Vén bức màn bí ẩn về thế giới tâm linh của người Nùng Dín qua nghề Chàng Slaw
09:02 - 20/08/2021
Chàng Slaw là nghệ thuật tranh cắt giấy, một nghề thủ công truyền thống lâu đời của người Nùng Dín ở xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã được Bộ VHTTDL cấp bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghề chàng Slaw được sinh ra để phục vụ cho nghi lễ trong vòng đời cuối cùng của mỗi kiếp người Nùng Dín.
Lời dạy về lòng hiếu thảo
Tới hiện tại, chưa ai biết được nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín xuất hiện từ khi nào, do ai sáng tạo ra, nhưng trong văn hóa tâm linh của mọi gia đình và cộng đồng người Nùng Dín Chàng Slaw là thứ không thể thiếu. Tranh cắt giấy được làm vào thời điểm khi có người qua đời và tổ chức tang lễ. Trong lễ phúng viếng người quá cố, Chàng Slaw được coi như một món quà vật chất với những tác phẩm như một công trình nhà cửa, tiền tài… được tạo ra từ giấy của con cháu gửi đến người quá cố. Chàng Slaw có nhiều nét tương đồng với đồ vàng mã của người Kinh.
Chàng Slaw được sắm trong ngày lễ thể hiện trách nhiệm, lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà khi qua đời. Người Nùng Dín bao đời nay luôn quan niệm con người luôn có linh hồn, khi con người chết đi thì hồn của người họ sẽ lìa khỏi xác và tồn tại ở một thế giới siêu nhiên, song song với thế giới thực.
“Cây già cây khô, người già người chết, con người sinh ra, lớn lên trưởng thành, lên lão rồi qua đời là một quy luật tất yếu không ai tránh khỏi”, đó chính là quan niệm về sự sống, cái chết của người Nùng Dín. Những người chết đi rồi không có nghĩa là hết mà linh hồn của họ vẫn tồn tại sinh sống như trần gian và có ảnh hưởng tốt, hoặc xấu tới con cháu, họ hàng thân thuộc. Nếu không lo việc ma chay chu đáo, cha mẹ không có “mồ yên mả đẹp” thì linh hồn người chết vẫn lẩn khuất chung quanh người sống, quấy rầy người sống. Cho nên phải làm thế nào đưa tất cả hồn vía người chết về yên ổn ở bên kia thế giới.
Người Nùng Dín tin rằng, những linh hồn đó có ảnh hưởng đến người còn sống. Hồn của người chết sẽ có thể quay về nhà thăm gia đình, phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, sống mạnh khỏe, bình an và ngược lại. Bởi những lẽ đó, việc tổ chức làm ma chay cho người qua đời hết sức được coi trọng. Người Nùng Dín tin rằng, nếu không tổ chức đám tang được cẩn thận thì hồn của người đã mất có thể sẽ về quấy rầy, gây hại cho người còn sống.
Với những sản phẩm Chàng Slaw, người Nùng Dín cho rằng, khi về thế giới bên kia người thân của họ có nhà cửa nguy nga tráng lệ, tiền bạc nhiều thì sẽ là một linh hồn có sức mạnh, khiến ma cũ nể phục và không dám bắt nạt. Chỉ có như vậy thì linh hồn người chết mới bình yên, không về quấy rầy người sống. Bởi vậy, các sản phẩm của Chàng Slaw như nhà táng, cột tiền, cục vàng, cục bạc... luôn rất quan trọng và không thể thiếu trong đám tang của người Nùng Dín suốt bao đời nay.
Cũng giống như các dân tộc khác trên đất Việt, truyền thống hiếu thảo với các bậc sinh thành, tổ tiên luôn được đề cao trong văn hóa của người Nùng Dín. Họ không chỉ có bổn phận phụng dưỡng, chăm sóc cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên khi còn sống mà khi sang thế giới bên kia điều đó vẫn được duy trì. Đây cũng được coi là hình thức báo đáp công ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà.
Khi người thân mất đi, ngoài việc khóc thương, trong tang lễ con cháu phải chuẩn bị các tài sản cho người quá cố như nhà táng, cột tiền, cục vàng, cục bạc, con người... với mong muốn người thân của mình ở thế giới bên kia có được một cuộc sống đủ đầy, thỏa mãn được những mong ước của người sống và người đã chết về muột cuộc sống đủ
Bên cạnh đó, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tranh cắt giấy phản ánh sự đa tầng của thế giới tâm linh, tính lịch sử dân tộc người và tính thủy chung son sắc của đạo nghĩa vợ chồng trong cuộc sống của người Nùng Dín. Trong đó, thế giới tâm linh của người Nùng Dín là thế giới ba tầng, nó phản ánh sự giao lưu hội nhập giữa yếu tố tôn giáo tín ngưỡng bản địa với các tín ngưỡng du nhập thuộc về tam giáo. Thế giới ba tầng ở đây là cõi trời, cõi đất và cõi dân gian.
Trong đời sống của người Nùng Dín, người có khả năng kết nối và giao tiếp, truyền tải thông tin giữa ba cõi này chính là thầy mo. Thầy mo được coi là người truyền tải, người được thần linh ban cho khả năng khác người có thể nghe và hiểu được cả 3 giới. Việc truyền đạt thông tin giữa ba giới được thầy mo thực hiện qua các bài cúng, điệu múa trong mỗi đám tang.
Nghề làm phúc
Việc tiến hành làm tranh cắt giấy cho người quá cố thường do một nhóm nghệ nhân có 5 đến 7 người đảm nhận. Trong đó một người lành nghề, có uy tín nhất đứng đầu chịu tránh nhiệm về kỹ thuật bao quát tất cả các công đoạn, quy trình của việc làm tranh giấy. Những người còn lại tùy theo độ lành nghề mà người đứng đầu phân công làm các công đoạn khác nhau trong việc làm tranh cắt giấy.
Người thợ làm tranh cắt giấy bao giờ cũng lập ban thờ tổ nghề và thầy trực tiếp truyền nghề. Trước khi nhận lời làm tranh cắt giấy cho gia đình nào, họ đều phải làm lễ xin phép thầy và tổ nghề. Bài học đầu tiên khi học nghề là phải hiểu, làm tranh cắt giấy là việc phúc, làm hiếu, nên không được đòi giá cao, chỉ lấy tiền vật liệu và một chút tiền công, thậm chí giúp không cho những nhà khó khăn. Đây là bài học đạo đức được trao truyền trong nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín.
Ngoài chiếc kéo, con dao, người thợ có một bộ đục gồm 36 chiếc tương ứng với từng loại hình hoa văn khác nhau như đục tròn, đục khuyết, đục răng cưa, hình tam giác… từ trí tưởng tượng của người nghệ nhân mà cỏ cây, hoa lá, chim muông, hổ, rồng, vạn vật thiên nhiên được hình thành từ nét cắt, chạm. Với những tạo hình khó, người thợ cả sẽ lấy than củi khắc họa trên giấy, để từ đó những người thợ phụ men theo nét vẽ mà chạm trổ.
Bộ tranh cắt giấy của người Nùng Dín có nhiều loại, thông thường, một bộ tranh cho đám tang bao gồm: nhà táng, cây tiền, những bức trướng, cục vàng, cục bạc, ngựa giấy. Trong đó, nhà táng tượng trưng cho một cơ ngơi khang trang, một cuộc sống đủ đầy; cột điện hay còn gọi là cây tiền thể hiện mong muốn người chết có cuộc sống giàu sang, phú quý; ngựa giấy mang ý nghĩa là con vật chuyên chở hàng hóa khi người quá cố về bên kia; những bức trướng để bày tỏ lòng tiếc thương người qua đời...
Trong quy trình làm tranh cắt giấy, việc đục tranh là khâu quan trọng, khó và mất nhiều thời gian nhất. Tranh cắt giấy được đục theo hai cách: đục trực tiếp trên khổ giấy hoặc đục theo khuôn mẫu có trước. Vì các họa tiết, hoa văn rất sát nhau, với nhiều hình dáng, lại thường đục cả tập giấy dày nhiều lớp, nên lưỡi đục phải sắc, thao tác phải khéo léo... Tùy thuộc vào từng loại hoa văn mà nghệ nhân lựa chọn dụng cụ cắt (kéo, dao, cật nứa), dùi, đục, búa cho phù hợp, để tạo ra các hoa văn sắc nét, tinh tế.
Màu sắc được sử dụng trong các tác phẩm tranh cắt giấy khá đa dạng, hiện nay, các nghệ nhân thường kết hợp nhiều màu khác nhau như tím, đỏ, xanh, vàng, đen và trắng để tạo nên một bức tranh cắt giấy. Việc sử dụng màu trên tranh cắt giấy của người Nùng Dín có nhiều điều riêng biệt, từ kỹ thuật pha chế và nhuộm màu cho tới việc phối màu.
Cụ thể, sau khi đục cắt, chạm trổ là đến việc cài xen các bức chạm trổ tranh giấy màu để trang trí, việc này đòi hỏi phải hết sức khéo léo, nếu không cẩn thận có thể làm rách giấy. Người thợ rỡ từng lớp tranh ra khỏi tập giấy, rồi dán bồi lên một lớp giấy màu khác, màu đối lập với màu tranh để tạo màu sắc hài hòa giữa gam nóng và gam lạnh mà không bị sặc sỡ, lòe loẹt.
Mô típ hoa văn trang trí trên nhà táng đã khắc họa những ý niệm của con người về thế giới cõi âm mà họ tưởng tượng ra qua hình ảnh hoa, lá, cỏ, cây, làng bản, chim muông, thú rừng, trâu bò, lợn gà, con cá, con cua, nhà cửa, công cụ lao động sản xuất như cày, bừa, cuốc xẻng...
Tranh cắt giấy có giá trị nghệ thuật, văn hóa và tâm linh, phản ánh về vũ trụ quan của người Nùng, thể hiện tinh thần cộng đồng cũng như đạo đức xã hội giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Giá trị của nghệ thuật tranh cắt giấy còn thể hiện ở những cung bậc diễn cảm thông qua hình tượng các mô típ hoa văn, mảng mầu, mô tả sự sinh động của vũ trụ cùng với những khát vọng của con người trong thế giới thực tại cũng như gửi gắm vào thế giới tâm linh.
Những điều huyền bí xung quanh Chàng Slaw
Khi hoàn tất một ngôi nhà táng, một cây tiền... bao giờ thầy cả làm tranh cắt giấy cũng dùng những ngọn bông hoa lau để cắm vào các góc mái của nhà táng, trên đỉnh cây tiền... Tuy nhiên, bông lau cũng xuất hiện nhiều trong các lễ cúng của người Nùng Dín. Ví như thầy mo khi làm lễ cúng trong đám tang, bao giờ gia chủ cũng cắm một bông lau trên bàn thờ. Trong ngày Tết trên bàn thờ của mỗi gia đình Nùng Dín cũng thường cắm một bông lau trên lọ hoa hoặc trong tế 1/7 (âm lịch) giữa bàn thờ cúng tế trời ngoài sân cũng có cắm những bông lau.
Nếu nhìn một cách bình thường thì chỉ tưởng tượng về một vẻ đẹp trang trí cho hình thức của những họa tiết hoa văn giấy, tôn thêm vẻ đẹp của của hoa văn cắt giấy trang trí nhà táng, cây tiền hay bàn thờ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa sau khi tìm hiểu thì cho rằng, bông lau lại mang một ý nghĩa khác trong nội dung của câu chuyện trong quá khứ, câu chuyện về hành trình sinh tồn của người Nùng Dín.
Trong cộng đồng người Nùng Dín ngày nay vẫn lưu truyền môt câu chuyện nhuốm màu huyền tích như sau, xưa kia tộc người Nùng Dín sống ở một vùng đất bằng rộng vùng Quảng Tây (Trung Quốc), cai quản canh tác ở một vùng đất phì nhiêu, đời sống của mọi người đều sung túc và no đủ. Thấy vậy, tộc người Hán đã xâm chiếm và đánh đuổi tộc người Nùng Dín. Do ít người nên tộc người Nùng Dín đã bị thua, phải bỏ lại mặt đất mầu mỡ của tổ tiên chốn chạy. Tuy nhiên quân Hán đã đuổi theo và giết hết, để thoát chết người Nùng Dín đã chốn tới ven sông nơi có những rừng lau rậm rạp.
Và chinh những rừng lau ấy đã che khuất không để quân hán phát hiện ra người Nùng Dín đã sống sót. Nhờ vậy họ mới có cơ hội khôi phục lại quân sỹ người Nùng Dín đã đánh lại quân Hán và chiến thắng vào dịp tháng 7 (âm lịch). Vì vậy, người Nùng Dín mới có tết ăn mừng chiến thắng vào ngày 1/7 (âm lịch) hàng năm. Tuy nhiên, để ghi nhớ những đau thương mất mát cũng như sự di cư đến nơi ở mới đồng thời cũng để tạ ơn những bông hoa lau đã cứu sống tộc người của họ trong thời chiến tranh bởi vậy bông hoa lau đã được cắm ở bàn thờ tổ tiên, bàn thờ tế trời cũng như trên nhà táng giấy, cây tiền giấy của đám tang.
Đối với người Nùng Dín bông hoa lau thật có ý nghĩa không những đối với người sống mà còn đối với cả người khất trở về thế giới bên kia. Đó chính là đạo lý cao cả nhất thể hiện lòng biết ơn những gì đương nhiên đã cứu giúp sự tồn vong của tộc người Nùng Dín xưa và nay. Chính vì những lý do trên mà những họa tiết trang trí tranh cắt giấy đã thể hiện một phần lịch sử di cư tộc người của người Nùng Dín ngày nay.
Xung quanh câu chuyện làm nhà táng, ngoài sự xuất hiện của bông lâu thì việc làm nhà lầu 3 tầng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Việc tiến hành làm nhà táng giấy với quy mô nhà lầu 3 tầng còn tùy thuộc vào yếu tố. Trong đó có yếu tố quan trọng thuộc về điều kiện vật chất của các con cháu. Tuy nhiên để làm nhà táng ngắn hay dài căn cứ cụ thể vào từng trường hợp vợ hoặc chồng người chết đó có còn sống hay đã chết trước rồi.
Cụ thể, trong trường hợp người chồng chết trước người vợ thì việc tổ chức lo tang ma cho người chồng sẽ do vợ và con cái đứng ra lo liệu và nhờ thợ về làm. Nhá táng lúc này sẽ được làm dài phủ kín bộ áo quan, còn tầng cao hay tầng thấp tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình đó. Điều này vừa thể hiện đạo nghĩa vợ chồng lo lắng cho nhau, vừa thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa của con cái đối với người cha.
Còn đối với trường hợp người chồng đã chết trước rồi, khi người vợ chết sau việc lo tang cho mẹ chỉ do các con đứng ra lo liệu. Dù các con có giàu có bao nhiêu đi chăng nữa lúc này cũng không thể được phép mời thợ về làm nhà táng dài như khi làm nhà táng cho người bố chết trước. Họ chỉ tiến hành làm nhà táng 3 tầng nhưng thấp hơn khi làm cho người bố hoặc người mẹ chết trước kia. Chiều dài của nhà táng lúc này cũng ngắn hơn chiều dài của nhà táng trước đã làm cho người bố chết trước. Nhà táng xẽ làm ngắn hơn so với chiều dài của áo quan.
Sở dĩ có sự khác biệt này là do họ quan niệm rằng, khi sống ở trần gian thì họ đã là đôi vợ chồng sinh ra được thế hệ các con cháu đề huề, hạnh phúc, dù cho cuộc sống có vất vả tới đâu thì họ vẫn hạnh phúc và thủy chung với nhau. Việc làm nhà lầu cao và dài hơn áo quan cho người chết trước coi như đã làm nhà lầu lớn cho đôi vợ chồng đó rồi. Bởi vậy, khi người vợ chết sau ngôi nhà táng giấy được làm thấp hơn, ngăn hơn vì đó là nhà kho, nhà bếp con cháu làm cho bố mẹ, ông bà.
Người Nùng Dín tin rằng, khi về thế giới bên kia họ tiếp tục đoàn tụ bên nhau mãi mãi ở cõi vĩnh hằng không có gì có thể ngăn cách họ. Với những quan niệm chặt chẽ như vậy trong cách làm nhà táng giấy đã toát lên sự thủy chung của đạo nghĩa chồng vợ trong sự nhìn nhận của người Nùng Dín và thế giới âm dương. Một lần cưới nhau trên trần gian sinh con đẻ cái cũng là lần duy nhất để gắn bó họ với nhau mãi mãi ở thế giới tâm linh. Điều này cũng khẳng định trên giá trị và đạo đức xã hội trong cộng đồng người Nùng Dín về nghĩa vợ chồng son sắc thủy chung...
Từ tất cả những điều trên có thể thấy tranh cắt giấy – Chàng Slaw là một sản phẩm thủ công truyền thống mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ vòng đời của người Nùng Dín. Các loại tranh cắt giấy được người Nùng Dín sáng tạo và gìn giữ, truyền từ đời thế hệ này sang thế hệ khác. Những nét văn hóa được thể hiện qua nghệ thuật tranh cắt giấy cũng là biểu hiện rõ nét về tinh thần cộng đồng, đạo đức xã hội, dòng họ, làng bản tốt đẹp, mang đậm tính nhân văn của người Nùng Dín.
Tiểu Vũ - Tuệ Lâm
https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/ven-buc-man-bi-an-ve-the-gioi-tam-linh-cua-nguoi-nung-din-qua-nghe-chang-slaw-d163951.html