Về Chiến khu Đ - mốc son chói lọi của quân và dân miền Nam

10:56 - 01/05/2023

Nằm giữa mênh mông núi rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, chiến khu Đ là vùng chiến khu cách mạng kiên cường, tập trung những cơ quan đầu não kháng chiến quan trọng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.



Nhà tưởng niệm chiến khu Đ nơi ghi dấu những quá khứ hào hùng của quân và dân ta.

Nhà tưởng niệm chiến khu Đ nơi ghi dấu những quá khứ hào hùng của quân và dân ta.

Hậu phương kháng chiến

Ra đời vào cuối những năm 1945, khi mà thực dân Pháp mở rộng chiến tranh, leo thang đánh chiếm các đô thị và vùng kinh tế, đường giao thông, công trình… nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

Sau hai tháng kể từ khi thực dân Pháp đánh lên Biên Hoà, Thủ Dầu Một, cùng với quá trình phân hóa tan rã của các sư đoàn Cộng Hòa vệ binh (thành lập sau Cách mạng tháng Tám) và sự ra đời của lực lượng vũ trang cách mạng trong toàn khu, nhiều đơn vị vũ trang và cơ quan đầu não kháng chiến Khu 7 đã lần lượt rút về căn cứ Tân Uyên củng cố xây dựng lực lượng.

Ngày 20/3/1946, Khu bộ Khu 7 họp bất thường tại xã Lạc An, Tân Uyên thuộc tỉnh Biên Hoà xưa (nay là địa phận tỉnh Bình Dương), tiến hành cải tổ lại cơ quan khu bộ, thảo luận những biện pháp xây dựng địa bàn đứng chân, quy định các khu vực doanh trại, bố trí hệ thống phòng thủ chiến đấu nhằm ngăn chặn, tiêu diệt giặc và bảo vệ an toàn căn cứ.

Sau hội nghị, công tác xây dựng căn cứ bắt đầu được triển khai tương đối có hệ thống. Các cơ quan, đơn vị, công xưởng… phân chia đóng từng khu vực. Mỗi khu vực mang một mật danh A, B, C, D.

Sự hi sinh của chiến sĩ Phạm Văn Xem trở thành một trong những biểu tượng bất khuất cho tinh thần đấu tranh của dân tộc ta.

Sự hi sinh của chiến sĩ Phạm Văn Xem trở thành một trong những biểu tượng bất khuất cho tinh thần đấu tranh của dân tộc ta.

Theo ông Võ Bá Nhạc - nguyên Chánh văn phòng Khu bộ Khu 7 - A là căn cứ giao thông liên lạc đóng ở Giáp Lạc, B là căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang, C là khu vực bộ đội thường trực đóng ở sở Ông Đội, Đ là tổng hành dinh Khu 7 đóng ở Ngãi Hoang. Dần dần về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả vùng chiến khu rộng lớn ngày càng phát triển. Khu bộ lập một trung đội “bộ đội danh dự gương mẫu” làm nhiệm vụ nghi thức và lưu động tác chiến bảo vệ cơ quan trung khu. Từ đây căn cứ Tổng hành dinh Khu 7 thường được gọi là Chiến khu Đ.

Hồi ức những người lính

Với truyền thống cách mạng của gia đình, trước khi tòng quân, ông Nguyễn Ngọc Tứ (SN 1940) đã cùng gia đình trở thành hậu phương nuôi bộ đội tại vùng chiến khu Đ. Nhớ như in ngày đó, ông kể lại: “Đầu những năm 60, khi quân Mỹ dần thay thế Pháp tại Việt Nam, lập nên chính quyền phản cách mạng nhằm chống lại lực lượng kháng chiến của ta, đó là mùa tôi bị bắt đi quân dịch nhưng không chấp nhận, tôi đã tòng quân tại vùng chiến khu Đ tại đơn vị vũ trang C250, tham gia vào kháng chiến chống Mỹ”.

hơn 70 ngôi mộ tại nghĩa trang chiến khu Đ chí có 5 ngôi mộ có tên.

Hơn 70 ngôi mộ tại nghĩa trang chiến khu Đ chí có 5 ngôi mộ có tên.

Thời đó thiếu thốn trăm bề, khó khăn, gian khổ bủa vây, quân địch liên tục đánh phá cũng không đáng sợ bằng sốt rét. Ông Tứ nhớ lại: “Khó khăn thì không bao nhiêu, đói rét thì chịu được, chỉ có cái sốt rét là đáng sợ, hồi đó ai vô cũng “cống hiến” mấy tháng sốt rét, thậm chí còn không ít người nằm xuống vùng rừng núi này không phải vì bom đạn mà bởi vì sốt rét”.

Dù là hậu phương kháng chiến nhưng chiến khu Đ vẫn luôn phải hứng chịu những trận oanh tạc của địch, ông Nguyễn Minh Tân (SN 1948) tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi, nhớ như in ngày đầu tham gia cách mạng, vì còn trẻ nên ông Tân được các cô chú ưu ái cho đi nấu nước phục vụ lãnh đạo.

Bồi hồi nhớ lại những ngày kháng chiến giữa rừng, ông Tân chia sẻ: “Ác liệt thì không quản nhưng gian khổ trăm bề, sốt rét nhất là sốt rét cấp tính, nó giật ghê lắm, té trên giường xuống, mà thời đó thuốc men chưa có nhiều, chủ yếu thuốc đông y, cây rừng nấu uống để cắt cơn, cầm hơi”.

Do giao thông hạn chế, lương thực phải xuống ở dưới làng tải về, mỗi lần đi phải 2 ngày đường trèo đèo lội suối, để có thêm cái ăn, nhiều chiến sĩ được phân công đi phát nương, làm rẫy. “Thời kỳ đầu còn được nhưng đến những năm 1965 trở về sau thì chịu vì địch biết, mở chỗ nào là chúng đánh phá chỗ đó”, ông Tân nhớ lại.

Thời điểm những năm 1965-1966, chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, đặc biệt là ngành thông tin liên lạc, ngày đó, 3 trạm thông tin liên lạc của địch chuyên theo dõi sóng điện đàm ở núi Chứa Chan, núi Bà Đen và Phú Long tạo thành một tam giác, xác định tọa độ của quân ta tại chiến khu Đ, chỉ đường cho pháo binh và không quân đánh phá.

Ông Tân kể: “Hầu như tuần nào cũng bị nã pháo, ném bom, lúc đó đơn vị của tôi là Ban thông tin liên lạc chuyển xuống hoạt động dưới hầm hết, làm việc dưới tiếng bom đạn không vững là rất dễ mất tinh thần như chơi”.

ngoài những ngôi mô vô danh được quy tập, còn nhiều chiến sĩ đang nằm đâu đó giữa núi rừng.

Ngoài những ngôi mô vô danh được quy tập, còn nhiều chiến sĩ đang nằm đâu đó giữa núi rừng.

Giữa sự sống và cái chết

Cao điểm nhất là vào năm 1966, chính quyền tay sai của Mỹ cho mở chiến dịch mang tên Thành phố bạc với tham vọng tiêu diệt đầu não miền Đông và san bằng vùng đất chiến khu Đ. Để thực hiện ý đồ đó, chúng thậm chí đã sử dụng “pháo đài bay B52” ném bom rải thảm những nơi được cho là bộ đội ta hoạt động. Bị tổn thất nặng nề nhất là căn cứ 505.

Khoảng 8h sáng ngày 10/3/1966, những chiếc máy bay B52 bắt đầu oanh tạc căn cứ chiến khu Đ, lúc đó khói lửa ngập trời, tiếng bom, tiếng đạn xe toạc không gian chốn núi rừng.

Ít giờ sau khi máy bay đi qua là một khung cảnh tan hoang, khói lửa, nhiều chiến sĩ hi sinh, nhiều đồng chí bị thương rất nặng, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc nhưng trong giờ phút đó, ông Tân vẫn nhớ như in câu nói của anh Xem (chiến sĩ Phạm Văn Xem) khi được các y bác sĩ cứu chữa và băng bó vết thương rằng: “Các đồng chí hãy dùng số bông băng đó để dành lại cho các chiến sĩ bị thương nhẹ hơn tôi, chắc tôi không qua khỏi đâu, các đồng chí nói dùm tiểu đội của tôi lấy tiền sinh hoạt phí tháng 3 đóng dùm tôi đảng phí tháng 3”.

1682911270710_H5

 

“Đứng giữa sự sống và cái chết, anh ấy vẫn không ngừng nghĩ về những người đồng đội của mình, anh nằm xuống để cho những người khác đứng lên, các anh hi sinh để có được độc lập ngày hôm nay” ông Tân bồi hồi.

Hiện nay nghĩa trang liệt sĩ chiến khu Đ có 70 ngôi mộ được xây cất khang trang, sạch sẽ trong đó chỉ có 5 ngôi mô có tên, còn lại là vô danh. Tuy nhiên đây chỉ một trong số ít những liệt sĩ được tìm thấy.

Chiến tranh đã qua đi nhưng còn lại đâu đó dưới bạt ngàn núi rừng, nhiều chiến sĩ vẫn đang nằm lại, nhiều khi đào lên cũng không còn hài cốt nguyên vẹn, có những gia đình biết người thân mình hi sinh ở vùng đất chiến khu Đ nhưng khi nhận lại chỉ là một nắm đất để thờ cúng hương hỏa.