Sáng 9/11, tại Ga S8 - Ga Cầu Giấy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội, cam kết phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô vì mục tiêu Net Zero năm 2050.
Sự kiện đánh dấu mốc son quan trọng trong quá trình phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, tiện ích và hướng đến tương lai xanh, phát triển bền vững cho Thủ đô.
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội là dự án quan trọng trong quy hoạch giao thông đô thị, nhằm giải quyết áp lực giao thông, giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Với chiều dài hơn 12,5 km, đoạn trên cao dài 8,5 km từ Nhổn đến Cầu Giấy đã chính thức khai thác thương mại từ 8h00 ngày 8/8/2024. Sau ba tháng khai thác thương mại, tuyến đã phục vụ hơn 2 triệu lượt khách, phản ánh nhu cầu lớn và sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân.
Khai mạc buổi lễ, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạn, thực tiễn đã chứng minh hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, không gian phát triển mới được hình thành đến đó, quỹ đất được khai thác hiệu quả. Đường sắt đô thị là phương thức vận tải quan trọng, cung cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, năng lực vận tải lớn, ổn định, tin cậy, an toàn, thân thiện môi trường; nhiều quốc gia đã, đang ưu tiên phát triển đường sắt đô thị để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông, tai nạn và giảm thiểu lượng phát thải khí CO2 ra môi trường, mở ra không gian phát triển kinh tế-xã hội.
"Việc phát triển đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là tất yếu của giai đoạn phát triển mới," ông Dương Đức Tuấn nói.
Tham dự sự kiện, ông Olivier BROCHET, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam phát biểu, để xây dựng tuyến métro số 3 này, các công ty Pháp được lựa chọn và tham gia dự án đã mang tới Việt Nam những công nghệ mũi nhọn với các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất, từ các đoàn tàu Metropolis do Alstom cung cấp cho đến hệ thống bán vé tự động RATP Smart Systems.
Dự án này bổ sung cho những thành công trước đây của Pháp trong các dự án lớn mang tính cơ cấu và đổi mới trên khắp đất nước. Trong các lĩnh vực vũ trụ, đường sắt hay năng lượng, thông qua nguồn tài chính và chuyên môn của mình, Pháp đã có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển và chúng tôi hy vọng tăng cường hợp tác này trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Nối tiếp đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3 của thành phố, ông Julien Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, thông qua quan hệ đối tác với AFD, EU đã huy động 10 triệu euro để tài trợ cho các hoạt động chuẩn bị cho việc mở rộng tuyến Metro này từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai.
"Sự hỗ trợ của chúng tôi bao gồm nghiên cứu khả thi và các nghiên cứu khác để phát triển hiệu quả mạng lưới giao thông công cộng của thủ đô Hà Nội. Hơn nữa, chúng tôi cam kết hỗ trợ huy động Nhóm châu Âu để đầu tư cho phần mở rộng này, bao gồm AFD, KFW và có thể cả Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Điều này phù hợp với sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của EU và cung cấp cho các quốc gia đối tác của EU như Việt Nam những sự hợp tác chất lượng của EU," ông nói.
Ngay sau Lễ Vận hành thương mại, cam kết phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô vì mục tiêu Net Zero năm 2050, các đại biểu đã thực hiện Nghi lễ gắn biển khánh thành công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) cho đoạn trên cao Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Tiếp đến, các đại biểu đã tham dự Lễ khánh thành tác phẩm nghệ thuật METIS. Nhân dịp khai thác thương mại đoạn trên cao, tác phẩm công cộng "Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc - Il est cinq heures, Hanoï s’éveille" của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam đã được AFD thông qua quỹ METIS, trao tặng thành phố Hà Nội.
Với sự phối hợp cùng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, tác phẩm được đặt tại Ga S8-Cầu Giấy, tác phẩm hòa quyện giữa lịch sử, văn hóa và thiên nhiên, tạo nên một không gian tương tác sống động, với mong muốn nâng cao trải nghiệm giao thông công cộng và gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường đến từng hành khách trên hành trình xanh. Đây là tác phẩm nghệ thuật công cộng đầu tiên tại Việt Nam được đặt tại nhà ga của đường sắt đô thị.
Mang cảm hứng từ thiết kế tàu điện “Leng keng” Hà Nội đầu thế kỷ XX, tác phẩm phác hoạ một toa tàu hóa thạch đồ sộ từ hơn 15.000 mảnh gốm với chiều cao hơn 2,8m và chiều ngang hơn 3,5m đang trong trạng thái tan chảy, gợi nên những liên tưởng tới hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tương tác với Công viên Thủ Lệ gần nhà ga S8, một vườn động thực vật trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống hiện lên sống động trên thân tàu, hòa quyện với cảnh quan đền Voi Phục, một trong Tứ trấn Thăng Long.
Sự giao thoa giữa tranh dân gian Việt Nam cùng kỹ thuật dệt vải lâu đời Toile de Jouy thanh lịch và tinh tế của văn hóa Pháp đã trở thành nguồn cảm hứng để nghệ sĩ Xuân Lam thể hiện từng nét vẽ tỉ mỉ, với kỹ thuật đan chéo đặc trưng, tạo nên nét độc đáo cho khu vườn dân gian Việt-Pháp.
Sau khi chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, các đại biểu bắt đầu chuyến tàu điện đặc biệt với chủ đề “Lướt Hà Nội phố cùng Metro Xanh.”
Trên hành trình xanh từ ga Cầu Giấy đến ga Nhổn, hành khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp phố phường Hà Nội mà còn như lạc vào dòng chảy văn hóa, lịch sử thông qua những câu chuyện sống động dọc tuyến đường. Chiều ngược lại, từ ga Nhổn về Cầu Giấy, không gian tàu bỗng trở nên lắng đọng với các giai điệu dân gian sâu lắng như "Qua cầu gió bay," "Lý cây bông" và những thanh âm thân thương của "Giai điệu Việt Nam mình".
Những bản nhạc ấy, dưới bàn tay điêu luyện của các sinh viên Bộ môn Nhạc cụ truyền thống từ Đại học FPT, mang đến một hơi thở mới, trẻ trung nhưng vẫn giữ trọn nét đẹp xưa.
Chuyển đổi xanh là một hành trình đầy thử thách, nhưng chính trong những khoảnh khắc gian khó ấy, chúng ta có cơ hội tạo nên những thay đổi mang tính bước ngoặt, mở ra một tương lai tươi sáng và bền vững cho thế hệ mai sau.
Sự kiện Lễ vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội, cam kết phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô vì mục tiêu Net Zero năm 2050 không chỉ đánh dấu một sự kiện giao thông quan trọng, một công trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, mà còn thể hiện tầm nhìn bền vững của thành phố. Đặc biệt, sau những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây nên, cần cấp thiết triển khai những hành động cụ thể để truyền thông công tác bảo vệ môi trường và xây dựng tương lai bền vững.
Hướng tới Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2024 (COP 29) sẽ diễn ra từ ngày 11-22/11/2024 tại Baku, Azerbaijan, sự kiện ngày hôm nay càng thể hiện nỗ lực biến cam kết thành hành động.
Việc chính thức đưa đoạn trên cao Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội vào khai thác thương mại sẽ là một hành động cụ thể, tiên phong trong chuyển đổi xanh, nhằm tạo nền móng cho ngành giao thông của Hà Nội hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050./.