Van dung sang tao bai hoc Hiep dinh Paris trong hoan canh moi hinh anh 1Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm.” (Nguồn: báo Quốc tế)

Những ngày này, nhân dân cả nước cũng như thế giới nhớ về thời điểm lịch sử nửa thế kỷ trước - Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973-27/1/2023).

Một chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng hòa bình mãnh liệt của một dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống hòa hiếu, tinh thần nhân văn sâu sắc.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - người có may mắn được đi theo đoàn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh sang Paris ký Hiệp định vào tháng 1/1973, đã chia sẻ tại Hội thảo khoa học: “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm.”

Theo ông Vũ Khoan, lịch sử đặt lên vai dân tộc Việt Nam một sứ mệnh rất vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian khổ. Từ sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, suốt mấy chục năm trời, nhân dân ta đã phải lần lượt tiến hành các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất và xây dựng đất nước.

Cũng trong thời gian ấy, Việt Nam là nước duy nhất tham gia tới 4 hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, khẳng định tầm vóc của dân tộc cũng như tầm vóc của ngoại giao Việt Nam. Đó là Hội nghị Geneve năm 1954 về Đông Dương, Hội nghị Geneve về Lào năm 1961-1962, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, Hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Campuchia năm 1991.

Trong tất cả sự kiện trên, theo ông Vũ Khoan, Hiệp định Paris chiếm một vị trí đặc biệt, đem tới cho dân tộc ta và thế giới những ý nghĩa lớn. Với Hiệp định Paris, Mỹ đã phải cam kết rút hết quân, mang lại hòa bình cho miền Bắc nước ta, khôi phục lại nền kinh tế đồng thời tăng cường thêm nguồn lực để tiến hành cuộc đấu tranh ở miền Nam Việt Nam, đi đến thống nhất đất nước.

[Hiệp định Paris - Ký ức của người trong cuộc và góc nhìn quốc tế]

Hiệp định Paris cũng có ý nghĩa nâng vị thế nước ta lên tầm cao mới. Trong năm 1973, đã có 15 nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau Hội nghị Paris, lần đầu tiên nước ta tham gia một hội nghị quốc tế để xác nhận, cam kết thực hiện Hiệp định Paris với sự hiện diện của 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông Vũ Khoan khẳng định với cuộc đấu tranh của dân tộc ta và chiến thắng từ Hiệp định Paris, Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp độc lập, hòa bình, phát triển sức mạnh của phong trào cộng sản quốc tế và các nước xã hội chủ nghĩa, làm thay đổi tương quan lực lượng trên thế giới.

Nêu những bài học rút ra từ quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, ông Vũ Khoan chỉ ra bài học về chữ “K;” đó là tinh thần “Kết hợp” nhằm tạo được sức mạnh tổng hợp để có thể chiến thắng một đối thủ hùng mạnh.

Lúc đó, dân tộc ta ở trong tình thế lấy yếu đánh mạnh, do đó, phải tạo dựng sức mạnh tổng hợp, kết tinh những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa thành sức mạnh. “Chúng ta đã hình thành thế trận “3 vòng mặt trận” theo cách nói của đồng chí Trường Chinh, với vòng thứ nhất là đoàn kết Bắc-Nam. Vòng thứ 2 là đoàn kết giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trên bán đảo Đông Dương. Vòng thứ 3 là đoàn kết giữa cuộc đấu tranh của nhân dân chúng ta với nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập,” ông Vũ Khoan nói.

Sự kết hợp tiếp theo là giữa chính trị-quân sự-ngoại giao; trong đó, quân sự và chính trị có ý nghĩa quyết định; ngoại giao cũng có vai trò riêng. Ngoại giao ở đây không chỉ liên quan đến quá trình đàm phán mà còn liên quan đến 3 lĩnh vực tố cáo tội ác của Mỹ đã gây ra trên đất nước ta; ngoại giao phát huy đường lối chính nghĩa; ngoại giao đóng góp vào tập hợp lực lượng nhân dân thế giới ủng hộ, giúp đỡ, hình thành mặt trận của toàn thế giới.

Đó còn là sự kết hợp giữa các ngành, lĩnh vực; giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; sự phối hợp lẫn nhau của các Đoàn đàm phán Việt Nam, nhất là đoàn miền Nam Việt Nam trong việc tiến hành nhiều hoạt động sôi nổi trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, tại Hội nghị Paris, truyền thông đóng vai trò rất lớn.

Van dung sang tao bai hoc Hiep dinh Paris trong hoan canh moi hinh anh 2Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Nguồn: báo Quốc tế)

Theo ông Vũ Khoan, một bài học nữa là phải kiên trì để giành thắng lợi từng bước, từng bộ phận. “Trước tiên, chúng ta đòi Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc. Sau đó, chúng ta đòi Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; từ đó, buộc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam, tạo tình thế mới để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam,” ông Vũ Khoan cho biết.

Bài học thứ ba, có 2 điều phải kiên quyết, bất di bất dịch; đó là, Mỹ phải rút hết quân đội của Mỹ và các nước đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày. Cùng với đó, miền Nam phải có đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam, đó là Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời. Việt Nam cũng buộc Mỹ phải công nhận độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam.

Bài học thứ tư là phải linh hoạt, khôn khéo như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt.” Theo đó, khi đàm phán, đoàn Việt Nam chưa đặt ra vấn đề xóa bỏ chính quyền Sài Gòn. Việt Nam có hai đoàn miền Bắc và miền Nam nhưng hai đoàn luôn thực hiện phương châm Bác Hồ căn dặn: “Tuy hai mà một, tuy một mà hai.” Đây là sách lược rất khôn khéo và chưa từng có trong lịch sử thế giới.

Ông Vũ Khoan cho rằng nên đặt Hiệp định Paris trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Ông nêu một sự trùng hợp đáng chú ý, vào năm 1417, khi quân Minh sang đánh chiếm nước ta, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cũng áp dụng chiến lược vừa đánh vừa đàm trong vòng 5 năm.

Cuối cùng, hai bên đã đi đến một thỏa thuận là Hội thề Đông Quan, buộc quân nhà Minh phải cam kết rút hết ngay về nước. Phía ta cũng cam kết tạo điều kiện quân Minh về nước. “Liên hệ với Hiệp định Paris-cũng kéo dài gần 5 năm với điều kiện buộc phía Mỹ phải rút hết quân về nước mới chiêm nghiệm được dòng chảy lịch sử của dân tộc,” ông Vũ Khoan đánh giá.

Một điểm nữa được ông Vũ Khoan nêu, sau khi ký Hiệp định Paris, Việt Nam tiếp tục có 2 năm đấu tranh ngoại giao đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn này ít được đề cập tới dù có rất nhiều bài học quý trong quãng thời gian này.

Nhận định ngày nay tình hình đất nước ta và thế giới đã thay đổi rất nhiều, ông Vũ Khoan cho rằng những bài học cơ bản của Hiệp định Paris vẫn để lại nhiều điều quý giá để có thể vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh mới./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)