Vì sao Ấn Độ khó dứt bỏ than đá
14:33 - 04/11/2021
Khi phương Tây kêu gọi New Delhi giảm khí thải carbon, vấn đề gây khó chính là sự phụ thuộc lớn của Ấn Độ vào than đá.
Mỗi ngày, Raju buộc các bao tải than với tổng trọng lượng lên tới 200kg vào khung kim loại gia cố trên chiếc xe đạp của mình. Anh chủ yếu vận chuyển than vào ban đêm để tránh cảnh sát cùng thời tiết nóng, và được trả hai đô la sau khi đạp xe qua quãng đường dài hơn 16km.
Đây là cuộc sống của Raju kể từ khi anh đến Dhanbad, một thành phố phía đông của bang Jharkhand, Ấn Độ vào năm 2016. Lũ lụt hàng năm ở quê nhà đã tàn phá đồng ruộng. Than là tất cả những gì anh có thể dựa vào.
Nhưng việc ngừng sử dụng than đá cũng chính là vấn đề được kỳ vọng tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Scotland.

Việc khai thác than đang được tiến hành tại một mỏ lộ thiên gần thành phố Dhanbad. Ảnh: AP/Altaf Qadri
Trái đất rất cần mọi người dừng đốt than - loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, để tránh những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu. Bao gồm các trận lũ lụt dữ dội khiến hàng triệu người nông dân Ấn Độ khốn khổ.
Nhưng mọi người cũng rất cần than đá. Đây là nguồn nhiên liệu lớn nhất thế giới để sản xuất điệnnăng. Rất nhiều người tuyệt vọng như Raju, cũng phải phụ thuộc vào nó để kiếm sống.
“Người nghèo không có gì ngoài nỗi buồn... nhưng với rất nhiều người, than đã cứu vớt họ” - Raju nói.
Alok Sharma, chủ tịch COP26, phát biểu hồi tháng 5, rằng ông hy vọng hội nghị lần này sẽ đánh dấu thời điểm mà than đá “kết thúc sứ mệnh của mình”.
Mặc dù điều này có vẻ khả thi đối với một số quốc gia phát triển, nhưng với các quốc gia đang phát triển, điều này lại không đơn giản.

Người phụ nữ mỉm cười lúc nghỉ ngơi sau khi bốc than lên xe tải ở Dhanbad, một thành phố miền đông ở bang Jharkhand, Ấn Độ. Ảnh: AP/Altaf Qadri
Nhu cầu điện năng ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới trong hai thập kỷ tới, khi nền kinh tế phát triển và nắng nóng ngày càng khắc nghiệt, gia tăng mong muốn sử dụng điều hòa nhiệt độ.
Việc đáp ứng nhu cầu đó sẽ không rơi vào tay những người như Raju, mà cho Tập đoàn than Ấn Độ - một trong những công ty khai thác than lớn nhất thế giới, với mục tiêu tăng sản lượng lên hơn 1 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2024.
Phần lớn các mỏ than ở Ấn Độ tập trung ở vùng miền đông, còn được gọi là Vành đai than, bao gồm các bang Jharkhand, Chhattisgarh và Odisha.

Bức tượng người công nhân mỏ giữa quảng trường trung tâm ở thành phố Dhanbad, Jharkhand – một trong những bang có trữ lượng than lớn nhất Ấn Độ. Ảnh: AP/Altaf Qadri
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, trừ khi thế giới cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hành tinh sẽ còn hứng chịu những đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn, lượng mưa thất thường và những cơn bão hủy diệt trong những năm tới.
Một nghiên cứu của chính phủ Ấn Độ năm 2021 cho thấy bang Jharkhand - một trong những nơi nghèo nhất và có trữ lượng than lớn nhất cả nước - cũng là bang dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.
“Nhưng có khoảng 300.000 người làm việc trực tiếp với các mỏ than thuộc sở hữu của chính phủ, hưởng lương và phúc lợi cố định. Và có gần 4 triệu người Ấn Độ làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trongngành khai thác than.” - Sandeep Pai, nhà nghiên cứu về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết.

Người đàn ông đang vượt qua sườn núi dốc với một giỏ than nhặt được từ mỏ gần Dhanbad. Ảnh: AP/Altaf Qadri
Đường sắt Ấn Độ, công ty sử dụng lao động lớn nhất nước, có được một nửa doanh thu bằng cách vận chuyển than. Pai nói: “Than là một hệ sinh thái”.
Đối với những người như ông Naresh Chauhan, 50 tuổi và vợ Rina Devi, 45 tuổi, nền kinh tế Ấn Độ suy thoái do đại dịch đã khiến họ phụ thuộc nhiều hơn vào than.
Họ đã sống cả đời trong một ngôi làng bên rìa mỏ than Jharia ở Dhanbad. Hai vợ chồng ông kiếm được 3 đô la mỗi ngày khi bán bốn thúng than nhặt được cho các thương lái.
Những đám cháy bất ngờ, một trong số đó cháy âm ỉ trong nhiều năm, đã khiến mặt đất trở nên xốp hơn. Khói tỏa ra từ các vết nứt trên mặt đất gần căn nhà của họ. Những hố sụt gây chết người xuất hiện ngày một nhiều.
Những gia đình đã sống giữa các mỏ than trong nhiều thế hệ hiếm khi sở hữu bất kỳ mảnh đất nào có thể trồng trọt và không có nơi nào khác để đi. Ông Naresh hy vọng rằng con trai mình sẽ học lái xe để có thêm lựa chọn.
Nhưng việc đó cũng không có gì khả quan. Nhiều tài xế taxi của thành phố hiện chịu cảnh thất nghiệp. Tiệc cưới trước đây cần xe đưa đón khách ngày càng thu hẹp quy mô. Khách du lịch cũng ít đến thành phố hơn trước.

Người phụ nữ trẻ cùng giỏ than nhặt được từ khu mỏ gần thành phố Dhanbad. Ảnh: AP/Altaf Qadri
Nếu thế giới quay lưng lại với than, điều đó sẽ khiến cuộc sống của người dân ở Dhanbad trở nên khó khăn hơn. Pai nói rằng điều này đã xảy ra khi năng lượng tái tạo ngày càng rẻ hơn và than ngày càng ít sinh lời hơn.
Theo ông, Ấn Độ và các quốc gia khác phụ thuộc vào than phải đa dạng hóa nền kinh tế và đào tạo lại người lao động - vừa để bảo vệ sinh kế của họ, vừa giúp đẩy nhanh quá trình loại bỏ than bằng cách đưa ra các cơ hội mới.
Minh Trang (Theo AP)
https://www.phapluatplus.vn/doi-song/vi-sao-an-do-kho-dut-bo-than-da-d169843.html