều công ty chứng khoán cũng đã điều chỉnh lãi suất giao dịch ký quỹ để phù hợp với mức lãi suất ngân hàng mới.
Theo nhận định của FiinRatings, bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, thanh khoản sụt giảm cũng như các chính sách kiểm soát nguồn vốn tín dụng cho hoạt động kinh doanh chứng khoán và liên quan như cho vay margin.
Lãi suất đầu vào đang gia tăng, trong khi đó các công ty chứng khoán có hạn mức tín dụng từ các ngân hàng thường có tính chất thả nổi. Do đó, điều này sẽ góp phần làm giảm lợi nhuận từ hoạt động cho vay ký quỹ nói riêng và lợi nhuận cả năm 2022 của các công ty chứng khoán.
Ông Phạm Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cho rằng vấn đề chi phí vốn, với mức tăng khoảng 1% theo đà tăng của lãi suất điều hành từ định hướng của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp có thể sẽ gặp đôi chút khó khăn từ việc chi phí đi vay bị đẩy lên.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh và phát ra thông điệp rằng sẽ duy trì ổn định lãi suất cho vay ở nhóm ngành được ưu tiên nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển, phục hồi nền kinh tế.
Trong khi đó, các khoản vay mang tính rủi ro và mang tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản sẽ chịu nhiều áp lực hơn, ông Tuấn cho hay.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích chiến lược Chứng khoán Yuanta Việt Nam, khuyến nghị trong bối cảnh thị trường chứng khoán không mấy thuận lợi như hiện tại, nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đã cẩn trọng hơn khi dùng margin, giúp bảo toàn tài sản.
Ông Minh cho rằng lãi suất cao, tiền chi phí thấp không còn, việc công ty chứng khoán tăng lãi suất cho vay margin và nhiều dịch vụ khác là xu hướng tất yếu.
[Giao dịch khối ngoại có gì đáng chú ý trong tháng 10?]
Áp lực tăng lãi không chỉ diễn ra ở các công ty chứng khoán nội, mà còn ở cả công ty chứng khoán ngoại vì thường phải vay USD. Hiện nay những công ty nắm sẵn lượng vốn tự có cao có thể tự cân chỉnh lãi suất phù hợp, nên sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn.
Cho vay giao dịch ký quỹ trong chứng khoán là giao dịch thường xuyên diễn ra. Khi vay ký quỹ, công ty chứng khoán sắp xếp nguồn vốn để thanh toán hộ cho khách hàng theo thỏa thuận ký kết hai bên tại hợp đồng mở tài khoản, khi số tiền mua chứng khoán trên tài khoản của khách hàng vượt quá số tiền ký quỹ trên tài khoản.
Mức lãi suất cho vay margin do các công ty chứng khoán tự công bố với cách tính lãi theo ngày hoặc theo năm. Với mỗi giao dịch margin, các công ty chứng khoán sẽ thu hộ Sở giao dịch chứng khoán 0,03%.
Thời điểm gần đây, trước sức ép tỷ giá kết hợp cùng 2 lần điều chỉnh nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các công ty chứng khoán cũng đồng loại tăng lãi suất cho vay margin.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, đầu tháng 11, lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng tiếp 75 điểm cơ bản lên mức 3,75-4%, nếu kỳ họp ngày 15/12 sắp tới (theo giờ Việt Nam), lãi suất Fed tiếp tục tăng thêm 50 điểm cơ bản thì sẽ đẩy mức tăng tổng cộng trong cả năm 2022 lên 4,25 điểm %.
Trong bối cảnh đó, áp lực tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã gia tăng đáng kể trong tháng 10 để đối phó với lạm phát và tỷ giá USD/VND tăng mạnh.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất tái cấp vốn lên 6% (bằng mức trước COVID-19) sau hai lần tăng liên tiếp (mỗi lần tăng 100 điểm cơ bản) vào ngày 23/9 và 25/10.
Về mặt tích cực chúng tôi kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ giúp ổn định tỷ giá hối đoái; tốc độ tăng tiền gửi ngân hàng sẽ tăng nhanh hơn so tốc độ tăng trưởng tín dụng và lạm phát được kiểm soát ở mức 4,5%.
Cả 3 điều này đóng góp đáng kể cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng.
Trong bối cảnh lãi suất gia tăng, định giá hiện tại của VN-Index đang đối mặt với nhiều sự bất định. Do đó, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng vẫn cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền tham gia vào thị trường.
Thực tế, các công ty chứng khoán chịu áp lực về kết quả kinh doanh khi giá trị danh mục tự doanh sụt giảm, thanh khoản thị trường xuống thấp kéo tụt doanh thu môi giới, nhu cầu margin của thị trường thấp.
Trong quý 2, thị trường có 24 công ty chứng khoán báo lỗ trong đó có 7 đơn vị lỗ trên 100 tỷ đồng. Mức lỗ cao nhất là Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương (mã chứng khoán: APS) với mức lỗ gần 442 tỷ đồng. Các công ty báo lỗ chủ yếu do đánh giá lại danh mục tự doanh.
Sang đến quý 3, trong 70 công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý 3 có 15 doanh nghiệp báo lỗ trước thuế, 12 công ty trong số đó ghi nhận mức lỗ trên 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên có thể nhận thấy, dù ít công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ hơn, nhưng mức lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chứng khoán giảm mạnh.
Có thể kể đến trường hợp Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT có lợi nhuận quý 3 năm 2022 chỉ đạt 20 tỷ đồng, giảm hơn 85% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay margin của doanh nghiệp này giảm 16,3% so với đầu năm, ghi nhận ở mức 12.95 nghìn tỷ đồng.
Hay như Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận lãi sau thuế 309,1 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ.Doanh thu từ mảng cho vay của doanh nghiệp ở mức 406.1 tỷ đồng, giảm 6%.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HSC (mã chứng khoán: HCM) công bố báo cáo tài chính quý 3 năm 2022 với doanh thu thuần 759 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 165 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.
Dư nợ cho vay margin tại thời điểm cuối quý 3 đạt 10.928 tỷ đồng, giảm gần 2.800 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI), tính từ chốt phiên đầu năm (4/1) đến cuối phiên sáng 8/11, VN-Index có mức giảm gần 37% trên chỉ số VNIndex. Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây chỉ sau mức giảm 66% ở năm 2008.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán tiếp tục suy yếu trước xu hướng tăng liên tục của lãi suất tiền gửi, bên cạnh đó là các nhà đầu tư thu hẹp giao dịch nhằm thận trọng quan sát.
Trên HOSE, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân 1 phiên trong tháng 10 chỉ đạt mức 9,2 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với mức 11,7 nghìn tỷ đồng ở tháng trước.
Giá trị giao dịch trong tháng 10 đang thấp hơn đến 48% so với mức bình quân 18 nghìn tỷ đồng của 10 tháng đầu năm 2022. Như vậy nền thanh khoản của năm 2022 trên sàn HOSE cũng đang ở mức thấp so với con số 21,7 nghìn tỷ đồng/phiên ở năm 2021./.