VATM: Công tác Chuyển đổi số

06:34 - 18/01/2024

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là doanh nghiệp công ích trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ điều hành an toàn, điều hòa và hiệu quả cho các hoạt động bay quá cảnh và đi đến trong các vùng thông báo bay của Việt Nam. Tổng công ty nhận thức đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc đảm bảo an ninh Quốc gia đồng thời góp phần quản lý, điều hành bay, góp phần phát tr

Cùng với sự phát triển của công nghệ IP và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra, các hệ thống thông tin, dẫn đường giám sát hiện đại trên thế giới đang dần dịch chuyển sang sử dụng công nghệ IP thay vì các nền tảng tương tự cũ. Các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cũng dịch chuyển sang chuyển đổi số. Việc chuyển đổi đặt ra cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam những cơ hội và thách thức như làm thế nào để triển khai thực hiện các bước chuyển đổi số để theo kịp xu hướng công nghệ thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam; đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống thông tin.

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và sẵn sàng chấp nhận thất bại.

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty, doanh nghiệp.

Các hướng dẫn tổng quát trong thực hiện chuyển đổi số đối với doanh nghiệp tại Việt Nam
Các giai đoạn trong chuyển đổi số

Mô hình các giai đoạn trong chuyển đổi số (nguồn Ernst & Young)

Giai đoạn “Doing Digital”

Ở giai đoạn này, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp được triển khai riêng lẻ, chưa có tính kết nối. Cụ thể, doanh nghiệp chủ yếu tận dụng các giải pháp công nghệ để tập trung vào chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và duy trì ổn định chuỗi cung ứng với mục tiêu hướng tới gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhanh chóng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Các giải pháp công nghệ cho phát triển kinh doanh, mở rộng kênh bán hàng đơn giản trong giai đoạn này được doanh nghiệp lựa chọn có thể nói đến như thương mại điện tử và hỗ trợ bán hàng đa kênh (omni-channel), truyền thông và marketing online, thanh toán trực tuyến, v.v. Với sự phát triển không ngừng của xu hướng 4.0, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dù chưa có kinh nghiệm trong chuyển đổi số nhưng với tiềm năng và nguồn lực sẵn có có thể dễ dàng tiếp cận với các giải pháp này với chi phí hợp lý.

Bên cạnh đó do mục tiêu chuyển đổi số luôn gắn liền với trải nghiệm khách hàng, các doanh nghiệp cần đáp ứng nhu cầu thay đổi mỗi ngày thông qua việc áp dụng công nghệ số trong xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo tính linh hoạt, đa dạng và bền vững.

Giai đoạn “Becoming Digital”

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp chú trọng vào áp dụng công nghệ số ở phạm vi rộng, có sự kết nối giữa các chức năng để chuyển đổi mô hình quản trị và tạo ra kết nối ban đầu với mô hình kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho việc điều hành doanh nghiệp bền vững và duy trì tăng trưởng. Doanh nghiệp bắt đầu áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống báo cáo quản trị hoàn chỉnh và liên kết với các dữ liệu sẵn có như số liệu bán hàng, nhập xuất kho, số liệu hạch toán kế toán. Ngoài hệ thống báo cáo, ở giai đoạn quá độ này, doanh nghiệp sẽ số hóa quy trình lập kế hoạch, ngân sách và dự báo (PBF) và quản trị nguồn nhân lực (HRM) để nâng cao hiệu quả quản trị chi phí, nhân sự.

Dữ liệu doanh nghiệp ở giai đoạn này được thu thập và liên kết với nhau một cách xuyên suốt trong các chức năng, từ bán hàng, quản lý hàng tồn kho cho đến kế toán. Do sự phát triển và mở rộng của tập dữ liệu khách hàng cũng như doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cần đưa ra các giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng. Sự kết nối liên tục của dữ liệu phép doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch ngân sách, dự báo doanh thu và dòng tiền, xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực, v.v. cho các giai đoạn tiếp theo của mình.

Giai đoạn “Being Digital”

Đây có thể được gọi là giai đoạn chuyển đổi số hoàn toàn, khi các hệ thống kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp được kết nối và tích hợp đồng bộ với nhau, thông tin chia sẻ xuyên suốt các phòng ban và theo thời gian thực. Các giải pháp kết nối toàn bộ doanh nghiệp cần được triển khai ở giai đoạn này, trên cơ sở xem xét cấu trúc doanh nghiệp và các hệ thống hiện có cũng như năng lực của doanh nghiệp. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư nhiều vào các sáng kiến để tạo ra sự đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp và là động lực để bứt phá, đuổi kịp các doanh nghiệp lớn hơn. Tuy nhiên để một doanh nghiệp có thể trở thành “doanh nghiệp số” đòi hỏi những thay đổi sâu sắc về kỹ năng, vai trò của lãnh đạo và thậm chí là văn hóa doanh nghiệp. Chính vì vậy ngay từ ở những giai đoạn đầu của lộ trình chuyển đổi số, yếu tố con người luôn cần được coi trọng và phát triển đồng thời với việc chuyển đổi số doanh nghiệp.

Lộ trình CĐS phổ biến cho doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm giai đoạn chuẩn bị và 03 giai đoạn để thực hiện chuyển đổi dần từ “doing digital” sang “being digital”. Các giai đoạn có thể được thực hiện song song hoặc nối tiếp nhau, tùy thuộc vào mục tiêu và tiềm lực hiện tại của doanh nghiệp. Đây là lộ trình phổ biến cho doanh nghiệp và cần được tùy chỉnh để phù hợp với hiện trạng của từng doanh nghiệp. Tóm tắt lộ trình chỉ dẫn như dưới đây:

 Phân tích SWOT đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Các giải pháp công nghệ theo từng giai đoạn của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp

Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn là Việt Nam trở thành Quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Ngày 8/12/2020 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 2269/QĐ-BGTVT về chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu xây dựng hạ tầng công nghệ số phục vụ quản lý điều hành bay, hỗ trợ kiểm soát không lưu bảo đảm an toàn bay.

Ngành Hàng không là một trong những ngành có ứng dụng công nghệ hiện đại, liên tục trên tuyến đầu của chuyển đổi kỹ thuật số kể từ khi cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu gần một phần tư thế kỷ trước. Trong lĩnh vực Hàng không, ngành Quản lý hoạt động bay là một trong những trụ cột sớm có có các ứng dụng số hóa thông tin (digitization), ứng dụng CNTT (Digitalization), thể hiện thông qua việc đầu tư, khai thác các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động bay trên toàn cầu và cũng sẽ là một trong những trụ cột đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số trong ngành Hàng không.

Nhận thức rõ chuyển đổi số đã được xác định là cơ hội để Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội; bám sát các định hướng, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực chuyển đổi số, Tổng công ty xác định mục tiêu và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm (1). Chuyển đổi nhận thức; (2). Kiến tạo thể chế; (3). Phát triển hạ tầng số; (4). Phát triển dữ liệu số; (5)Xây dựng nền tảng số; (6). Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; (7). Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; (8). Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số, cụ thể như sau:

- Chuyển đổi nhận thức:

Chuyển đổi nhận thức được lồng ghép trong các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo thường xuyên và tuyên truyền nâng cao nhận thức của Tổng công ty. Phối hợp với các tổ chức kinh tế, xã hôi xây dựng chương trình nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp đặc thù như Tổng công ty.

- Kiến tạo thể chế:

Tổng công ty đã thành lập Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin và Ban chỉ đạo An toàn thông tin của Tổng công ty và giao cho Phó tổng giám đốc Phụ trách kỹ thuật làm trưởng Ban nhằm đưa ra các chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt về các nội dung CNTT và ATTT của Tổng công ty. Đây là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm chỉ đạo về CNTT và an toàn thông tin tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Ngoài ra, Tông công ty cũng chỉ định các đầu mối chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, đơn vị trong Tổng công ty.

Tổng công ty đã ban hành Quy chế về đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin của tổng công ty Quản lý bay việt Nam.

- Phát triển hạ tầng số:

Hạ tầng cho cho công tác đảm bảo hoạt động bay:

Nhằm chuẩn bị hạ tầng cho việc dịch chuyển nển tảng công nghệ quản lý bay từ công nghệ tương tự thế hệ cũ sang IP, Tổng công ty đã phê duyệt đề án mạng viễn thông hàng không ATN với mục tiêu xây dựng một hạ tầng Công nghệ thông tin thống nhất cho các hệ thống đảm bảo hoạt động bay của toàn Tổng công ty. Theo đó, dự án triển khai mạng ATN mặt đất của Tổng công ty đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng. 

Hạ tầng cho công tác quản trị điều hành sản xuất

Tương tự nền tảng cho các hệ thống đảm bảo hoạt động bay, nền tảng thống nhất cho các hệ thống quản trị điều hành sản xuất cũng đang dần được hình thành với việc triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, áp dụng chữ ký số trên hệ thống Văn phòng điện tử. Cùng trên nền tảng viễn thông đó, các hệ thống phục vụ quản trị, điều hành sản xuất của Tổng công ty sẽ được triển khai.

- Phát triển dữ liệu số:

Dữ liệu số cho công tác đảm bảo hoạt động bay:

Tổng công ty đã và đang triển khai xây dựng các hệ thống nhằm tiến tới việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành hàng không trong nước và quốc tế:

Trong đó, Tổng công ty đã xây dựng và trình Cục Hàng không Việt Nam đề án kế hoạch thực hiện Quản lý tin tức thông qua hệ thống mở rộng (SWIM). Thông qua SWIM, dữ liệu hàng không bao gồm các lĩnh vực khí tượng, tin tức hàng không, kế hoạch bay … được quản lý, chia sẻ giữa các bên liên quan trong nước và quốc tế dưới các định dạng tiêu chuẩn được tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế ICAO quy định (IWXXM, AIXM, FIXM ).

Để phục vụ SWIM, các hệ thống thành phần đã được đầu tư bao gồm:

Hệ thống quản lý tin tức hàng không (AIM) nhằm cung cấp và quản lý dữ liệu tin tức hàng không.

Hệ thống chuyển tiếp điện văn tự động AMHS cung cấp phương tiện trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống trong SWIM.

Các hệ thống đang trong quá trình xây dựng:

Hệ thống Cơ sở dữ liệu khí tượng nhằm cung cấp và quản lý dữ liệu khí tượng hàng không.

Các hệ thống quản lý không lưu tự động ATM thuộc dự án trung tâm kiểm soát tiếp cận, tại sân ATCC Hồ Chí Minh, Trung tâm quản lý luồng không lưu ATFM .. đều có định hướng xây dựng với định dạng dữ liệu đảm bảo kết nối SWIM trong tương lai.

Dữ liệu số cho công tác quản trị điều hành sản xuất:

Tổng công ty đã phê duyệt đề án ứng dụng Công nghệ thông tin cho công tác quản trị và điều hành Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam giai đoạn 2016-2020 trong đó mục tiêu hướng đến đồng nhất dữ liệu trong công tác quản trị, điều hành sản xuất, triển khai áp dụng hệ thống ERP. Dự án đã được phê duyệt, tuy nhiên do ảnh hưởng Covid-19, dự án tạm hoãn thực hiện.  Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu trước mắt, Tổng công ty đã có kế hoạch triển khai một số thành phần của đề án theo các nhiệm vụ khoa học công nghệ bao gồm Công tác quản lý cán bộ công chức và công tác Quản lý kỹ thuật.

Tổng công ty cũng đang trong quá trình triển khai dự án “Số hóa và xây dựng phần mềm quản lý lưu trữ, tích hợp công nghệ OCR” nhằm quản lý văn bản, tài liệu dưới định dạng số. Hệ thống này sẽ kết nối với hệ thống văn phòng điện tử để đồng nhất về mặt dữ liệu.

Hệ thống Văn phòng điện tử đã được Tổng công ty triển khai sử dụng trên phạm vi toàn quốc, hỗ trợ công tác quản lý văn bản, giao việc, áp dụng chữ ký số và đã được kết nối liên thông với hệ thống của Bộ Giao thông vận tải.

- Xây dựng nền tảng số:

Để triển khai áp dụng nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ giao thông vận tải, Tổng công ty đã tích cực đóng góp ý kiến cho kế hoạch và phương án thực hiện của Cục Hàng không Việt Nam. Theo đó, khi Cục Hàng không Việt Nam có yêu cầu, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ sẵn sàng phối hợp.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm chia sẻ, kết nối tích hợp liên thông dữ liệu với các bên liên quan cũng như quốc tế như thực hiện các chương trình kết nối AIDC, kết nối AMHS, kết nối dữ liệu khí tượng với trung tâm khí tượng thủy văn, Trung tâm dữ liệu khí tượng khu vực (ROBEX)…

- Bảo đảm an toàn thông tin:

Nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống của Tổng công ty, Tổng công ty đã ban hành Quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng của Tổng công ty. Tổng công ty đang trong quá trình triển khai xây dựng và phê duyệt cấp độ và phương án đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống. Đối với các dự án về CNTT, trong quá trình xây dựng dự án, Tổng công ty đều có yêu cầu về xây dựng phương án đảm bảo ATTT theo cấp độ.

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Để chuẩn bị nguồn nhân lực CNTT, Tổng công ty đã điều chỉnh, bổ sung từ điển năng lực và tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật khối kỹ thuật Tổng công ty trong đó bổ sung yêu cầu về chuyên môn CNTT. Theo đó, Tổng công ty đã triển khai các chương trình đào tạo phổ cập CNTT cho các nhân viên kỹ thuật. Trong năm 2020, Tổng công ty đã triển khai chương trình cho các nhân viên kỹ thuật khu vực phía Bắc. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ triển khai cho các khu vực còn lại.

- Hợp tác Quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số:

Ngành quản lý hoạt động bay thuộc lĩnh vực có hội nhập Quốc tế sâu rộng. Các hệ thống thường được kết nối liên thông giữa các Quốc gia để trao đổi các dữ liệu liên quan đến hoạt động điều hành bay. Tổng công ty luôn bám sát các chính sách của tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế ICAO, tổ chức các nhà quản lý hoạt động bay CANSO để kịp thời có những quyết sách, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu hợp tác. Tổng công ty cũng đã và đang hợp tác với các tổ chức tư vấn lớn, uy tín trên thế giới như MITRE (Hoa Kỳ), Boeing, NAVBLUE, JICA… để xây dựng các kế hoạch quản lý luồng không lưu, xây dựng phương thức bay…đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, dự kiến thành lập cơ quan nghiên cứu, phát triển của TCT. Hoạt động khoa học công nghệ của TCT ngày càng được đẩy mạnh theo các năm, các nhiệm vụ KHCN này hầu hết có hàm lượng số hóa cao, sẵn sàng cho công tác chuyển đổi số.

Để triển khai các công tác có liên quan đến chuyển đổi số, Tổng công ty đã ban hành Kế hoạch khung thực hiện Chuyển đổi số trong công tác quản trị điều hành sản xuất giai đoạn năm 2024-2025 và đến năm 2030, trong đó có các nội dung như sau:

Kế hoạch thực hiện đến 2025

Căn cứ vào hiện trạng và nhu cầu ứng dụng CNTT trong việc hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam, đề xuất phương án thực hiện chuyển đổi số đối đến năm 2025 với Tổng Công ty như sau:

- Thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Tổng công ty trên cơ sở hợp nhất, kiện toàn Ban chỉ đạo An toàn thông tin và Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin của Tổng công ty do Tổng giám đốc làm Trưởng ban, Phó Tổng giám đốc phụ trách Kỹ thuật làm Phó ban. Thành lập Tổ giúp việc để tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo Chuyển đổi số.

- Duy trì các bộ phận CNTT tại Tổng Công ty và các trung tâm/đơn vị làm đầu mối quản lý, triển khai, vận hành các dự án CNTT, hạ tầng CNTT của Tổng Công ty, phần mềm ứng dụng CNTT. Bộ phận này cũng có nhiệm vụ quy hoạch và đề xuất các chính sách, quy chế ứng dụng CNTT trong toàn Tổng Công ty làm cơ sở pháp lý thực hiện triển khai, vận hành, hỗ trợ hạ tầng CNTT và các phần mềm ứng dụng tập trung cũng như thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh CNTT chung cho toàn Tổng Công ty.

- Hoàn thành việc cải tiến các quy trình nghiệp vụ, bố trí lại tổ chức, phân công lại công việc khi thực hiện triển khai ứng dụng CNTT vì việc ứng dụng CNTT sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tổ chức, phân công công việc, quy trình nghiệp vụ hiện tại. Song song với việc cải tiến, cần tiến hành xây dựng, đào tạo các quy trình vận hành ứng dụng CNTT kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả ứng dụng CNTT.

- Nhanh chóng ứng dụng, triển khai phần mềm ứng dụng lõi Quản lý Doanh nghiệp tổng thể (ERP) bao gồm:

- Tài chính – kế toán

- Thu phí điều hành bay

- Quản lý kho

- Quản lý tài sản

- Quản lý mua hàng

- Quản lý kỹ thuật

- Quản lý kế hoạch

- Quản lý đầu tư, dự án

- Báo cáo quản trị Business Intelligence: Là phân hệ báo cáo quản trị cho phép tổng hợp liên kết dữ liệu từ tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ nói trên để xử lý tổng hợp và có thể hiển thị thành các dạng biểu đồ khác nhau phục vụ nhu cầu phân tích, từ đó Ban Lãnh đạo có được bức tranh tổng thể về toàn bộ hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Cho phép người dùng tạo các chỉ số quản lý theo từng cấp độ, các chỉ số quản trị quan trọng dành cho Ban Lãnh đạo, cho các cơ quan đơn vị. Do đó tại mọi thời điểm các cấp Lãnh đạo để có thể xem xét mức độ hoạt động của cả tổ chức.

- Thực hiện nâng cấp, bổ sung thiết bị đầu cuối cho người dùng (máy trạm, máy in, …) và bản quyền các phần mềm văn phòng theo nhu cầu khai thác, sử dụng của người dùng cuối với cấu hình kỹ thuật  phù hợp.

Kế hoạch thực hiện đến 2030

Tập trung triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện các hệ thống CNTT và ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động của Tổng công ty, danh sách các phần mềm ứng dụng, dự án được thực hiện trong công tác chuyển đổi số đối với các hệ thống phục vụ công tác quản trị doanh nghiệp của Tổng Công ty Quản lý Bay Việt nam đến năm 2030 như sau:

- Hoàn thành quy hoạch và kết nối hạ tầng mạng – truyền thông diện rộng (WAN) trong toàn Tổng Công ty cho phép kết nối tất cả các trụ sở làm việc lớn, các công ty Thành viên kết nối liên thông thông và đảm bảo yêu cầu chất lượng kết nối mạng, an toàn thông tin đáp ứng nhu cầu khai thác cơ bản đồng thời có các phương án dự phòng đảm bảo khả năng sẵn sàng của hệ thống mạng truyền thông diện rộng của Tổng Công ty. Hệ thống mạng diện rộng toàn Tổng công ty (bao gồm cả triển khai, nâng cấp các hệ thống mạng LAN cho các trụ sở làm việc), Các hệ thống sao lưu, dự phòng, đảm bảo an toàn thông tin.

- Từng bước xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) của Tổng Công ty nhằm tạo môi trường sẵn sàng và đảm bảo an toàn, bảo mật cho việc khai hạ tầng mạng - truyền thông, các phần mềm ứng dụng tập trung. Hoạt động xây dựng Trung tâm dữ liệu cần có quy hoạch tổng thể nhưng sẽ thực hiện triển khai từng bước phù hợp với nhu cầu ứng dụng CNTT và khả năng đầu tư của Tổng Công ty.

- Mở rộng hệ thống Quản lý Doanh nghiệp tổng thể tích hợp các ứng dụng, bao gồm:

- Quản lý Cán bộ/Nhân viên;

- Quản lý dữ liệu An toàn  và dữ liệu an ninh hàng không;

- Quản lý Kỹ thuật;

- Quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành,

- Quản lý chất lượng điện tử (ISO Online),

- Cổng thông tin ứng dụng nội bộ (Intranet). 

Không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy. Nó đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khuôn khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp, tổ chức của mình.

Không có ngành nào nằm ngoài cuộc của quá trình chuyển đổi số. Để phục vụ khách hàng và tính cạnh tranh trên thị trường, nhiều công ty trong các lĩnh vực đang đầu tư vào chuyển đổi số để đưa kỹ thuật số vào quy trình và văn hóa của họ.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có được sự nhìn nhận đúng đắn, sự chỉ đạo xuyên suốt, cụ thể từ các cấp Lãnh đạo về nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số. Để đạt được thành công cần sự tham gia của tất cả cán bộ -công nhân viên và cán bộ lãnh đạo từ tất cả các cấp để không bị “bỏ lại phia sau” trong và không thể đứng ngoài cuộc xu hướng chuyển đổi số chung của thế giới cũng như trong nước.

Nguồn: VATM: Công tác Chuyển đổi số (opensky.com.vn)