Ung dung mo hinh nuoi ca bop tren bien dau tien tai Quang Binh hinh anh 1Mô hình nuôi cá bớp biển bằng lồng nhựa HDPE của gia đình ông Cao Minh Thái (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: TTXVN phát)

Nhằm đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi trồng thủy sản nước mặn có giá trị kinh tế cao, đang được thị trường ưa chuộng.

Năm 2022, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình), đã triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Đây là mô hình nuôi các bớp trên biển đầu tiên của tỉnh Quảng Bình và đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá bớp trên biển đầu tiên tại tỉnh Quảng Bình được 2 hộ triển khai là ông Cao Minh Thái và Tưởng Văn Thịnh, với quy mô 1 lồng có thể tích 500m3, tại vùng biển ven bờ tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.

[Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá bớp và cá hồng Mỹ]

Ban đầu, cá giống có kích cỡ từ 25-30 cm/con. Mật độ thả 3 con/m3, số lượng giống thả 1.500 con/lồng.

Sau 6 tháng nuôi cá bớp sinh trưởng tốt, không xảy ra dịch bệnh. Sản lượng thu hoạch của hai hộ nuôi ước đạt trên 10 tấn.

Trọng lượng trung bình khi thu hoạch đạt từ 3,5-4 kg/con. Giá bán trung bình 200.000 đồng/kg. Doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hộ nuôi lãi khoảng 150 triệu đồng.

Ung dung mo hinh nuoi ca bop tren bien dau tien tai Quang Binh hinh anh 2Cá bớp biển nuôi bằng lồng nhựa HDPE cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: TTXVN phát)

Chủ vựa cá Cao Minh Thái, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, cho biết gia đình anh đã nuôi được sáu tháng, đàn cá phát triển rất là ổn định, bệnh tật không có, thiệt hại cũng không.

Tỷ lệ cá sống đạt được trên 90%, khu vực này nuôi trồng rất thuận lợi. Các năm sau có chương trình hỗ trợ thì gia đình cũng mạnh dạn đầu tư thêm để phát triển triển thêm ngành nghề nhằm tăng thu nhập cho gia đình và địa phương.

Chi cục Thủy sản Quảng Bình cũng luôn cử chuyên viên chỉ đạo, giám sát việc thực hiện mô hình nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE theo đúng yêu cầu phương án được phê duyệt để có được hiệu quả cao.

Hàng tháng chuyên viên được giao chỉ đạo mô hình kiểm tra thực tế, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi và kiểm tra chất lượng, thức ăn, vật tư thiết bị mà hộ dân đã đầu tư và tốc độ phát triển của cá bớp.

Ông Võ Phan Bình, cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản Quảng Bình, cho biết mô hình này phát triển nuôi đối tượng mới và phương pháp nuôi mới trên địa bàn, tạo được công ăn việc làm cho người dân, tạo ra cá bớp tiêu thụ trên địa bàn.

Qua quá trình triển khai trên địa bàn, chúng tôi cũng mong người dân trong những năm tiếp theo tiếp tục chăm sóc, quản lý cá bớp trong lồng HDPE đảm bảo quy trình kỹ thuật do Chi cục hướng dẫn để phát triển đối tượng mới, hình thức nuôi mới trên địa bàn.

Mô hình nuôi cá bớp trên biển không chỉ giải quyết việc làm mà còn tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi bởi sản phẩm có giá bán cao, nhu cầu lớn, thị trường tiêu thụ rộng. Đó cũng là mục tiêu nhắm đa dạng hóa đối tượng nuôi và hình thức nuôi phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm của người dân để có thu nhập cao. Đồng thời, khai thác tiềm năng vùng biển ven bờ tại địa bàn tỉnh Quảng Bình.../.

Đức Thọ (TTXVN/Vietnam+)