Vi phạm làn đường, phần đường là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn
16:26 - 14/04/2022
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1/2022, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc cơ bản được đảm bảo, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, số giảm không đồng đều giữa các lĩnh vực, trong khi các tuyến đường bộ, đường sắt giảm cả ba tiêu chí thì tuyến đường thủy và hàng hải, số người chết vì tai nạn giao thông lại tăng cao.
Tai nạn tiếp tục giảm sâu cả ba tiêu chí
Quý 1/2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/3/2022), toàn quốc xảy ra 2.762 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.676 người, bị thương 1.741 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 662 vụ (19,33%), số người chết giảm 67 người (3,84%), số người bị thương giảm 739 người (29,80%). Trong đó, trên đường bộ xảy ra 2.731 vụ, làm chết 1.630 người, bị thương 1.734 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 655 vụ (19,34%), giảm 80 người chết (4,68%), giảm 739 người bị thương (29,88%).
Đường sắt xảy ra 18 vụ, làm chết 11 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 02 vụ (10%), giảm 05 người chết (31,25%), giảm 01 người bị thương (14,29%).
Đường thủy xảy ra 12 vụ, làm chết 25 người, bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 2 vụ (4,29%), tăng 15 người chết (150%), tăng 1 người bị thương.
Hàng hải xảy ra 1 vụ, làm chết và mất tích 10 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm trước giảm 3 vụ (75%), tăng 3 người chết và mất tích (42,86%), số người bị thương không thay đổi.
Về lĩnh vực hàng không dân dụng, đã nhận 90 báo cáo an toàn bắt buộc, xảy ra 1 tai nạn mức A (hoạt động bay huấn luyện phi công cơ bản) và 14 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (1 mức C và 13 mức D), không xảy ra sự cố nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 21,1% tổng số tai nạn, sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết từ đầu năm đến nay, trên tuyến đường bộ đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 30 người, bị thương 23 người. Trong đó, Gia Lai 3 vụ; Thanh Hóa 2 vụ; Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Tiền Giang và Thừa Thiên-Huế mỗi địa phương xảy ra 1 vụ.
Theo điều tra sơ bộ ban đầu cho thấy nguyên nhân các vụ tai nạn trên do lỗi đi không đúng làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, không chú ý quan sát, chưa đủ độ tuổi lái xe, chở quá tải trọng phương tiện, quá số người quy định, mất lái khi đi xuống đường đèo, dốc trong điều kiện thời tiết hạn chế tầm nhìn và lái xe trong tình trạng mệt mỏi, ngủ gật.
Tuyến đường thủy xảy ra 1 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Nam, làm chết 17 người.
13 địa phương tai nạn giao thông tăng
Có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 11 địa phương giảm trên 40% số người chết là Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Hà Giang, Sơn La, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Ninh Thuận, Quảng Trị. Đặc biệt, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Quảng Bình giảm trên 60% số người chết do tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng, vẫn còn 24 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó 13 địa phương tăng trên 15% là Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hòa Bình, Long An, Đắk Nông, Đà Nẵng, Hậu Giang, Yên Bái, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Điện Biên, trong đó có 04 tỉnh có số người chết tăng 50% trở lên là Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ và Điện Biên.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết có tới 15,47% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,49% do chuyển hướng không đảm bảo an toàn; 3,69% do vượt xe sai quy định; 3,28% do vi phạm tốc độ; 1,52% do người đi bộ sang đường sai quy định; 0,12% do công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn; 0,52% do dừng đỗ sai quy định; 0,08% do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; 27,42% do các nguyên nhân khác; 38,61% chưa xác định được nguyên nhân. Đáng chú ý, có 1,76% số vụ tai nạn xảy ra có liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chất kích thích có cồn.
Về độ tuổi gây tai nạn, chủ yếu là từ 27 đến 55 tuổi, chiếm 55,93% số vụ; kế đến là từ 18 đến dưới 27 tuổi, chiếm 20,7%; trên 55 tuổi chiếm 13,37%. Lứa tuổi dưới 18 gây ra số vụ tai nạn giao thông ít nhất, chiếm 10%.
[Phấn đấu giảm ít nhất 50% thương vong do tai nạn giao thông vào 2030]
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, có tới 61,16% số vụ tai nạn liên quan đến xe môtô, xe máy; xe ôtô 32,09%; phương tiện khác là 6,75%. Có 36,8% số vụ xảy ra trên quốc lộ; 22,62% xảy ra trên tỉnh lộ; 23,43% ở tuyến nội thị; 14,11% ở đường nông thôn và 2,07% xảy ra trên cao tốc.
Thời gian xảy ra tai nạn tập trung vào khung giờ từ sau 18 giờ đến 24 giờ (chiếm 42,1%) và từ sau 12 giờ đến 18 giờ (chiếm 31,71%).
Thiếu quyết liệt trong chỉ đạo kiểm soát tải trọng phương tiện
Đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quý 1 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là vụ tai nạn giao thông tại Gia Lai, ngày 9/2 làm 06 người tử vong; vụ tai nạn giao thông đường thủy tại Quảng Nam, ngày 26/2 làm 17 người tử vong, đây là vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người nhiều nhất trong vài năm trở lại đây; một số vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng liên quan tới cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu.
Một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra, đặc biệt là nhiều đối tượng vi phạm còn trong độ tuổi thiếu niên. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, từ ngày 6 đến 12/3, trên địa bàn các huyện Đak Đoa, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa liên tiếp xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông làm chết 13 người, bị thương 2 người. Trong số các nạn nhân tử vong có 8 người sinh từ năm 2004 đến 2008.
Bên cạnh đó, số người chết do tai nạn giao thông trong tháng 3/2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 4,69%); số người chết do tai nạn giao thông đường thủy và hàng hải trong quý 1/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Tình hình xe ôtô chở hàng hóa vi phạm tải trọng tái diễn tại nhiều địa phương (như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu...), nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy ximăng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài, tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải…
Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép trong các tháng đầu năm vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố. Công an các địa phương đã phát hiện 35 vụ với 922 đối tượng có hành vi lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng; xử lý hình sự 02 vụ, 08 đối tượng (03 đối tượng tổ chức đua xe trái phép, 05 đối tượng gây rối trật tự công cộng tại Tiền Giang); xử lý hành chính 33 vụ, 914 đối tượng. Ngoài ra, trong quý 1/2022, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố 01 vụ, 16 bị can về tội gây rối trật tự công cộng, xảy ra vào ngày 21/9/2021.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại trên là do hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện và kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.
Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến./.