Ngày 8/10, tiếp tục Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Nhà giáo.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rà soát, xác định rõ đối tượng áp dụng của luật và điều chỉnh tại dự thảo Luật.
Luật Nhà giáo áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (không phân biệt công lập, tư thục, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài).
Về quan điểm chính khi triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ trưởng cho biết bằng Luật này sẽ kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp; giúp nhà giáo yên tâm công tác, thêm yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời cũng xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm đối với nhà giáo; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.
Các chính sách mới cũng bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập để phù hợp với đối tượng nhà giáo ngoài công lập đang ngày càng gia tăng, có vai trò quan trọng trong đời sống giáo dục.
Dự kiến một số tác động tích cực của Luật Nhà giáo đem lại, Bộ trưởng nhấn mạnh việc ngành giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong công tác này thời gian qua, thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trên cơ sở chuẩn hóa nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Cùng với đó, nhà giáo sẽ được nâng tầm vị thế, vai trò, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp; mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp; tạo điều kiện và quy định trách nhiệm đối với nhà giáo trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn phấn đấu trong học tập, bồi dưỡng, không ngừng cập nhật kiến thức kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển không ngừng của giáo dục; góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề, trách nhiệm cao nhất với nghề.
Bên cạnh đó là tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập - không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động mà còn đầy đủ tư cách của nhà giáo.
Về đánh giá nhà giáo, dự thảo quy định những nội dung riêng về đánh giá định kỳ đối với nhà giáo (thời điểm đánh giá theo năm học, không theo năm hành chính, nội dung đánh giá căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo); còn quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn xếp loại nhà giáo thực hiện theo pháp luật về viên chức (với nhà giáo công lập) hoặc pháp luật về lao động và quy chế của cơ sở giáo dục (đối với nhà giáo ngoài công lập).
Về chính sách đối với nhà giáo, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ đã đưa ra khỏi dự thảo (quy định về áp dụng luật nhà giáo, về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo, về chuẩn người đứng đầu các cơ sở giáo dục...).
Một số nội dung chính sách (quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo) được rà soát kỹ lưỡng để vừa bảo đảm có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình bổ sung về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo của Chính phủ.
Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục nhất trí với quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm nghỉ hưu và không bị giảm tỷ lệ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tích cực, khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 để hoàn thiện dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là đạo luật được ngành giáo dục quan tâm, nhưng cũng là luật khó, với phạm vi tác động lớn, có nhiều nội dung phức tạp, với tinh thần khẩn trương, thận trọng và kỹ lưỡng.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức quan tâm; các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Tư pháp tập trung về mặt kỹ thuật lập pháp cho dự án Luật để không sai về từ ngữ, các điều khoản không chồng chéo với quy định của các luật khác.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các nội dung đã được điều chỉnh tại luật chuyên ngành khác thì không quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo; chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không quy định cụ thể, chi tiết, luật hóa nghị định, thông tư mà giao cho Chính phủ, bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần chú ý bảo đảm đánh giá tác động đến đâu thì quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đến đó, không dàn trải. Trong đó, lưu ý đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo với ba nhóm chính gồm: nhà giáo công lập, nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài làm việc trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời, tiếp tục rà soát, bảo đảm tính phù hợp, khả thi của từng chính sách áp dụng cho từng nhóm đối tượng này./.