Ngân hàng UBS dự đoán giá vàng sẽ tăng hơn nữa trong năm 2024 trước những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất.
Ông Joni Teves, chiến lược gia về kim loại quý của UBS, cho rằng khả năng Fed nới lỏng chính sách tiền tệ và đồng USD suy yếu sẽ thúc đẩy giá vàng. Chuyên gia này dự đoán giá vàng sẽ chạm mức 2.200 USD/ounce vào cuối năm nay.
Giá vàng thường diễn biến ngược chiều với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư thay thế như trái phiếu. Trái phiếu sẽ sinh lời ít hơn trong môi trường lãi suất thấp. Trong khi đó, lãi suất giảm sẽ khiến đồng USD suy yếu, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó kích thích nhu cầu đối với kim loại quý này.
Dù vẫn còn nhiều sự không chắc chắn về thời điểm và mức độ cắt giảm, UBS vẫn giữ dự đoán Fed sẽ nới lỏng chính sách. Tuần trước, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời đẩy lùi khả năng hạ lãi suất vào tháng Ba.
Sức hấp dẫn của vàng như một kênh trú ẩn an toàn đã tăng lên kể từ khi căng thẳng giữa Israel và Hamas nổ ra vào ngày 7/10 năm ngoái. Tình hình chiến sự đã góp phần đẩy vàng lên mức cao nhất từ trước đến nay là 2.100 USD/ounce vào tháng trước.
Ông Teves cho rằng giới đầu tư sẽ bắt đầu đầu tư vào vàng trong một môi trường còn nhiều bất ổn về kinh tế vĩ mô và các nguy cơ địa chính trị.
Bên cạnh đó, ông Peter Spina, Chủ tịch GoldSeek.com, nhận định lực đẩy đối với giá vàng còn đến từ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương.
Trong một báo cáo gần đây, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết các ngân hàng trung ương đang duy trì tốc độ mua vàng rất nhanh, với lượng mua ròng trong cả năm 2023 đạt 1.037 tấn, chỉ thấp hơn mức cao kỷ lục trong năm trước đó 45 tấn.
Tổng lượng vàng mua ròng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đạt 225 tấn trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1977. Lý do là PBoC đẩy mạnh mua vàng để thay thế lượng nắm giữ tài sản bằng đồng USD, giữa bối cảnh bất đồng thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu giảm bớt và các nhà đầu tư cá nhân đua nhau tìm kiếm “nơi trú ẩn an toàn” khi nền kinh tế khó khăn.
Một số quốc gia đang cố gắng giảm dự trữ USD để chuyển sang vàng, sau khi Mỹ và châu Âu đóng băng dự trữ tài sản của Nga.
Nhà phân tích thị trường Itsuo Toshima cho biết: “Đây là dấu hiệu cho thấy niềm tin vào đồng USD, vốn được coi là đồng tiền dự trữ quốc tế chủ chốt, đang suy giảm."
Theo Bộ Tài chính Mỹ, khi Trung Quốc mua thêm vàng, nước này đã cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống còn khoảng 782 tỷ USD tính đến tháng 11/2023, thấp hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này thấp hơn khoảng 230 tỷ USD so với số trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ ngay sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.
Ngoài ra, nhu cầu vàng từ Trung Quốc vẫn mạnh và được dự đoán sẽ gia tăng khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần.
Trung Quốc là quốc gia khai thác và nhập khẩu vàng hàng đầu thế giới. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) và người tiêu dùng hộ gia đình của nước này cũng mua vàng thuộc hàng đứng đầu thế giới.
Chuyên gia Adrian Ash của công ty BullionVault cho biết Tết Nguyên đán thường là thời điểm nhu cầu vàng trang sức tại Trung Quốc tăng mạnh.
Ông Ash cho biết nhu cầu vàng tăng mạnh của Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chuyên gia này lưu ý rằng giá vàng tính bằng đồng nhân dân tệ đã tăng 44% kể từ trước đại dịch COVID-19, và tăng 20% trong năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của các hộ gia đình tại nước này đã tăng 24% tính bằng đồng USD lên mức cao kỷ lục 56 tỷ USD trong năm 2023. Ông dự đoán giá vàng sẽ không giảm quá nhiều trong năm nay.
Giá vàng kỳ hạn đã liên tục ở trên ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000 USD/ounce kể từ khoảng giữa tháng 12 năm ngoái. Ông Spina dự đoán giá vàng sẽ tăng lên các mức cao kỷ lục mới trong vài tháng tới./.
Nguồn: UBS: Giá vàng có thể chạm mức 2.200 USD mỗi ounce trong năm 2024 | Vietnam+ (VietnamPlus)