Vị của ký ức

09:52 - 04/08/2021

Nhà tôi ngày xưa nghèo lắm, nghèo nhất xóm này. Hồi bố mẹ ra riêng nội cho bảy yến lúa, ngoài ra chẳng có gì cả.

vi-cua-ky-uc-1628041264.jpg

 

Năm chín lăm bố theo người ta đi làm gốm ngoài bắc về, cái chỗ mà giờ gọi là "Gốm Bát Tràng" ấy, được mấy trăm nghìn, chẳng đủ tiền thuốc men đau ốm. Mẹ tôi xót quá, bảo bố ở nhà làm nương, trồng rau, cấy lúa.

Bố mẹ tôi chịu khó lắm, năm ấy mượn xe bò nhà bác đi lên lèn đẽo đá về xây nhà, trưa trưa dở nắm cơm trong lá chuối chấm muối ăn vội. Mẹ kể lại, mắt còn đỏ hoe. Sau thì mua được xe vôi, rồi thuê người ta xây cho hai gian nhà nhỏ lợp bia rô.

Lúc tôi bốn tuổi, bố được xã cử đi học chính trị dưới thị trấn mấy tháng liền, cách nhà mười mấy cây số, nhà tôi hồi đó góp mãi mua chiếc xe đạp khung ngang, bình thường mẹ thồ cỏ thì tôi ngồi vắt vẻo trên đấy, giờ nhường lại cho bố tôi đi học. Bố có cái cặp da màu đen được cụ hàng xóm cho, bố kẹp ngang trên khung rồi đạp xe đi, nhìn không khác gì mấy anh sinh viên cả. Bố tôi hồi đấy đẹp trai lắm, đẹp trai nổi tiếng cả xã này luôn. Nhiều người không biết còn tưởng bố chưa vợ chưa con, theo về đến tận nhà.

Mẹ ở nhà đồng áng, nhà có hai sào ruộng, vay tiền người ta mua một con bò đen, ngày nào cũng quảy gánh ra đồng cắt cỏ, trưa lại về. Tôi lúc đấy theo mẹ, cắp cái rá bằng tre ông ngoại đan cho đi hái rau lợn, hôm thì rúc vào ruộng ngô nhà người ta xong rồi bẻ ngô non nhồm nhoàm ăn, hôm thì đào khoai lên cắn soàng soạc, cuối cùng bị mẹ vụt cho mấy roi khóc hu hu chạy về.

Thuở ấy vụ đông dân làng trồng nhiều ngô với khoai lắm. Nhà tôi cũng trồng mấy ruộng to đùng, hôm nào nấu cơm cũng độn một nồi nào khoai nào ngô, có hôm cả sắn ngoại tôi cho nữa. Ngoại tôi có hẳn một nương sắn sau nhà, cạnh cái đồi bạch đàn. Nhà tôi và nhà ngoại cách nhau cái đồi ấy nên bố hay bế tôi đi tắt qua đồi bạch đàn, ngang trường cấp một để xuống bà xin sắn về hấp cơm.

Tôi mê nồi cơm ấy lắm. Trẻ con mà, còn bé làm gì biết đói với nghèo, bữa cơm nào mở vung ra cũng thấy cơm lèo tèo mấy hạt bám trên ngô với sắn hết, tôi thích lắm. Gắp miếng sắn ra rồi gặm gặm xung quanh mấy hạt cơm dính lại sau đó cười hì hì sung sướng.

Bố mẹ tôi bảo tôi ngày nhỏ tham ăn cực. Mẹ dăm ba bữa lại quảy gánh củi đi bán, một gánh củi được bốn nghìn bạc, lâu lâu mua ít cá trích về kho cho thật mặn để ăn được lâu. Bình thường thì không sao, tới lúc mở nồi còn chừng vài con cá là tôi bắt đầu giành nồi, ôm khư khư trong người, không cho ai đụng vô cả. Bố mẹ tôi cũng bất lực lắm.

Hồi đấy thi thoảng mới được một bữa cá trích, còn đâu chỉ toàn ăn cơm với rau dưa và muối lạc nhưng tôi ăn cũng giỏi lắm, không kén như bây giờ.

Năm tôi lên lớp một, bố mua cho tôi bộ quần áo, gấp mấy gấu lận mới vừa. Bố mẹ bảo mua dài vầy mặc mới được lâu chứ con nít nhanh lớn lắm, mua vừa mấy bữa lại ngắn mất công.

Tôi mặc bộ đồ rộng thùng thình như y như của các chị lớp ba lớp bốn đi học, toàn bị các bạn trêu. Cô chủ nhiệm tôi còn bảo may được cái xinh xắn đáng yêu nếu không nhìn khác gì trò hề đâu. Tôi lúc đấy nghe cô nói thì cười toe toét tưởng cô khen mình, tan học không về còn ráng ngồi lại chơi với cô, mãi tới trưa không thấy tôi, bố tôi phải vòng qua đồi bạch đàn lên cõng tôi về nhà.

Ngồi trên lưng bố rồi vòng tay qua cổ, nhìn bố dẫm lên từng cành bạch đàn khô quắt queo rụng lá xào xạc, tôi thích lắm, tôi hỏi bố:

"Nhà ta giàu lắm phải không bố?"

Bố tôi ngạc nhiên hỏi lại tôi:

"Răng con lại hỏi rứa?"

Tôi ngây thơ trả lời, chẳng biết đôi mắt bố vương sầu muộn:

"Thì ở trên lớp đó, mấy bạn kể chuyện nhà các bạn ăn cơm mãi chán. Èo, nỏ được như nhà mình bố nhỉ? Nhà mình khoai sắn đầy đi, nhà các bạn mần chi có mà ăn. Nhà mình giàu còn chi nữa."

Tôi nói xong đắc ý cười hì hì:

"Nhưng mà con không kể với các bạn nhà mình có khoai sắn mô, không các bạn ghen tỵ chết. Bố thấy đúng không?"

Lúc đấy tấm lưng rộng chãi, vai áo màu xanh bộ đội sờn bạc cứng đờ, tôi còn ngây thơ không biết, mãi một lúc sau mới thấy bố gật đầu, giọng hơi khàn khàn:

"Ừ. Nhà mình giàu thật. Con gái bố giỏi lắm. Bữa ni học được mấy điểm con?"

Bố tôi lảng sang chuyện khác. Tôi lại toe toét bắt đầu khoe khoang, nào chính tả được mười, toán được chín, tôi còn được phong làm lớp phó văn nghệ nữa...

Bố tôi nghe vậy thì cười thành tiếng.

Thuở bé nào biết nhà đói ăn, thiếu gạo nên bữa cơm nào cũng phải độn khoai với sắn, lại còn nghĩ như vậy là giàu có. Sau này lớn lên rồi nghĩ lại, chẳng hiểu sao mình lại ngốc đến như thế nữa. May mà không khoe ra nếu không chắc bị người ta cười vào mặt quá.

Những năm tháng tuổi thơ trôi qua có chút vất vả khó nhọc, nhưng trẻ con nào biết đói khổ giàu nghèo, chỉ có mẹ cha thấy con mình chẳng được như con người ta mà xót lòng thôi.

Bây giờ cuộc sống tốt hơn rất nhiều rồi, đòi hỏi của người ta cũng cao hơn, gạo không dẻo không thơm thì không muốn ăn nữa, nào có hiểu những năm tháng đã qua đói khổ như thế nào.

Tôi không thuộc về lớp người cũ nhưng lại là một đứa trẻ mang trong mình những hoài niệm của người già, lưu giữ rất nhiều kí ức của năm tháng còn thơ bé, luôn trân trọng hết thảy những gì bản thân đang có, điều mà bố mẹ tôi chẳng muốn tôi nhớ về.

...

Hôm qua tôi về nhà nói với mẹ là thèm khoai luộc quá, mẹ tôi phải đi mua, mua cả ngô và sẵn nữa. Mà bây giờ mấy món này làm gì có rẻ như ngày xưa nữa đâu.

Mẹ tôi bưng cái rổ to đùng ra, hơi nóng bốc lên, mùi thơm phức, trong đấy nào khoai, nào ngô, nào sắn, với mấy đốt mía đã được tước sạch vỏ, mẹ bảo tôi:

"Ăn đi, không có ra thành phố lại kêu thèm. Người chi mà rứa không biết."

Tôi cười hì hì cầm bông ngô vàng xuộm lên cắn cái rụm một cái, sau đó nhìn mẹ, mặt nhăn lại:

"Mẹ bỏ đường vô đó à?"

Mẹ tôi cười hề hề gật đầu.

Ngô luộc bỏ cả đường lại chẳng ngọt giống như năm nào tôi vẫn bẻ của người ta rồi gặm lấy gặm để như mỹ vị nhân gian. Để hương sữa non ngọt lịm ngập đầy khoang miệng ngấm vào tận tim tận phổi.

Xã hội ngày một phát triển, cuộc sống của gia đình tôi cũng tốt lên mỗi ngày, bữa cơm cũng ba bốn món chay mặn đủ cả mà tôi lại kén ăn, ăn gì cũng cảm thấy thiếu chút vị chẳng rõ vì sao.

Có lẽ tôi hoài niệm ngày đó bên nồi cơm độn, bên đĩa cá kho mặn chát và cả tấm lưng vững chãi của bố mỗi lúc cõng tôi về, góc chân trời nhuộm ánh tà dương mỏi mệt đỏ rực. Ngày đó nghèo lắm mà ấm áp tình yêu thương vô cùng.

Tự nhiên tôi có chút thèm cảm giác của ngày xưa quá, thèm cái mùi vị giờ đây chỉ còn trong kí ức ngày một nhạt dần theo thời gian trôi, theo xô bồ nơi đô thành ồn ã. Thời gian trôi qua là thời gian đã mất, tôi vui vì cuộc sống tốt hơn, lại nhớ tiếc những tháng năm còn thơ bé vô cùng.

Tôi là người mâu thuẫn lắm có phải không?

Theo Chuyện quê

 

 
Bạn đang đọc bài viết "Vị của ký ức" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. Chuyên trang Hội nhập | Hotline: 08.4646.0404
https://vanhoavaphattrien.vn/vi-cua-ky-uc-a4928.html